Câu chuyện mười nghìn đồng

Nếu biết cách sử dụng, mười nghìn không giản đơn là một tờ tiền lẻ. Và khi có nhiều tờ mười nghìn góp lại, hiệu quả của nó sẽ được nhân lên.

Ảnh minh họa: ITN

Ngân xa nhớ!

Thay vì những lời hỏi thăm như thường lệ, tớ sẽ kể cho cậu nghe câu chuyện mười nghìn đồng.

Chắc là cậu ngạc nhiên lắm. Tại sao lại là câu chuyện mười nghìn đồng? Vì chỉ có mười nghìn đồng nhưng là nguyên nhân của một cuộc cãi vã, những lời dọa nạt và không chừng ẩu đả có thể xảy ra…

Để cậu hình dung rõ hơn về chuyện này, tớ sẽ bắt đầu từ một chuyến xe.

Chuyến xe khách từ H về N sáng thứ Bảy đông nghẹt. Ai có nhu cầu đi, xe cũng dừng lại mời lên, đẩy lên và nói “có ghế, có ghế”. Nhưng trèo lên xe rồi thì mới rõ tình cảnh là bị lèn cứng lại, không nhúc nhích ngó ngoáy gì được.

Tất nhiên là cũng không có ai kêu ca gì cả. Chen chúc trên xe là chuyện thường tình, nhất lại vào dịp nghỉ lễ. Ai cũng chỉ muốn mau mau chóng chóng để đến được nơi mình cần đến.

Khi phụ xe thu tiền cũng vậy. Nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu. Người thì 80 nghìn, người thì 70 nghìn, có người chỉ 50 nghìn. Điểm đến của mỗi người khác nhau, người đi ít thì ít tiền, người đi xa hơn thì nhiều tiền hơn.

Duy có một ông khách, phụ xe bảo 80 nghìn đồng, bác ấy chỉ đưa 70. Phụ xe không cầm, bác ấy không đưa thêm. Hai bên cứ nì nèo nhau. Hai bên kiên nhẫn giải thích cho nhau.

Một bên nói rằng từ H đến N phải 80 nghìn, giá chung rồi, ngày nào cũng chạy xe, khách nào đi xe cũng phải trả vậy, không ai bớt. Một bên thì nói rằng, chú đã mặc cả trước với cháu rồi, rằng chú chỉ có 70 nghìn thôi, cháu cho chú đi thì chú lên, mà thường ngày chú cũng chỉ đi ngần ấy, chú đi quen rồi, không hơn.

Tình hình có vẻ căng khi anh phụ xe nói, ông phải trả tôi 80 nghìn, không thì mời ông xuống. Nếu ông không có 10 nghìn, tại sao ông không xin tôi, nếu ông xin tôi thì tôi sẽ cho, nhưng ông không xin cho nên mời ông xuống. Chú không xin của cháu, chú đã mặc cả với cháu trước rồi, cháu đồng ý thì chú mới lên xe.

Còn nếu cháu đuổi chú xuống, được rồi, chú sẽ xuống, chú xuống chỗ nào cũng được, thậm chí cháu cần bao nhiêu tiền, chú sẽ đưa, đây, tiền đây, cần bao nhiều chú đưa. Nhưng trước khi chú xuống cháu cho chú biển số xe của cháu. Ông cần biết biển số xe để làm gì? Ông định dọa chắc.

Tít tít. A lô, cho hỏi Nhật cái? Hả, Nhật đi đâu rồi? Ừ, bố đang về, chờ chút nữa bố về. Chú không dọa cháu, chú chỉ hỏi biển số xe thôi, để thằng con chú nó ra đón. Thằng Nhật là thằng nào? Ông đừng tưởng là tôi sợ. Làm cái nghề này, ngày nào tôi cũng bị dọa hết.

Một thằng Nhật chứ 10 thằng Nhật tôi cũng không sợ. Ông xuống đi. Tít tít. A lô, Việt đấy hả, ừ, đang trên đường về, đang trên xe khách, ừ, đến chỗ đấy chỗ đấy nhé. Hừ, hết thằng Nhật lại đến thằng Việt.

