Cấu trúc thu nhập của người dân rất không bền vững

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, thu nhập bình quân của một người trong năm 2023 theo giá hiện hành đạt 4,96 triệu đồng/tháng, tăng 6,2% so với năm 2022; trong khi đó GDP bình quân đầu người trên tháng của năm 2023 là khoảng 8 triệu đồng.

Cần lưu ý rằng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người là khác nhau. GDP tính theo phương pháp thu nhập bao gồm thu nhập của người lao động (thu nhập từ sản xuất), thặng dư sản xuất gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định), các loại thuế gián thu (như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài, thuế bảo vệ môi trường…) và các loại phí liên quan đến sản xuất. Như vậy thu nhập của người lao động chỉ khoảng gần 60% GDP, còn lại là thuế gián thu và phí (khoảng 10% GDP) và thặng dư sản xuất gộp (khoảng 30% GDP)

Một điểm cần lưu ý nữa, con số 4,96 triệu đồng/tháng là bình quân của tổng thu nhập của dân cư, bao gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thu nhập từ sở hữu và thu nhập từ chuyển nhượng (kiều hối là khoản cơ bản).

Như vậy tổng thu nhập của dân cư năm 2023 khoảng 5,97 triệu tỉ đồng. Ước tính của Tổng cục Thống kê (trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023) cho thấy tiêu dùng cuối cùng của dân cư khoảng 5,58 triệu tỉ đồng, bình quân khoảng 4,63 triệu đồng/người/tháng. Từ đó có thể tính ra khu vực hộ gia đình có 390.000 tỉ đồng cho tiết kiệm.

Tuy nhiên thu nhập từ sản xuất (tiền lương, tiền công…) bình quân đầu người/tháng so với tổng thu nhập, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê là tăng từ 51,1% năm 2018 lên 55% năm 2023, tính ra chỉ khoảng 2,68 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn mức tiêu dùng cuối cùng bình quân đầu người của dân cư khá nhiều.

Cần lưu ý rằng, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư cho sản xuất, do đó nếu lượng tiền tiết kiệm 390.000 tỉ đồng bị găm ở bất động sản, vàng hoặc ngoại tệ… thì nền kinh tế đến chu kỳ sản xuất sau sẽ “trầm uất” do thiếu vốn để đầu tư. Hơn nữa nếu vì một lý do gì đó mà lượng kiều hối giảm sút tình hình sẽ rất khác, đặc biệt khi thu nhập bình quân đầu người từ tiền lương, tiền công chỉ bằng 55% tổng thu nhập.

Điều này cho thấy cấu trúc thu nhập rất không bền vững. Cần chú trọng vào thu nhập từ sản xuất để thu nhập được bền vững. Mà muốn vậy thì cần chú trọng đến sản xuất (phía cung) bằng cách giảm các loại thuế, phí và các chính sách khắt khe không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với dân cư.

Một điểm cần lưu ý khác, đó là thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn tuy có tăng so với năm 2021, nhưng vẫn quá thấp, chỉ bằng 84% thu nhập bình quân đầu người chung của cả nước và bằng 67% của khu vực thành thị, cho thấy mức sống của khu vực nông thôn (chiếm 60% dân số Việt Nam) là rất khó khăn.

Nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất – tức là 20,6 triệu người) chỉ có thu nhập bình quân đạt 1,45 triệu đồng/người/tháng, trong khi khoảng hơn 40 triệu dân cư khác (nhóm 2 và nhóm 3) cũng chỉ nhỉnh hơn một chút thì không có gì đáng vui mừng. Điều này cũng cho thấy chuẩn mực thế nào là hộ nghèo cần được xem lại, không nên tranh luận theo kiểu “Tây bảo thế!”.

Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản là nhóm ngành có chỉ số lan tỏa đến tổng giá trị gia tăng (tổng giá trị gia tăng và thuế sản phẩm = GDP) cao hơn nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất nhiều, trong khi đó sản phẩm cuối cùng này lan tỏa đến nhập khẩu cũng thấp hơn nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Thật bất ngờ thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê năm ngoái lại nói rằng: “Cơ cấu thu nhập đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn. Tỷ trọng các khoản thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng ngày càng giảm, từ 20,1% năm 2010 xuống 10,8% năm 2021 và còn 10,1% năm 2022”. Phải chăng đây là sự phân bổ ngược nguồn lực?

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cau-truc-thu-nhap-cua-nguoi-dan-rat-khong-ben-vung/