Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh áp xe vú

Áp xe vú là tình trạng viêm sưng, đỏ và tích tụ mủ trong vú do vi khuẩn gây ra. Đây là vấn đề thường gặp ở phụ nữ sau sinh cho con bú. Ngoài ra, những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc người không giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cũng có nguy cơ cao gặp phải vấn đề này.

1. Đông y có chữa được áp xe vú không?

Áp xe vú có nguyên nhân hay gặp nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Tụ cầu vàng thường xuất hiện trên da và chúng có thể xâm nhập qua các vùng da bị tổn thương ở vú như: vết nứt quanh núm vú khi người phụ nữ cho con bú… chúng gây ra tình trạng nhiễm khuẩn thường kèm xuất hiện ổ mủ nên Đông y không thể chữa được.

Tuy vậy, Đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh nhanh chóng phục hồi và giảm các triệu chứng của bệnh.

Nội dung

1. Đông y có chữa được áp xe vú không?

2. Cách xử trí khi mắc áp xe vú

3. Cách chăm sóc bệnh áp xe vú tại nhà

4. Áp xe vú có tự khỏi được không?

5. Lưu ý với phụ nữ sau sinh

6. Chi phí khám chữa bệnh

2. Cách xử trí khi mắc áp xe vú

Khi bị áp xe, người phụ nữ dễ mệt mỏi, đau từ ngực lan ra sau lưng, lan sang bả vai và cánh tay. Vùng da trên ổ áp xe sưng nóng, căng tức, phù tím, có thể sốt cao, rét run, môi khô, đau đầu, sữa có thể lẫn mủ chảy qua núm vú.

Nếu không điều trị, áp xe tự vỡ hoặc hoại tử, có thể dẫn đến biến chứng nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy thận, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, hoại tử các chi, nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, khi có vết đỏ, sưng hay đau vùng ngực; núm vú bị tụt vào trong hay có dịch mủ chảy ra từ núm vú; cảm thấy đau khi cho con bú; cơ thể sốt, lạnh run... nên đi khám sớm.

Hình ảnh tổn thương áp xe vú.

Tùy mức độ, bác sĩ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc can thiệp như chích rạch hay chọc hút. Trong đó, đường rạch nan hoa sẽ giúp tránh tối đa tổn thương ống dẫn sữa, nhanh phục hồi, đảm bảo tính thẩm mỹ.

3. Cách chăm sóc bệnh áp xe vú tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, tại nhà người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau; Chườm ấm/ massage vú…

Chườm ấm, massage vú, sử dụng áo hỗ trợ cho ngực: Các phương pháp giúp giảm tắc sữa, tan khối do tắc tia sữa hình thành, áo hỗ trợ ngực giảm phù nề và làm vú bớt đau khi người mẹ di chuyển.

Vết thương sẽ được chăm sóc hàng ngày; Nặn, hút sữa, nuôi con bằng sữa mẹ theo hướng dẫn của bác sĩ đối với các bà mẹ đang cho con bú.

Người bệnh áp xe vú cần có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý:

Uống đủ nước từ 2 – 2,5 lít/ngày.
Ăn thực phẩm bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột, đường, chất béo và vitamin khoáng chất.
Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Vệ sinh tay và vú trước khi cho con bú.
Tránh làm nứt hoặc xước núm vú tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa, nguy cơ áp xe vú.
Ngủ đủ giấc từ 6 – 8 giờ/ngày.

Khi bị áp xe, người phụ nữ dễ mệt mỏi, đau từ ngực lan ra sau lưng, lan sang bả vai và cánh tay.

4. Áp xe vú có tự khỏi được không?

Nếu phát hiện các dấu hiệu áp xe vú sớm ở phụ nữ sau sinh, bệnh vẫn ở mức độ nhẹ và có sự can thiệp kịp thời bằng cách vệ sinh sạch sẽ bên vú bị áp xe, cho trẻ bú thường xuyên ở bên vú lành. Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi phù hợp… tình trạng áp xe tuyến sữa sẽ được cải thiện và bệnh có thể tự khỏi mà không cần đến bác sĩ điều trị.

Tuy nhiên, nếu phát hiện áp xe vú tình trạng nặng hoặc do các nguyên nhân bệnh lý tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để điều trị, hoặc thực hiện mổ/ phẫu thuật.

5. Lưu ý với phụ nữ sau sinh

Nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Mát xa nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông thoáng và cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và đúng tư thế.
Cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, vắt sạch sữa sau khi cho bú xong.
Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho bú.

Phương pháp làm bớt căng đau vú cho bà mẹ sau sinh:

Dùng gạc ấm, áp lên vú trước khi cho trẻ bú, xoa bóp cổ và lưng của mẹ, nặn ít sữa trước khi cho bú và làm ướt đầu vú để giúp trẻ bú dễ dàng hơn.
Sau khi cho bú phải nâng đỡ vú bằng một băng ngực, dùng gạc lạnh áp lên vú giữa những lần cho bú.
Tránh làm nứt hoặc xước núm vú tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa là yếu tố nguy cơ áp xe vú.
Nếu có biểu hiện của viêm vú cần điều trị ngay để tránh dẫn đến áp xe vú.
Không cai sữa sớm, khi cai sữa cần giảm từ từ số lượng và số cữ bú.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Nguyên nhân của phần lớn các ổ áp xe vú là do nhiễm trùng từ da, với tác nhân chủ yếu là tụ cầu vàng. Mặc dù áp xe vú ít gặp ở các nước phát triển thì nó vẫn là một vấn đề của phụ nữ ở các nước đang phát triển, liên quan đến dinh dưỡng, vệ sinh cho bà mẹ, chất lượng cuộc sống, việc sử dụng kháng sinh muộn và không có hiệu quả.

Việc điều trị có thể là:

Thuốc kháng viêm – giảm đau
Thuốc kháng sinh phù hợp chủng vi khuẩn
Thuốc phục hồi mô

Khi bệnh nặng, các ổ áp xe to chứa nhiều mủ thì cần phải rạch da để dẫn lưu dịch trong áp xe trước khi điều trị nội khoa.

Chi phí khám áp xe cơ bản tại các cơ sở y tế chuyên khoa dao động từ 200.000 đồng - 550.000 đồng. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào chỉ định thêm cần thiết khác của bác sĩ.

Về điều trị, dựa trên kết quả đánh giá mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp phù hợp.

ThS. BS. Nguyễn Văn Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-benh-ap-xe-vu-169240405171914328.htm