Thằng này không sợ nhé. Muốn gọi ai, muốn số của ai, đây tôi đưa máy cho mà gọi này. Tít tít. A lô, anh đấy à, anh có biết thằng Việt là thằng nào không? À thế à. Ừ, em đang trên đường về. Tít tít.

Câu chuyện cứ tiếp diễn như thế, cứ dùng dằng như thế. Anh phụ xe chắc cũng chỉ hơn bọn mình vài tuổi, gương mặt sáng sủa, quần áo bảnh bao. Ông khách đi trên xe cũng chừng trên dưới 60 tuổi, dáng vẻ hiền lành tử tế.

Tớ đã thấy ông ấy hỏi han cô gái ngồi cạnh tớ, khi cô kêu chóng mặt buồn nôn vì trên xe thiếu không khí. Cử chỉ của ông ấy như một người cha quan tâm đến con gái. Đến khi tớ chứng kiến họ đôi co nhau vì mười nghìn bạc, thậm chí dọa nạt nhau, thì tớ lại hiểu thêm được nhiều điều nữa.

Mười nghìn đồng, bọn mình chỉ mua được hai gói bim bim. Một ngày chúng ta phải tiêu nhiều tờ mười nghìn như thế. Nhưng vì mười nghìn, người ta đánh rơi cả bộ mặt tử tế vẫn đeo, sẵn sàng thí mạng, sẵn sàng dạy cho nhau một bài học giang hồ.

Trở lại câu chuyện trên chuyến xe ấy. Tớ bắt đầu run, hình dung một cuộc ẩu đả có thể xảy ra giữa anh phụ xe và ai đó tên là Việt, là Nhật… Kẻ đó chắc là to con, chắc là hung dữ. Những hành khách đi trên xe, trong đó có tớ sẽ bị dồn đống lại giữa đường, nháo nhác, la ó, mỗi người một kiểu giận giữ...

Không biết mọi người có nghĩ giống tớ không, bắt đầu lên tiếng can thiệp. Người thì bảo thôi chú thông cảm, xăng bây giờ tăng giá quá. Người thì bảo thôi em lấy của chú ấy 70 nghìn là được rồi, xe đông chết đi được.

Không biết những lời can ngăn ấy có hiệu quả không, hay cả hai bên đều đã chờn, đã sợ nhau, sợ cả những lời dọa dẫm của chính mình, một bên lẳng lặng đưa 70 nghìn, một bên lẳng lặng đút 70 nghìn vào túi. Câu chuyện dịu đi theo nhịp lắc của chiếc xe quá tải…

Nhưng câu chuyện ấy khiến tớ phải suy nghĩ về cách ứng xử với đồng tiền. Tớ thấy tớ nhiều khi cũng thật lãng phí, ăn một bát bún buổi sáng, thêm vài giờ la cà hàng điện tử đã đi đứt ngót trăm nghìn đồng. Trong khi đó, có một bàn tay ngửa ra xin từng đồng bạc lẻ, vậy mà có lúc tớ lạnh lùng quay đi. Mười nghìn có thể chẳng là gì nhưng cũng cứu được một mạng người sắp chết đói qua cơn đói.

Đồng tiền thật quý mà cũng thật nghiệt ngã phải không Ngân? Nghiệt ngã bởi mình coi trọng, đề cao nó quá.

Viết đến đây, tớ lại nhớ tới 10 nghìn trong cặp sách của cậu. Lúc nào cậu cũng có. Cậu không tiêu cho riêng mình. Cậu bảo để phòng khi gặp ai cơ nhỡ, ai cần giúp thì cậu giúp. Cậu chỉ có ngần ấy thôi.

Bữa sáng của Ngân thường là gói xôi hoặc bát cơm rang. Nhưng Ngân đã tiêu nhiều tờ mười nghìn như thế, tiêu không cho riêng mình..

Nếu biết cách sử dụng, mười nghìn không giản đơn là một tờ tiền lẻ. Và khi có nhiều tờ mười nghìn góp lại, hiệu quả của nó sẽ được nhân lên. Tớ nói thế có đúng không Ngân nhỉ!

Hẹn gặp Ngân vào một ngày không xa!

Bạn của Ngân!

Anh Thư

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cau-chuyen-muoi-nghin-dong-post658324.html