Cầu Rọc Sen nơi bé trai mất vì rơi ống cọc giờ ra sao?

Cầu Rọc Sen đang dần thành hình, chuẩn bị về đích với sự nỗ lực của các đơn vị thi công trong khi nỗi đau của gia đình Hạo Nam đã dần nguôi ngoai.

Đã hơn 9 tháng trôi qua, kể từ khi sự cố đau lòng bé Hạo Nam lọt xuống ống cọc thi công trụ cầu kênh Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), nay công trình này đang dần thành hình và chuẩn bị về đích với sự nỗ lực của các đơn vị thi công.

Nỗ lực thi công đảm bảo tiến độ

Công nhân đang tất bật thi công tại công trình cầu kênh Rọc Sen.

Những ngày đầu tháng 9, PV Báo Giao thông có dịp trở lại công trình cầu kênh Rọc Sen, nơi cách đây 9 tháng từng xảy ra vụ tai nạn thương tâm, bé Hạo Nam lọt xuống ống cọc thi công trụ cầu tử vong.

Đường đến Rọc Sen rất thuận lợi, từ thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) men theo quốc lộ 30 hướng về ngã ba Thanh Bình. Tại đây, rẽ phải vào đường tỉnh 843, chạy thêm 1 đoạn, dưới dốc cầu Tân Mỹ rẽ trái. Sau đó, chạy theo kênh An Phong - Mỹ Hòa, qua cầu Đốc Vàng Hạ, qua thêm cầu Kháng Chiến là đã đến nơi.

Tại công trường cầu kênh Rọc Sen, không khí thi công khá khẩn trương, phần lớn các hạng mục cầu đã cơ bản hoàn thành.

Ông Đặng Bá Đức, đại diện đơn vị tư vấn giám sát gói thầu số 14 (dự án xây dựng tuyến đường tỉnh 857 đoạn quốc lộ 30 - đường tỉnh 845) cho biết, sự cố bé Hạo Nam lọt ống cống cọc thi công trụ cầu rất hy hữu, không ai mong muốn.

Tuy nhiên đó cũng là bài học để nhà thầu rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án. Hiện nay, công trường đã thực hiện rào chắn bằng tôn, hạn chế việc xâm nhập của người ngoài nhằm đảm bảo an toàn thi công.

Ông Đức cho biết thêm, gói thầu số 14 dài 4,2km, trong đó có 3 cây cầu gồm: Đường Gạo, Kháng Chiến và kênh Rọc Sen. Riêng cầu kênh Rọc Sen có 3 nhịp, mỗi nhịp dài 18,6m, mặt cầu rộng 9m.

Anh Lê Dương Trung Dũng, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM, đơn vị thi công công trình cầu kênh Rọc Sen thông tin, đến nay cây cầu đã gác đủ dầm, khối lượng thi công đạt hơn 60%.

Cầu Rọc Sen đã được gác dầm, chuẩn bị thi công bản mặt cầu.

Trên công trường, công nhân đang tranh thủ làm những công việc còn lại, như gia cố cốt thép dầm ngang, bản mặt cầu chuẩn bị cho công tác đổ bê tông bản mặt cầu. Theo kế hoạch, đến đầu tháng 10 sẽ đổ xong bê tông mặt cầu.

Sau sự cố bé Hạo Nam, công trình phải dừng 2 tháng để xử lý, khắc phục. Khi thi công trở lại, nhà thầu phải huy động nhiều thiết bị, máy móc để bù lại tiến độ.

"Để đạt được tiến độ như hiện nay là nỗ lực rất lớn của đơn vị thi công. Vị trí trụ cầu không thay đổi, chúng tôi chỉ xử lý mố cầu đảm bảo rồi mới tiếp tục thi công trở lại", anh Dũng nói và cho biết, dù khó khăn nhưng bù lại công trình cầu kênh Rọc Sen không bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt bằng nên quá trình thi công nhanh hơn so với các cầu khác.

