Cầu Hồ Kiều - 'chứng nhân' lịch sử

'Bên kia Hà Khẩu, bên này Lào Cai', câu hát từ lâu đã ngân vang để ghi dấu tình hữu nghị giữa hai địa phương liền núi, liền sông của Việt Nam và Trung Quốc. Mang trên mình sứ mệnh nối đôi bờ biên giới Việt - Trung hơn 100 năm qua chính là cây cầu đường sắt và đường bộ mang tên Hồ Kiều (hiện gọi là cầu Hồ Kiều 1). Cây cầu qua năm tháng luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố biên giới Lào Cai nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung.

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hiện có 2 cầu Hồ Kiều kết nối với nước bạn Trung Quốc, góp phần thúc đẩy giao thương.

Ngược dòng lịch sử hơn 100 năm trước, khi chưa có tuyến đường sắt Điền - Việt, chưa có cầu Hồ Kiều, đôi bờ Việt - Trung thuộc khu vực Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) tách biệt nhau bởi sông sâu, giao thông khó khăn, hoạt động giao thương chỉ bằng thuyền nhỏ. Vì thế, kinh tế của cả hai khu vực biên giới trầm lắng.

Để nối đôi bờ Việt - Trung, ngày 28/3/1898, cầu Hồ Kiều được khánh thành, bắc qua dòng Nậm Thi bốn mùa trong xanh. Cầu được xây dựng nằm trong tham vọng của người Pháp, với mục đích hỗ trợ việc khai thác tài nguyên của vùng Tây Bắc Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc - nơi có lượng khoáng sản, lâm sản dồi dào. Tuyến đường sắt Điền - Việt nói chung, cầu Hồ Kiều nói riêng đã góp phần quan trọng thúc đẩy việc hình thành các đô thị nơi đường sắt đi qua, như Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, Lao Kay (Lào Cai) của Việt Nam và Hà Khẩu, Tân Cai, Kiến Thủy, Trình Cống rồi vươn lên tận Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc).

Khi tuyến đường sắt Điền - Việt hoàn thành, cây cầu Hồ Kiều trở thành nhịp nối thông thương, đẩy mạnh quan hệ kinh tế, văn hóa - xã hội giữa hai nước, từ đó không chỉ thúc đẩy hai địa phương biên giới Lào Cai - Vân Nam, mà cả hai nước Việt - Trung cùng phát triển. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: Vào đầu thế kỷ XIX, Lào Cai là cửa khẩu lớn thứ 3 trong toàn quốc. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XIX, hằng tháng có tới 30 - 40 lượt tàu thuyền cập bến “Lão Nhai”. Để mở rộng thương trường giao lưu quốc tế, ngày 28/3/1898, cầu Hồ Kiều được khánh thành. Ngày 8/4/1910, khu chợ lớn có mái che được khai trương. Ngay từ tháng 11/1903, chợ mới Cốc Lếu đã có người mua, kẻ bán tấp nập sau khi tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh hoàn thành (1901 - 1912).

Cầu Hồ Kiều có tới 105 năm đảm nhiệm cả “hai vai”, vừa là tuyến đường sắt, vừa là tuyến đường bộ nối liền đôi bờ sông Nậm Thi (dòng sông biên giới của Việt Nam và Trung Quốc) phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã có lúc cầu Hồ Kiều bị phá sập một phần trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, nhưng rồi lại được nối nhịp khi hai bên bình thường hóa quan hệ.

Cầu Hồ Kiều 1 nối đôi bờ Nậm Thi.

Sau này, trước nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, đa dạng hơn và trước yêu cầu nâng cao hơn nữa quan hệ thông thương Việt - Trung, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất xây dựng thêm một cây cầu đường bộ bắc qua dòng Nậm Thi mang tên cầu Hồ Kiều 2. Năm 2003, cầu đường bộ Hồ Kiều 2 khánh thành thì cầu Hồ Kiều 1 chỉ đảm nhiệm chức năng là cầu đường sắt.

Cho đến nay, khó có thể đong đếm đã có bao chuyến tàu hỏa, bao nhiêu hàng hóa, bao lượt người qua lại cây cầu hữu nghị, gắn kết hai nước Việt - Trung, tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận, cây cầu là nhịp nối tình hữu nghị, thúc đẩy kinh tế Lào Cai - Vân Nam nói riêng, các địa phương nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nói chung cùng phát triển.

Hơn 2 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, có thời điểm Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất tạm thời ngưng giao thông, giao thương qua cây cầu lịch sử để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, với sứ mệnh của mình, cầu Hồ Kiều 1 sẽ vẫn là nhịp nối quan trọng đôi bờ Nậm Thi, đưa những chuyến hàng xuất - nhập khẩu lưu thông.

Nối biên giới Việt - Trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 3 cây cầu đường bộ và đường sắt. Trong tương lai không xa, Chính phủ hai nước tiếp tục xây dựng thêm những cây cầu mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động giao thương hàng hóa và quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai nước. Mặc dù vậy, hình ảnh hữu nghị truyền thống hơn trăm năm qua mà cầu Hồ Kiều như chứng nhân lịch sử mãi mãi trong tâm thức của người dân hai bên biên giới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/357632-cau-ho-kieu--chung-nhan-lich-su