Cây khoai mán lòng vàng ở Ché Lầu

Gia đình anh Thao Văn Sử và Thao Văn Chu là hộ cận nghèo ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo được UBND huyện Quan Sơn hỗ trợ kinh phí và đưa vào trồng thí điểm cây khoai mán lòng vàng trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình theo hình thức trồng tập trung.

Những người lính Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo chăm sóc cây khoai mán lòng vàng cùng người dân Ché Lầu.

Dẻo thơm khoai mán lòng vàng

Dưới sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, xã Na Mèo, sau hơn 1 tháng trồng, 1ha cây khoai mán lòng vàng của gia đình anh Sử và anh Chu đã lên những mầm xanh, hứa hẹn cho thu hoạch vào dịp gần cuối năm. Từ khi gia đình anh Sử và anh Chu trồng cây khoai mán, những người lính biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đang “cắm bản” ở Ché Lầu đã giúp đỡ hộ gia đình chăm sóc, làm cỏ, theo dõi sự phát triển của cây khoai.

Bí thư chi bộ, trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu cho biết: Bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống kinh tế - xã hội của bản còn nhiều khó khăn. Cây khoai mán lòng vàng lâu nay được bà con bản Ché Lầu trồng nhỏ lẻ, phục vụ đời sống của hộ gia đình, chứ chưa trồng tập trung và thành sản phẩm hàng hóa. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo về nội dung UBND huyện Quan Sơn có chủ trương thí điểm trồng cây khoai mán lòng vàng tập trung tại bản Ché Lầu, góp phần tăng thu nhập cho bà con, từng bước giảm nghèo bền vững thì chi ủy chi bộ, ban quản lý bản Ché Lầu đã họp bàn, tuyên truyền đến bà con Nhân dân chủ trương của cấp trên. Đồng thời, bản lựa chọn, tuyên truyền 2 hộ gia đình anh Thao Văn Sử và Thao Văn Chu, là hộ cận nghèo, có diện tích đất nông nghiệp còn trống để trồng cây khoai mán lòng vàng theo hình thức trồng tập trung. Nếu loại cây này cho năng suất, chất lượng và đầu ra ổn định, ban quản lý bản sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con trong bản mở rộng diện tích. Có cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có đầu ra ổn định thì bà con phấn khởi và làm theo.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: Cây khoai mán lòng vàng hay còn gọi khoai sọ vàng, khoai môn được trồng nhiều ở các huyện miền núi Thanh Hóa và một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Khoai mán lòng vàng được sử dụng làm thực phẩm, nấu canh, khi ăn có vị thơm, dẻo, được thị trường, khách hàng ưa chuộng. Tại huyện Quan Sơn, loại cây này được bà con các xã Sơn Điện, Trung Xuân, Sơn Thủy... trồng chủ yếu theo hình thức quảng canh, năng suất, chất lượng chưa cao. Thời gian qua, phòng chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan, xã Na Mèo xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện mô hình trồng tập trung tại bản Ché Lầu. Hiện nay, cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại các bản Mông

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Phạm Quang Tuấn, cho biết: Huyện Quan Sơn có 3 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Ché Lầu (Na Mèo), Mùa Xuân, Xía Nọi (Sơn Thủy) với tổng số 217 hộ, 1.058 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo của 3 bản 189/217 hộ (chiếm 87%); hộ cận nghèo 16 hộ (chiếm 0,74%); hộ có mức sống trung bình 12 hộ chiếm (0,55%). Trong những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên việc phát triển các chính sách hỗ trợ chưa được như kỳ vọng, hộ nghèo còn cao, dẫn đến phát rừng làm nương rẫy đang còn xảy ra, an ninh rừng bị đe dọa...

Ché Lầu là 1 trong 3 bản Mông của huyện Quan Sơn.

Để định hướng cho Nhân dân phát triển sản xuất, nhanh chóng thay đổi tập tục canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu, huyện Quan Sơn đã lựa chọn một số hộ gia đình để thực hiện thí điểm mô hình trồng trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thực tế tại 3 bản người Mông. Trong đó có việc tổ chức ra quân triển khai mô hình thí điểm trồng khoai mán lòng vàng tập trung. Mô hình được đánh giá bước đầu phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế thổ nhưỡng và phong tục, tập quán của bà con Nhân dân. Nếu như năng suất, chất lượng tốt, đây là điều kiện thuận lợi để đưa cây khoai mán lòng vàng tiếp tục trồng tập trung tại các bản Mông Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy của huyện Quan Sơn.

Hiện nay, UBND huyện Quan Sơn chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trong quá trình triển khai thực hiện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sử dụng các biện pháp đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và phù hợp với điều kiện tiếp thu của người dân từ đó tuyên truyền cho người dân về phát triển sản xuất nói chung, trồng khoai mán lòng vàng nói riêng. Cử cán bộ nắm bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời và vận động tuyên truyền Nhân dân nhiệt tình tham gia. Huyện chỉ đạo phòng chuyên môn định hướng, giúp xã, bản xây dựng sản phẩm OCOP khoai mán lòng vàng, tạo thành chuỗi liên kết cung cầu bán sản phẩm cho bà con Nhân dân và tiếp tục nhân rộng diện tích trồng khoai trong mùa vụ tiếp theo. Theo kế hoạch hỗ trợ sản xuất tại các bản Mông, huyện Quan Sơn cũng sẽ hỗ trợ thực hiện canh tác, sản xuất lúa nước vụ chiêm xuân năm 2024-2025 với diện tích 14ha tại 3 bản Mông với giống lúa Nhật J02; lúa Nhật Karasaki; lúa PC15 và giống lúa lai Quốc tế 1 nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho Nhân dân 3 bản. Chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp 3 bản thực hiện thành công sản xuất lúa nước 2 vụ và duy trì, nhân rộng trong những mùa vụ, những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cay-khoai-man-long-vang-o-che-lau-31001.htm