Cầu nối tin cậy giữa sản xuất và tiêu dùng

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch triển khai Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại tỉnh năm 2023.

ĐƯA SẢN PHẨM OCOP ĐẾN TAY NGƯỜI TIÊU DÙNG

Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch triển khai Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại tỉnh Tiền Giang năm 2023 tại cửa hàng của Công ty TNHH TMDV Trí Sơn (địa chỉ 1279, Quốc Lộ 50, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Việc xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP này nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng OCOP thuộc các thành phần kinh tế.

Các sản phẩm Đông trùng hạ thảo Thiên Ân với đa dạng mẫu mã.

Vừa qua, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp trao đổi về việc đưa sản phẩm vào trưng bày và bán tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2023. Tại cuộc họp, các sở, ngành liên quan, các công ty, doanh nghiệp đã có những ý kiến đóng góp, trao đổi về cách thức trưng bày, giới thiệu, bảo quản, quảng bá sản phẩm và thống nhất bảng giá từng loại sản phẩm… Đồng thời, chú trọng kết nối thông tin thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội…

Trưng bày và bán tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2023, có đa dạng các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao, 3 sao. Cụ thể, có 70 sản phẩm OCOP của 20 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia như: Yến sào Trí Sơn với đa dạng sản phẩm mẫu mã; đông trùng hạ thảo Thiên Ân; lạp xưởng tươi cô Tuyết; nước khoáng thiên nhiên không ga Suối Xanh của Công ty Lương thực Tiền Giang; rượu An Lạc Tửu; các sản phẩm sữa dê của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi; cơm và nước cơm rượu Long Tuyền Phụng; bánh quy dừa truyền thống Xuân Phúc; trà mãng cầu Phụng Tiên; củ hủ khóm ngâm chua ngọt Bạch Chấn Phi; mắm tôm chua Hải Văn…

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là một trong những mục tiêu hướng đến của tỉnh Tiền Giang nhằm từng bước đưa sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng lan rộng không những trong phạm vi toàn tỉnh và tiến đến mở rộng cả nước, giúp người tiêu dùng, khách hàng biết đến những sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng của tỉnh. Đây là cơ hội đẩy mạnh việc kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, giúp kết nối nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn tỉnh tham gia, ngày càng kết nối và lan tỏa trong phạm vi cả nước.

NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT, ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã không ngừng nghiên cứu sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và bảo đảm các tiêu chuẩn để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Công ty TNHH TM DV Trí Sơn (Yến Sào Trí Sơn) xây dựng và phát triển hệ thống trang trại nhà yến quy mô hơn 30.000 m2, hỗ trợ kỹ thuật khai thác tổ yến tạo nên chuỗi liên kết trải dài khắp các tỉnh miền Tây với trên 150 nhà yến. Với sứ mệnh tạo đầu ra ổn định cho trang trại yến và chuỗi liên kết giữa các nhà yến, cung cấp các sản phẩm về tổ yến, đem lại sức khỏe cho cộng đồng, với tiêu chí an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Yến Sào Trí Sơn đã sở hữu hơn 30 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Bên cạnh nguồn nguyên liệu chất lượng được khai thác trực tiếp từ hệ thống nhà yến của công ty, Trí Sơn còn đầu tư xưởng sản xuất nhằm gia tăng giá trị của tổ yến, như: Dây chuyền sản xuất yến hũ với công suất 70.000 hũ/ngày; hệ thống máy móc thiết bị hiện đại khác để cho ra các sản phẩm tiện lợi gồm tổ yến ăn liền, sữa chua yến, bánh flan yến, rượu yến, nước yến… đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP. Bên cạnh đó, Trí Sơn còn ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học về tổ yến cùng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, với mong muốn cho ra thêm những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đến tay người tiêu dùng.

Với những nỗ lực không ngừng, Trí Sơn vinh dự đạt được Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chứng nhận đặc sản địa phương OCOP tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, nhận thấy được những lợi ích khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong việc mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, cùng sự hướng dẫn tận tình của cơ quan chuyên môn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên công ty, đến nay Yến Sào Trí Sơn đã sở hữu hơn 30 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Trong đó, các sản phẩm OCOP nổi bật như yến chưng sẵn, nước yến, sản phẩm sấy thăng hoa; tổ yến chưng, bánh flan yến, sữa chua yến... được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và tin dùng. Yến Sào Trí Sơn đang hoàn thành những bước cuối cùng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng. Do đó, Trí Sơn đã và đang phấn đấu, nỗ lực không ngừng để sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao.

Còn HTX Nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) với xuất phát điểm là cơ sở chăn nuôi dê thịt. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, cơ sở đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi dê thịt sang nuôi dê sữa. Giống dê Saanen được HTX lựa chọn để nuôi và lai tạo. Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Nghi, hiện đàn dê của HTX dao động từ 500 - 600 con. Riêng tại nông trại, đàn dê dao động từ 200 - 300 con. Trung bình mỗi ngày, tổng lượng sữa dê thu được từ 150 - 200 lít. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm của mình, HTX đã không ngừng nghiên cứu để sản xuất ra nhiều sản phẩm từ sữa dê.

Bà Lê Khắc Đông Nghi cho biết, sản phẩm từ sữa của HTX được thị trường trong nước ưa chuộng; bởi không có mùi, thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 3 không: Không chất bảo quản, không đường hóa học, không hương liệu. Đặc biệt, sản phẩm được thị trường rất ưa chuộng là bánh flan sữa dê sấy thăng hoa. Đặc trưng của sản phẩm sấy thăng hoa là giữ nguyên được chất dinh dưỡng so với sản phẩm tươi và bảo quản lâu hơn. Một điểm nổi bật nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX là có 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Còn với Cơ sở sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc (khu phố 2, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) là mô hình khởi nghiệp thành công của chị Huỳnh Thị Thy Thy đoạt giải Nhất tại Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2022 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang tổ chức. Chị Thy cho biết, nghề làm bánh quy dừa là nghề truyền thống hơn 30 năm của gia đình. Nhờ có công thức gia truyền từ gia đình và qua bàn tay khéo léo, sáng tạo, tìm tòi hướng đi dài lâu cho ý tưởng khởi nghiệp, mà các sản phẩm bánh quy dừa ra lò đảm bảo chất lượng, hương vị thơm ngon nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Trước đây, chưa có máy móc nên gia đình chủ yếu làm thủ công, sau đó chị Thy đã mạnh dạn đầu tư thêm nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất. Chị Thy cũng đã không ngừng nghiên cứu các nguyên liệu giảm lượng đường trong bánh để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các công đoạn đóng gói, bảo quản đều được thực hiện theo quy trình hiện đại. Bên cạnh các công đoạn sản xuất bánh được làm bằng máy, thì các khâu tạo hình cho bánh vẫn được làm thủ công như tạo hình bông hoa, hay hình bánh gai trông rất đẹp mắt.

Chị Thy cho biết, toàn bộ thành phần chiếc bánh quy dừa đều làm từ nguyên liệu tự nhiên nên luôn đảm bảo an toàn thực phẩm, thơm ngon. Hiện các sản phẩm bánh quy dừa của cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây cũng là cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đến thực khách gần xa.

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/diem-gioi-thieu-va-ban-san-pham-ocop-tai-tinh-tien-giang-nam-2023-cau-noi-tin-cay-giua-san-xuat-va-tieu-dung-995971/