'Cầu nối thầm lặng' trên bàn tiệc ngoại giao

Chuyên gia ẩm thực người Mỹ Johanna Mendelson - Forman từng nói, ẩm thực trong ngoại giao có khả năng phá vỡ những rào cản và giới hạn. Sự xuất hiện của ẩm thực Việt trên bàn tiệc ngoại giao thực sự đã là cầu nối hữu hiệu cho các cuộc gặp gỡ ngoại giao song phương.

Ẩm thực Việt và những “cuộc gặp gỡ chạm đến trái tim”

Buổi sáng ngày 28/11/2023 với tiệm bánh mì Việt Nam mang tên “Bánh mì Xin chào” của anh Bùi Thanh Duy (37 tuổi) và người em Bùi Thanh Tâm (32 tuổi) tại Tokyo là một buổi sáng đặc biệt và bận rộn hơn hẳn thường lệ. Bởi buổi đó, tiệm bánh được vinh dự đón chào những vị khách đặc biệt trong đó có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, cùng lãnh đạo thủ đô Tokyo, một số tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đến ăn sáng.

Trong không gian đậm chất Việt Nam tại con phố nhỏ ở thủ đô Tokyo, với những chiếc nón lá, những cành hoa sen, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Thống đốc Tokyo và một số quan chức của Nhật Bản đã thưởng thức bánh mì, mì Quảng, cafe Việt…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng các quan chức Việt Nam, lãnh đạo Tokyo và một số tập đoàn Nhật Bản thưởng thức bánh mì Việt tại Tokyo. Ảnh: Nguyễn Hồng/Báo Thế giới và Việt Nam.

Vui mừng được thưởng thức những món ăn đặc sắc của quê hương ngay tại Nhật Bản, Chủ tịch nước ghi nhận, bày tỏ tự hào khi ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam luôn tràn đầy nhiệt huyết, chịu khó học hỏi và nỗ lực để nắm bắt cơ hội phát triển tại Nhật Bản như hai nhà sáng lập thương hiệu nhà hàng “Bánh mì Xin chào”. Những nỗ lực này không chỉ đơn thuần là khởi nghiệp trên đất Nhật Bản mà còn giúp quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như gắn kết người dân hai nước đến gần nhau hơn thông qua văn hóa ẩm thực. Cũng trong buổi sáng, những chiếc bánh mì, cốc cafe mang hương vị Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các quan chức Nhật Bản.

Cũng trong những ngày ở Tokyo, thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã có cuộc gặp gỡ thân mật, cùng ăn sáng với các gia đình Nhật Bản, có thời gian đón tiếp thanh niên Việt Nam qua các chương trình giao lưu thanh niên Việt Nam - Nhật Bản. Tại buổi gặp gỡ đặc biệt ấy, một thực đơn đặc biệt, hết sức tinh tế, có sự giao thoa giữa ẩm thực Việt - Nhật được Chủ tịch nước đích thân lựa chọn kỹ càng dành tiếp các cố nhân từ nhiều miền quê Nhật Bản. Thực đơn có những món: Trứng hấp củ hoa nhiên kèm sốt thịt cua tuyết Hokkaido; cà rốt hâm lạnh kèm sốt Miso và lạc vừng Việt Nam; củ sen mài bọc thịt bò Wagyu hầm kèm sốt mỹ vị; cá Buri nướng sốt Yuan miso của cố đô Kyoto; cà chua hâm rượu Sake… và món Phở gà truyền thống Việt Nam.

Ngay sau đó, khi đưa tin về sự kiện này, các tờ báo lớn Nhật Bản đã chạy dòng chữ: “Cuộc gặp gỡ đã chạm đến trái tim người dân Nhật Bản”. Sự chạm đến trái tim ấy, chắc hẳn, không thể thiếu vai trò của ẩm thực.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm nhà hàng "Bánh mì Xin chào" tại Tokyo do hai cựu lưu học sinh Việt Nam thành lập. ̣(Ảnh: baoquocte.vn)

Tăng cường sức mạnh của “át chủ bài ngoại giao văn hóa”

Vào năm 2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức sử dụng khái niệm ngoại giao văn hóa và coi đây là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Ngoại giao văn hóa được đề cao là “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa trong quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Việt Nam chúng ta cũng đang sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được. Đó là những thuận lợi mới, tạo thêm xung lực mới để chúng ta gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu.

Và như nhìn nhận của nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu, nếu văn hóa là “sức mạnh mềm” của Việt Nam thì ẩm thực là một thứ “vũ khí” của ngoại giao văn hóa. “Tôi nghĩ rằng có thể kết nối các mối quan hệ dễ dàng hơn thông qua ẩm thực. Cá nhân tôi cho rằng, ngoại giao văn hóa cần “vũ khí” để triển khai. Ẩm thực phải đóng vai trò hàng đầu, là “át chủ bài” trong ngoại giao văn hóa. Ngoài các giá trị về lòng yêu nước và phẩm chất đạo đức cao đẹp của người Việt thì ẩm thực Việt là cách thức dễ đi vào lòng người và dễ làm nhất”- Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định.

Một số món ăn Việt Nam nổi tiếng toàn cầu.

Còn theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để khai thác và phát huy thế mạnh của ngoại giao văn hóa. “Chúng ta có lịch sử hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, các vùng miền đa dạng, ẩm thực phong phú”- Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định.

Ngày phở Việt Nam tại Nam Phi. Ảnh: Hồng Minh - phóng viên TTXVN tại Nam Phi.

Vấn đề cốt lõi nhất lúc này là làm thế nào để tăng cường sức mạnh của ngoại giao văn hóa, trong đó có câu chuyện nâng tầm ẩm thực Việt, đưa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia. Nói như chuyên gia ẩm thực Hoàng Tùng, “món ăn Việt Nam từ hai thập kỷ nay rất nổi tiếng và được đánh giá cao về sự đa dạng, về hương vị cũng như về những nét đặc trưng bản địa. Nhưng nền ẩm thực Việt chưa hề có một thương hiệu toàn cầu, và đặc biệt ẩm thực cao cấp vẫn chưa nói chung một ngôn ngữ với ẩm thực quốc tế. Nâng tầm ẩm thực Việt, vì thế trở thành yêu cầu cấp bách trong nỗ lực thúc đẩy ngoại giao văn hóa, bởi ẩm thực cao cấp có thể trở thành một “quyền lực mềm” góp phần định vị giá trị và tầm ảnh hưởng của văn hóa quốc gia”.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cau-noi-tham-lang-tren-ban-tiec-ngoai-giao-post281855.html