Câu lạc bộ không sinh con thứ ba ở xã Ninh Đa (Ninh Hòa, Khánh Hòa): Mô hình thiết thực cho phụ nữ

Gia đình chị Nguyễn Thị Linh vay vốn của Câu lạc bộ Không sinh con thứ ba để mở rộng diện tích trồng ngò gai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là phương châm mà chị em phụ nữ xã Ninh Đa (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thực hiện thông qua Câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ ba. Nhiều cặp vợ chồng vươn lên làm giàu, con cái được đi học đầy đủ, tỷ lệ sinh con thứ ba trong toàn xã giảm còn 1,5%…, đó là kết quả thiết thực mà mô hình CLB không sinh con thứ ba đem lại.

Nhận biết được tầm quan trọng của việc thực hiện kế hoạch hóa gia dình (KHHGĐ), năm 2003, Chi hội Phụ nữ xã Ninh Đa (Ninh Hòa) đã thành lập CLB Không sinh con thứ ba ở các thôn: Phước Đa 1, Phước Đa 2, Vạn Thiện, Phú Diên, nhằm đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về dân số (DS) KHHGĐ đến từng cặp vợ chồng trên địa bàn. Những ngày đầu thành lập, CLB gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động chị em tham gia. Bà Đinh Thị Ngọc Ánh, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Ninh Đa cho biết: “Tranh thủ thời gian vào các buổi tối hay ngày Thứ bảy, Chủ nhật, chúng tôi đến từng nhà, vừa tâm sự, vừa giải thích cho chị em hiểu được lợi ích cũng như ý nghĩa của việc thực hiện KHHGĐ. Ban đầu, do có nhiều chị em trình độ học vấn thấp, còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên công tác vận động gặp khó khăn”. Ngoài việc đến từng nhà, CLB còn lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc họp của thôn, Chi hội Nông dân, Đoàn Thanh niên để khuyến khích chị em tham gia. Với những nỗ lực đó, số thành viên ở 4 CLB không ngừng tăng lên: thôn Phước Đa 1 có 34 cặp vợ chồng tham gia CLB, thôn Phước Đa 2 có 42 cặp vợ chồng, thôn Vạn Thiện có 49 cặp vợ chồng, thôn Phú Diên có 24 cặp vợ chồng tham gia CLB. Định kỳ mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần. Các chị em tự chọn chủ đề sinh hoạt như: Trồng cây và chăn nuôi để phát triển kinh tế, thâm canh cây lúa, chăm sóc và nuôi dạy con cái, hạnh phúc gia đình, cách thức sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản… để bàn luận, góp phần giúp chị em trang bị thêm kiến thức, qua đó tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện các chủ đề. Đến nay, 100% cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai (như: đặt vòng, uống thuốc, dùng bao cao su…). Nhiều cặp vợ chồng có 2 con đã mạnh dạn áp dụng hình thức đình sản. Tham gia CLB, các chị em không những được tư vấn về kiến thức KHHGĐ, cách xây dựng gia đình hạnh phúc, lối sống văn minh, lành mạnh mà còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị Võ Thị Nô, thôn Vạn Thiện cho biết: “Tôi tham gia CLB từ năm 2003. Trong quá trình sinh hoạt CLB, tôi luôn được chị em quan tâm, giúp đỡ, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy sinh con một bề, nhưng vợ chồng tôi quyết định dừng lại ở hai con, nên cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn so với những gia đình sinh đông con”. Hàng tháng, các thành viên sinh hoạt trong CLB đóng góp 50.000 ngàn đồng/người để gây quỹ. Từ khi thành lâïp đến nay, tổng nguồn quỹ ở cả 4 CLB lên đến hơn 57 triệu đồng. Nguồn quỹ này dùng để giúp đỡ những cặp vợ chồng gặp khó khăn phát triển kinh tế, tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi, thăm hỏi những gia đình đau ốm… Ngoài ra, CLB còn có những phần quà cho các em học sinh đạt thành tích khá, giỏi trong học tập (trị giá mỗi phần quà từ 30.000 - 50.000 đồng), góp phần động viên, khuyến khích tinh thần học tập của các em. Vào dịp cuối năm, CLB tổng kết, bình xét những cặp vợ chồng tiêu biểu thực hiện tốt các tiêu chuẩn DS để động viên, khen thưởng bằng những món quà ý nghĩa. Bằng nguồn vốn vay từ quỹ của CLB, nhiều cặp vợ chồng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng rau, làm hàng mây tre lá, buôn bán nhỏ… nhờ đó thoát được nghèo. Chị Nguyễn Thị Linh, thôn Phước Đa 2 cho biết: “Năm 2003, vợ chồng tôi mạnh dạn vay vốn từ nguồn quỹ CLB và quỹ của Hội Nông dân thôn được 6 triệu đồng, đầu tư trồng 2 ha rau ngò gai, hơn 40 cây dừa xiêm và kết hợp chăn nuôi heo, gà. Qua 3 năm, mô hình làm ăn của gia đình tôi cho thu nhập cao. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình thu nhập từ 60 đến 65 triệu đồng. Gia đình đã sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy, cho con cái học thêm”. Từ năm 2006 đến nay, gia đình chị Linh luôn được huyện tặng giấy khen hộ gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Bây giờ, gia đình chị Linh có đời sống kinh tế khá, nhưng anh chị quyết định không sinh thêm con, dù anh chị chỉ có hai con gái. Hiện nay, đời sống của người dân xã Ninh Đa đang ngày một nâng cao, đó cũng là một phần nhờ kết quả thiết thực từ mô hình CLB Không sinh con thứ ba đem lại.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=371639&co_id=30361