Cầu vòm thép thuộc dự án 2.200 tỷ ở Huế ra sao sau một năm khởi công?

Sau một năm khởi công, cầu vượt sông Hương thuộc dự án 2.200 tỷ đồng ở Thừa Thiên Huế dần lộ diện, đang được nhà thầu khẩn trương thi công, dự tính thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 10/2024.

Đồng loạt thi công các trụ cầu, gia công đốt chân vòm...

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày cuối tháng 12/2023, công trình cầu vòm thép bắc qua sông Hương đang được nhà thầu gấp rút thi công.

Đáng kể, sau một năm khởi công, mố A1 của công trình cầu vòm thép thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng này đã hoàn thành.

Trụ P1 đã thi công 12/12 cọc khoan nhồi D1200, hoàn thành thân trụ thượng lưu, đang thi công thân trụ hạ lưu. Các trụ P2, P3 mỗi trụ đều đã thi công 24/24 cọc khoan nhồi D2000, hoàn thành thân trụ đợt 1 và chờ lắp đặt các đốt chân vòm.

Công trình cầu vượt vòm thép sông Hương đang thi công nhìn từ cầu Dã Viên, TP Huế.

Trụ P4 phía bờ nam sau thời gian vướng mặt bằng hiện nay đã thi công 12/12 cọc D1200, hoàn thành thân trụ thượng lưu và hạ lưu.

Cạnh đó, đoạn từ mép bờ nam sông Hương ra tới đường Bùi Thị Xuân, nhiều căn nhà đã tháo dỡ để bàn giao mặt bằng thi công mố A2 và đường đầu cầu.

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (TP Huế) có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng vào tháng 12/2022.

Dự án do liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trung Chính - Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Đầu tư xây dựng Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Anh - Công ty CP Đường bộ I Thừa Thiên Huế thi công với thời gian 3 năm.

Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công cho hay, đối với thi công cọc đất gia cố xi măng mố A1, hiện nay đã thi công 490/490 cọc phần 1 và 746/1030 cọc phần 2. Nhà thầu cũng đã nhập đủ thép tấm dùng để sản xuất vòm và dầm thép.

Đồng thời, gia công đốt chân vòm CV1, CV2, CV3, CV4 của hai trụ chính P2, P3. Gia công dầm dọc chủ nhịp chính MS-SG1, MS-SG2, MS-SG3, MS-SG4 (8/18 đốt dầm dọc chủ nhịp chính); dầm ngang ICS12-ICS26.

Gia công dầm dọc chủ nhịp biên AS-SG1, AS-SG2, AS-SG3, AS-SG4 (8/16 đốt dầm dọc chủ nhịp biên). Ép cọc PHC tường chắn phía mố M1 (49/213 cọc).

Thi công hệ sàn đạo lắp chân vòm trụ P2, P3. Khoan cọc khoan nhồi của hệ sàn đạo 40/72 cọc... để lắp dầm dọc, dầm ngang, các đốt vòm cầu.

Trụ P4 phía bờ nam đang thi công sau thời gian vướng mặt bằng, nhìn từ cầu Dã Viên...

Và nhìn từ phía bờ nam sông Hương.

Theo quyết định được phê duyệt, cầu vượt sông Hương bằng kết cấu vòm thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng chiều dài dự án khoảng 643,04m, trong đó chiều dài cầu 350m, với sơ đồ nhịp gồm (29+56+180+56+29)m.

Tại nhịp chính 180m, bố trí 2 vòm thép riêng biệt theo hướng dọc hai bên cầu phân cách giữa phần xe cơ giới với phần xe thô sơ và lề đi bộ.

Bề rộng cầu 43m, bao gồm 6 làn xe cơ giới, trong đó chiều rộng mặt đường 21m, dải phân cách 0,5m, làn đi bộ rộng 6m, làn xe thô sơ rộng 8m, dải an toàn rộng 2m, gờ lan can rộng 0,5m; chiều rộng phạm vi vòm và cáp treo 5m.

Điểm đầu tiếp giáp với dự án đường Nguyễn Hoàng kéo dài, tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng, thuộc phường Kim Long. Điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân, thuộc phường Phường Đúc; tiếp giáp dự án đường Vành đai 3.

Đường Nguyễn Hoàng rộng 43m, theo quy mô dự án này đang được đầu tư triển khai, bao gồm 6 làn xe... Đường dẫn đầu cầu vượt sông Hương rộng 43m, bao gồm 6 làn xe cơ giới 2 làn xe hỗn hợp. Khổ thông thuyền sông cấp III, khổ thông thuyền BxH=30,0mx6,0m.

Hệ thống ATGT đường bộ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT. Hệ thống ATGT đường thủy theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa QCVN 39:2020/BGTVT và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường thủy hàng hải QCVN 20:2015.

Những căn nhà phía bờ nam sông Hương vừa được tháo dỡ để thi công mố A2.

Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào tháng 10/2024

Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 1.440 tỷ đồng.

Dự án có 140 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó phường Phường Đúc có 116 hộ và phường Kim Long 24 hộ.

Hiện nay, tại phường Kim Long đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 20 hộ. Tại phường Phường Đúc đã phê duyệt 92 hộ, gồm 42 hộ đợt 1 và 50 hộ đợt 2 (bao gồm hộ phụ), trong đó 42 hộ đợt 1 đã nhận đất tái định cư.

Đối với 13 hộ thuộc tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương (phía Nam, do Ban QLDA khu vực TP Huế làm chủ đầu tư), có 10/13 hộ đã nhận tiền giải phóng mặt bằng, 3 hộ còn lại cần sớm bàn giao mặt bằng để thi công mố A2.

Mố A1 ở bờ bắc sông Hương đã cơ bản hoàn thành.

Theo chủ đầu tư, tiến độ thi công trụ P3 bị chậm 15 ngày do quá trình thi công cọc khoan nhồi gặp địa chất phức tạp, phải kéo dài mũi cọc so với dự kiến. Đợt mưa lũ gây ngập lụt tháng 11 cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thi công tại hiện trường.

Lũy kế giá trị thực hiện công trình đến nay hơn 801,4/1.495 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53,61% giá trị hợp đồng.

Hiện nay, song song với công tác bàn giao số mặt bằng còn lại, các đơn vị triển khai dự án đang bám sát kế hoạch, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật công trình cầu vượt sông Hương vào khoảng cuối tháng 10/2024.

Những căn nhà đầu tiên đang được tháo dỡ để thi công mố A2 và đường đầu cầu vượt sông Hương phía bờ nam.

Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang được địa phương triển khai.

Đường dẫn phía nam cầu vượt sông Hương đang giải phóng mặt bằng nhìn từ đường Bùi Thị Xuân.

Phối cảnh công trình cầu vượt sông Hương nhìn từ trên cao.

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cau-vom-thep-thuoc-du-an-2200-ty-o-hue-ra-sao-sau-mot-nam-khoi-cong-192231229141749428.htm