Cấu kết lập khống hồ sơ nguồn gốc lâm sản, nguyên Trạm trưởng kiểm lâm vào tù

Trong hai ngày 15 và 16/4, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án đối với 5 bị cáo về tội 'Giả mạo trong công tác'.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Chí Dũng

Các bị cáo gồm: Nguyễn Anh Tuấn (SN 1976), nguyên Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ); Hoàng Trọng Đại (SN 1978), nguyên Chỉ huy trưởng quân sự kiêm cán bộ lâm nghiệp xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn; Hà Văn Sơn (SN 1977) và Hà Ngọc Tú (SN 1980), cùng nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận; Trần Thị Bích Thảo (SN 1983), trú tại thôn Vàng, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).

Theo hồ sơ vụ án, ngày 15/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm liên quan đến việc lập khống hồ sơ nguồn gốc lâm sản để xin cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa và làm thủ tục xuất khẩu của một số doanh nghiệp tại địa bàn huyện Lạng Giang do Thảo quản lý, điều hành.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận: Từ tháng 3/2021 đến 5/2022, Tuấn thống nhất với Đại, Tú và Sơn lập khống hồ sơ, làm giả tài liệu nguồn gốc lâm sản (Đơn xin khai thác gỗ rừng trồng có xác nhận của UBND xã và Biên bản kiểm tra lâm sản có xác nhận của lực lượng kiểm lâm).

Ngoài ra, Tuấn còn xin Đơn xin khai thác lâm sản khống có xác nhận của UBND xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập (Phú Thọ) rồi sử dụng các Biên bản kiểm tra khai thác lâm sản có xác nhận của lực lượng kiểm lâm để hoàn thiện các hồ sơ khống.

Sau đó, Tuấn bán cho Thảo và Nguyễn Thị Nguyên (SN 1999), trú tại phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) được hơn 586 triệu đồng. Cơ quan điều tra đã thu giữ và làm rõ các bị can làm giả giấy tờ để lập khống 38 hồ sơ nguồn gốc lâm sản (gỗ rừng trồng).

Đối với bị cáo Thảo, mặc dù không trực tiếp tham gia việc lập khống hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhưng biết rõ Tuấn là cán bộ kiểm lâm. Thảo là người chủ động đặt vấn đề mua 33 hồ sơ nguồn gốc lâm sản khống của Tuấn. Do đó, Thảo phải chịu trách nhiệm về tội "Giả mạo trong công tác" với vai trò đồng phạm.

Kết quả điều tra vụ án có căn cứ xác định Nguyễn Thị Nguyên đặt mua nhiều hồ sơ nguồn gốc lâm sản của Tuấn với tổng số tiền 366 triệu đồng nhằm hợp thức hóa nguồn gốc gỗ để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên cơ quan điều tra không thu thập được thông tin, tài liệu thể hiện nội dung trao đổi giữa Nguyên và Tuấn; không có căn cứ chứng minh Nguyên biết Tuấn là cán bộ kiểm lâm và biết việc Tuấn cùng các bị can khác đã lập khống, làm giả hồ sơ nguồn gốc lâm sản để bán cho Nguyên. Do đó, chưa đủ căn cứ để xem xét, xử lý đối với Nguyên.

Đến thời điểm xét xử, các bị cáo đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính là hơn 381 triệu đồng, số còn lại hơn 205 triệu đồng buộc bị cáo Tuấn tiếp tục phải nộp vào công quỹ Nhà nước.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tuấn 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Đại 6 năm tù, bị cáo Tú 5 năm 9 tháng tù. Các bị cáo: Thảo 3 năm tù, Sơn 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

PV

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cau-ket-lap-khong-ho-so-nguon-goc-lam-san-nguyen-tram-truong-kiem-lam-vao-tu-110050.bbg