Câu chuyện kinh doanh ly kỳ của một 'ma mới' không hiểu về rượu vang

Nhiều người cho rằng phải hiểu về rượu vang mới có thể kinh doanh hiệu quả loại đồ uống này trong nhà hàng. Nhưng người 'tay ngang' luôn có cách riêng để làm chủ cuộc chơi.

Thưởng thức rượu vang là một thứ vui tao nhã được nhiều người yêu thích. Ảnh: R.N.

Quán tôi kinh doanh chủ yếu nhắm tới mục tiêu là bán rượu vang. Có người cho rằng quán kinh doanh rượu vang thì phải có người hầu rượu chuyên rót rượu, hoặc không thì cũng phải là người phục vụ chuyên nghiệp hiểu biết về rượu vang. Tôi không hoàn toàn cho là vậy. Quán chúng tôi là quán nhậu. Vì thế chúng tôi không cần đánh giá tuyệt vời đối với “hiểu biết nhiều về rượu vang”. Tất cả nhân viên quán tôi chỉ là ma mới, người nghiệp dư về rượu vang.

Chẳng phải giờ đây các thông tin liên quan tới rượu vang ngon có đầy hay sao? Các thông tin chúng ta đều có thể dễ dàng có được, như thông tin về các loại rượu vang có mức giá vừa phải lại nhận được giải thưởng của báo chuyên về rượu nào đó, hoặc loại rượu vang được người hầu rượu gợi ý... Vì thế bạn có thể đầu tư nhập vào những loại rượu dễ quảng bá như vậy.

Nếu chúng ta không có kiến thức, chúng ta có thể mượn sức mạnh của những “chuyên gia”. Chỉ cần đặt trong quán một số cuốn tạp chí có đăng bài gợi ý về các loại rượu vang, đó cũng là một cách để giải thích và quảng bá. Còn những kiến thức cần thiết, bạn có thể trang bị dần dần trong quá trình kinh doanh.

Cách mở rượu vang cũng thế. Gần đây có cả cái mở nắp rượu vang bằng điện. Sau vài thao tác, chỉ cần ấn vào công tắc, nút bần tự động được mở ra. Nếu làm như thế trước mặt khách, rõ ràng bạn và khách có thể nói chuyện với nhau bằng những câu đơn giản như: “Tiện quá nhỉ?”, “Rất được phải không?”. Việc mở chai rượu bằng cái khui nắp bình thường giống như cách làm của một người lành nghề, còn chúng tôi thế là được rồi.

Một vài quán khác mở nắp chai vang ở sân sau với lý do là vì không có kĩ thuật mở nút bần ở trước mặt khách. Như thế còn gì thú vị? Nếu vậy, thà không phục vụ rượu vang nữa còn hơn.

Tôi nghĩ rằng người nghiệp dư có cách bán hàng của người nghiệp dư. Khoảng 40 năm trước, đó là câu chuyện khi tôi còn đang kinh doanh một quán nhỏ thôi, tôi định phục vụ món cá sống. Lúc đó tôi chưa có tay nghề nên không thể cắt đẹp được. Để giấu giếm khách rằng chúng tôi cắt cá không khéo, chúng tôi đã đặt tên món là “cá sống cắt khúc to” rồi xếp lên bát cơm.

Một hôm, ông chủ quán sushi gia truyền chỗ thân quen của tôi tới. Tôi phục vụ món “cá sống cắt khúc to”, ông ấy cho biết: “Cách phục vụ này tôi không biết nói gì nữa.” Ông ấy cũng khen rằng đó là cách phục vụ độc đáo.

Vì thế, tôi vẫn chấp nhận cách bán rượu vang mà khách hàng không thể nhận định rõ rằng “vị ngon tinh tế” hay “có sự cân bằng giữa vị chát và vị chua”.

Khi kinh doanh rượu vang, tôi nhận ra rằng chính chị em phụ nữ lại là người rất dễ sôi động nhờ rượu vang. Sau khi mở nắp chai, chị em phụ nữ đồng loạt hò hét vui sướng. Điều này không thể thấy được khi phục vụ rượu sake hay shochu.

Do đó, ngay sau khi mở quán này, tôi tập trung bán các loại rượu vang sủi bọt ở một quán khác. Đây là quán không bày biện mấy chục loại rượu vang nhưng riêng vang sủi bọt quán có tới 15 loại bán cả chai.

Về nguyên tắc, mở nút bần vang sủi bọt không nên để phát ra tiếng. Tuy nhiên, quán tôi không quan tâm tới điều đó, mà khách hàng vui là trên hết. Khi phục vụ, chúng tôi hay hỏi khách hàng rằng: “Quý khách muốn mở nút phát ra tiếng hay không ạ?”. Hầu hết khách hàng đều chọn cách mở nút phát ra tiếng, vì thế cả ngày quán tôi đều có tiếng nút bần bật lên, rất vui nhộn giống như có hội.

Bạn nghĩ tới những cách quảng bá theo cách chỉ có ở những người nghiệp dư. Trong quá trình động não, dần dần bạn sẽ trang bị cho riêng mình kiến thức về rượu vang, và đó sẽ là vũ khí tốt cho bạn khi bạn ra ngoài mở quán riêng.

Uno Takashi/ Bách Việt Books và NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-chuyen-kinh-doanh-ly-ky-cua-mot-ma-moi-khong-hieu-ve-ruou-vang-post1469854.html