Ông Nguyễn Hoàng Hơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp, đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng tuyến đường tỉnh 857 đoạn quốc lộ 30 - đường tỉnh 845 cho biết, dự án có tổng chiều dài tuyến 45km, trong đó có 27 cầu kết cấu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép.

Đến nay, các cầu trên tuyến cơ bản đáp ứng tiến độ theo quy định, dự kiến hoàn thành giữa năm 2024. Trong khi đó, phần đường đang gặp khó do thiếu cát nên tiến độ chậm hơn so với kế hoạch đề ra.

"Sau sự cố xảy ra tại cầu kênh Rọc Sen, địa phương và chủ đầu tư đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu nhà thầu thực hiện tốt công tác an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã thành lập đoàn thường xuyên kiểm tra, yêu cầu nhà thầu khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quá trình thi", ông Hơn cho biết thêm.

Nỗi đau dần nguôi ngoai

Chị Linh cùng con gái bên tiệm tạp hóa của gia đình.

Rời cầu kênh Rọc Sen, chúng tôi ghé nhà anh Thái Văn Tấn Tài và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (ba mẹ cháu Thái Lý Hạo Nam) ngay gần đó. Cuộc sống gia đình anh chị giờ đã ổn định, nguôi ngoai dần sau nỗi đau mất con trai.

Căn nhà mới khang trang được xây trên nền của ngôi nhà cũ, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Bàn thờ và di ảnh của Hạo Nam được gửi vào chùa. Chỉ còn ngôi mộ nằm phía sau nhà và hình ảnh lúc cháu vui đùa với bạn bè là vẫn còn trong tâm trí của nhiều người.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Linh cho biết, sự cố không mong muốn đã qua, cùng với sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng như ngành GTVT Đồng Tháp, gia đình chị đang hướng tới cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Hiện anh Tài vẫn đang chăm chút cho mấy công đất ruộng. Chị Linh mở thêm tiệm tạp hóa, buôn bán kiếm thêm thu nhập. Dù mọi chuyện dần lắng dịu nhưng khi nhắc đến cháu Hạo Nam, chị Linh vẫn không cầm được nước mắt.

"Tiệm tạp hóa này mở được 3 tháng qua, mỗi ngày tôi buôn bán lặt vặt và chăm lo cho bé nhỏ em gái Nam. Chúng tôi vẫn nhớ Nam lắm, thằng bé ngoan, chăm học, mỗi ngày đều ra chợ mua thức ăn sáng cho ba mẹ, em gái rồi mới đi học", chị Linh nghẹn ngào nhớ lại.

Anh Lê Dương Trung Dũng, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM, đơn vị thi công công trình cầu kênh Rọc Sen cho biết, phía công ty cũng thường xuyên ghé thăm hỏi, động viên và chia sẻ niềm vui với gia đình.

Trong khi đó, ông Đặng Bá Đức chia sẻ: "Mỗi lần ghé thấy gia đình bé Nam nguôi ngoai dần nỗi đau, ổn định cuộc sống, mọi người thấy cũng nhẹ lòng".

11h30 ngày 31/12/2022, một nhóm trẻ em từ 11 - 12 tuổi lẻn vào công trường thi công cầu kênh Rọc Sen tại ấp 2 (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) nhưng bị bảo vệ phát hiện đuổi ra khỏi công trường. Khoảng 11h50, công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ trên lại lẻn vào.

Đến 11h55 cùng ngày, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị rơi xuống móng cầu Rọc Sen có đường kính 25cm, được đóng sâu 35m dưới lòng đất. Mặc dù rất nỗ lực cứu hộ với nhiều lực lượng và trang thiết bị hiện đại được huy động đến nhưng 25 ngày sau, thi thể bé Hạo Nam mới được đưa lên mặt đất, bàn giao cho gia đình chôn cất.

Qua xác minh ban đầu của Công an huyện Thanh Bình, vụ việc không có dấu hiệu tội phạm, là tai nạn lao động nên không khởi tố vụ án.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cau-roc-sen-noi-be-trai-mat-vi-roi-ong-coc-gio-ra-sao-192230921221643984.htm