Cầu nối đỡ đầu trẻ mồ côi

Thực hiện Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, các cấp hội phụ nữ huyện Hiệp Hòa đã thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh kết nối, vận động các cá nhân, doanh nghiệp tham gia để tạo nguồn lực chăm lo cho trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Huyện Hiệp Hòa hiện có 300 trẻ mồ côi. Triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, chỉ đạo tổ chức hội các xã, thị trấn tích cực vận động các nguồn lực. Với 165 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đỡ đầu, Hiệp Hòa là đơn vị dẫn đầu các huyện, thành phố trong thực hiện chương trình.

Hội LHPN huyện Hiệp Hòa phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện trao kinh phí đỡ đầu cho học sinh mồ côi.

Trong xây dựng nguồn quỹ, hội viên phụ nữ tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, thu gom phế liệu bán lấy tiền xây dựng quỹ. Từ nguồn quỹ này, hội phụ nữ các cấp trong huyện đã thăm hỏi, tặng hơn 1,8 nghìn suất quà, học bổng, xe đạp, sách giáo khoa, đồ dùng học tập... cho trẻ em mồ côi, trẻ em hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 670 triệu đồng. Nhờ sự tích cực kết nối của hội LHPN các cấp, 165 trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các tổ chức, cá nhân hảo tâm nhận đỡ đầu với tổng số tiền hỗ trợ hơn 880 triệu đồng.

Để huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN huyện đã tham mưu với Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể, đơn vị và các xã, thị trấn cùng vào cuộc, triển khai hiệu quả Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Đến nay, 100% cơ quan trong huyện nhận đỡ đầu 117 trẻ mồ côi.

Em Ngô Thị Thanh (SN 2008), ở thôn Xuân Giang (xã Mai Trung), học sinh lớp 10, Trường THPT Hiệp Hòa số 3 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mất sớm, mẹ bị thoát vị đĩa đệm, thường xuyên đau ốm hạn chế khả năng lao động nên việc đi học của 4 chị em Thanh gặp nhiều khó khăn. Có những lúc em có nguy cơ phải bỏ học để cùng mẹ chăm lo cho các em.

Nắm được hoàn cảnh của Thanh, Hội LHPN huyện đã kết nối để Liên đoàn Lao động huyện đỡ đầu, hỗ trợ em học tập đến năm 18 tuổi. Mỗi năm, Thanh được các cô, các bác ở Liên đoàn Lao động huyện hỗ trợ 6 triệu đồng và nhiều phần quà ý nghĩa, đồ dùng học tập. Cô học trò nhỏ luôn nỗ lực trong học tập để không phụ tình cảm, sự quan tâm đó.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội phát huy nội lực, thực hành tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm xanh để có thêm kinh phí nhận đỡ đầu trẻ mồ côi. Bên cạnh đó, đa dạng cách thức vận động để tạo nguồn lực hỗ trợ, phấn đấu mở rộng thêm đối tượng trẻ em được hỗ trợ trong thời gian tới. Qua đó góp phần nâng bước trẻ đến trường, tạo niềm vui, động lực để̉ các em tiếp tục học tập, có được môi trường rèn luyện, cuộc sống tốt hơn.

Để các cá nhân, tổ chức đồng hành cùng Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN huyện thường xuyên công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực; phối hợp với các đơn vị, cá nhân hảo tâm tới từng hộ gia đình trực tiếp thẩm định hoàn cảnh từng em trước khi nhận đỡ đầu. Với ý nghĩa thiết thực, Chương trình đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, các nhân trong xã hội.

Cách đây hai tháng, Hội LHPN huyện phối hợp với đại diện chùa Linh Quang ở thôn Mai Hạ, xã Mai Đình; Hội Từ thiện Thiền tôn Phật quang Miền Bắc; Dự án cho em Hà Nội nhận đỡ đầu 30 trẻ mồ côi trên địa bàn huyện với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/năm/trẻ.

Anh Lê Thanh Thống, Chủ nhiệm Hội Từ thiện Thiền tôn Phật quang Miền Bắc cho biết: "Khi được cán bộ Hội LHPN huyện chia sẻ về Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chúng tôi nhận thấy đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn. Vì vậy cả nhóm đã bàn bạc và thống nhất nhận đỡ đầu 10 học sinh mồ côi từ nay đến năm 18 tuổi với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Hy vọng chút kinh phí này có thể giúp các em vơi bớt khó khăn, có thêm điều kiện để vươn lên trong cuộc sống".

Với nhiều cách huy động, hiện nay, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là hoạt động trong các cấp hội phụ nữ mà đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chị Ngô Thị Uyên, Chủ tịch Hội LHPH huyện cho biết: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội phát huy nội lực, thực hành tiết kiệm chi tiêu, tiết kiệm xanh để có thêm kinh phí nhận đỡ đầu trẻ mồ côi.

Bên cạnh đó, đa dạng cách thức vận động để tạo nguồn lực hỗ trợ, phấn đấu mở rộng thêm đối tượng trẻ em được hỗ trợ trong thời gian tới. Qua đó góp phần nâng bước trẻ đến trường, tạo niềm vui, động lực để các em tiếp tục học tập, có được môi trường rèn luyện, cuộc sống tốt hơn.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/413568/cau-noi-do-dau-tre-mo-coi.html