Cây lưỡi mèo và cây lưỡi hổ khác gì nhau?

Có người nói cây lưỡi mèo và cây lưỡi hổ là một, có người lại nói là hai loại khác nhau, vậy thực chất cây lưỡi hổ và cây lưỡi mèo khác gì nhau?

Lưỡi hổ và lưỡi mèo đều là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực cây cảnh. Nhiều người tưởng lưỡi hổ với lưỡi mèo là một, nhưng thực chất chúng là hai loài trong cùng một chi họ thực vật.

Cây lưỡi mèo và cây lưỡi hổ khác gì nhau?

Cây lưỡi mèo (Sansevieria trifasciata var) có họ hàng rất gần với cây lưỡi hổ, chỉ khác là lá rộng hơn và thấp hơn. Nhìn cây lưỡi mèo có màu sắc và vân lá giống cây lưỡi hổ xanh nhưng khác hẳn về hình dạng. Cây lưỡi mèo lá ngắn và bầu hơn nhiều.

Ngoài ra, cây lưỡi mèo có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, vẻ ngoài gần như không thay đổi trong suốt một năm. Đặc biệt, khi sống trong môi trường ổn định như trong phòng, trong nhà thì tốc độ sinh trưởng của nó càng chậm hơn.

Cây lưỡi mèo và cây lưỡi hổ khác gì nhau? Cây lưỡi hổ thường hẹp, dài và sắc nhọn. Còn cây lưỡi mèo có hình dạng rộng hơn và có các rãnh sâu trên mặt trên, lá khá ngắn. (Ảnh: La Residence)

Lưỡi hổ (Sansevieria trifasciata) có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và có nhiều màu sắc khác nhau.

Có tới hơn 70 loài như cây lưỡi hổ cọp, cây lưỡi hổ Thái, cây lưỡi hổ xanh... nhưng phổ biến trên thị trường cây cảnh thì có tầm chục loại. Trong đó, có một loại cây lá ngắn bầu to màu xanh hay được gọi là cây lưỡi mèo. Chính vì thế mà nhiều người tưởng rằng lưỡi mèo hay lưỡi hổ là cách gọi tên khác nhau mà thôi.

Thực ra, cây lưỡi mèo và cây lưỡi hổ cùng chi thực vật Sansevieria trifasciata nhưng kích thước hình dạng có khác nhau đôi chút, giống như anh em trong một nhà nhưng người cao kẻ thấp, hay giống như trong cùng dòng hoa hồng thì có hoa hồng kiss, hoa hồng dabby, hoa hồng nhung...

Cây lưỡi hổ thường hẹp, dài và sắc nhọn, giống như một chiếc đinh ba. Trong khi đó, lưỡi mèo có hình dạng rộng hơn và có các rãnh sâu trên mặt trên, lá khá ngắn.

Tóm lại, lưỡi mèo hay lưỡi hổ đều là một chi họ thực vật. Chúng đều có đặc trưng là cây mọng nước, trơn, dày bóng, xanh bóng, trên bề mặt lá có các đường vằn vằn xếp song song và cắt ngang lá. Chúng chịu được khô hạn và gần như không có thân, chỉ có lá mọc từ gốc. Các lá cây có hình elip nhưng thuôn nhọn ở đầu, lá mọc ôm vào với nhau.

Cả cây lưỡi hổ và cây lưỡi mèo vừa có thể trồng trên đất đá sỏi vừa có thể sống thủy sinh, lại vừa sống được trong điều kiện nước tưới thất thường. Nó vừa sống được dưới ánh nắng mặt trời, vừa sống được trong điều kiện ánh sáng điện huỳnh quang.

Về mặt thẩm mỹ trong không gian sống, lá cây lưỡi mèo và cây lưỡi hổ luôn xanh tươi quanh năm, có tác dụng thanh lọc không khí, giúp cho không gian xung quanh bạn trở nên hài hòa và tự nhiên hơn.

Theo quan niệm phong thủy, cây lưỡi hổ và cây lưỡi mèo đều có ý nghĩa về sự trường tồn, may mắn, thịnh vượng và tài lộc, được cho là có khả năng giúp gia chủ xua đuổi tà ma xú uế, bảo vệ sự bình an và thanh tịnh.

Cũng chính vì ý nghĩa này mà rất nhiều người trồng cây lưỡi mèo, lưỡi hổ trong các chậu nhỏ và đặt ở bàn làm việc, bàn học tập, phòng ngủ, phòng khách, ban công, hành lang…

Một số giống cây lưỡi mèo, lưỡi hổ phổ biến

Cây lưỡi mèo hiện nay có 3 loại phổ biến:

- Lưỡi mèo xanh có sọc vàng trên toàn thân.

- Lưỡi mèo xanh lục đơn sắc.

- Lưỡi mèo xanh lục đốm trắng.

Cây lưỡi mèo lá ngắn và to hơn. (Ảnh: TRopical Plants)

Các loại cây lưỡi hổ phổ biến gồm:

- Iưỡi hổ xanh: Cây có màu xanh lơ xen lẫn với màu xanh đậm, lá bản nhỏ khá dài, vươn thẳng sắc bén trông như mũi giáo.

- Lưỡi hổ vàng: Được xem là "kinh điển" trong các dòng lưỡi hổ. Cây này được đánh giá có dáng nghệ thuật hơn cây lưỡi hổ xanh.

- Lưỡi hổ Thái:Cây có vẻ ngoài giống với loài lưỡi hổ vàng, nhưng lá ngắn hơn và bầu hơn.

- Lưỡi hổ bạc dài (lưỡi hổ Silver Queen): Hình dáng giống như lưỡi hổ xanh, tuy nhiên có màu xanh bạc nhẹ nhàng, lá mảnh và dài hơn, mọc thẳng đứng đâm lên trên. Lớp phấn bạc bên ngoài cây lưỡi hổ này tạo nên vẻ lạ cho cây.

NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cay-luoi-meo-va-cay-luoi-ho-khac-gi-nhau-ar839675.html