Câu chuyện đầu năm: Vui buồn HLV tuổi Thân

Để có những VĐV đội tuyển quốc gia xuất sắc, không thể không kể đến công sức của những HLV địa phương, những người chịu thiệt thòi đủ bề trong điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Cùng Thanh Niên xông nhà 2 nữ HLV tuổi thân, cả 2 đều sinh năm 1980 tại Quảng Ninh, 1 HLV bắn cung, 1 HLV wushu, có một đặc điểm chung: đều là những người đóng thế xuất sắc khi học 1 chuyên ngành, làm 1 chuyên ngành khác.

Học thể dục làm HLV wushu

Nguyễn Thị Hằng, cô giáo sinh năm con khỉ 1980 học chuyên ngành thể dục, Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh nhưng bất đắc dĩ trở thành một HLV wushu.

HLV Nguyễn Thị Hằng - Ảnh: Thúy Hằng

Các VĐV đội tuyển wushu Quảng Ninh và HLV Nguyễn Thị Hằng (thứ 2 từ phải qua)

Có năng khiếu bộ môn thể dục, chị Hằng học chuyên sâu chuyên ngành thể dục và về công tác tại Trường thể dục thể thao Quảng Ninh. Năm 2008, bộ môn wushu của Quảng Ninh được thành lập, chị Nguyễn Thị Hằng được tin tưởng giao trọng trách HLV trưởng.

“Thật là rất khó, tôi rất run và băn khoăn không biết mình có đảm nhiệm được không. Được sự động viên của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh và các đồng nghiệp, tôi nhận lời. Tôi tự học, tự đọc sách, xem băng hình và được nhà trường cho đi tập huấn tại nhiều nơi. Vừa giảng dạy, tôi vừa tự học cho chính mình”, chị Hằng kể lại những ngày đầu tiên làm nghề.

Vào tận trường để tuyển học trò, kèm cặp cho các học trò như với con của mình, thời gian chị Hằng ở nhà tập nhiều hơn ở nhà. Năm 2011, năm đầu tiên wushu Quảng Ninh thi đấu giải trẻ quốc gia và đã có ngay một HCB của VĐV Vũ Xuân Quảng. Khoảnh khắc học trò lên bục nhận huy chương đến nay với chị Hằng vẫn là một dấu ấn khó quên.

HLV Nguyễn Thị Hằng (thứ 2 từ trái qua) và các đồng nghiệp tại Trường thể dục thể thao Quảng Ninh - Ảnh: Thúy Hằng

“Rất nhiều thành công đã đến với tôi sau chuỗi ngày gian nan. Nhưng kỷ niệm lần đầu tiên những đứa con của mình đào tạo được huy chương, bõ công mồ hôi, nước mắt của cả thầy và trò đến giờ tôi không thể nào quên được”, chị Hằng xúc động.

Năm 2015, Nguyễn Thị Hằng đào tạo được nhiều nhiều VĐV xuất sắc môn wushu,giành 40 huy chương các loại: 9 HCV, 1 HCB, 20 HCĐ trong đó có 2 HCV, 2 HCB và 5 HCĐ tại Giải vô địch wushu toàn quốc năm 2015. Chị Hằng được bình chọn là HLV tiêu biểu vùng mỏ cũng trong năm này.

VĐV bắn súng, trở thành HLV bắn cung

Đó là thực tế của HLV Đặng Thị Nhàn, sinh ra và lớn lên tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Chị Đặng Thị Nhàn đến với bắn súng từ năm 15 tuổi, khi đang là nữ sinh trường THPT Cẩm Phả. “Ngày tôi theo bắn súng, trường bắn thô sơ lắm. Đó là nơi bây giờ mọc lên một sân cỏ nhân tạo trước SVĐ Cẩm Phả bây giờ, cho VĐV tập bắn cự ly 50 m”, Đặng Thị Nhàn nhớ lại.

Chị Nhàn chính thức nhận vai trò HLV bắn súng từ năm 2010, tuy nhiên thời gian này kéo dài không lâu, chị được điều chuyển công việc sang HLV bắn nỏ, và đến năm 2012, khi bộ môn bắn cung ở Quảng Ninh được thành lập, Đặng Thị Nhàn lại trở thành HLV bắn cung.

HLV Đặng Thị Nhàn hướng dẫn các VĐV bắn cung tập thể lực - Ảnh: Thúy Hằng

“Tôi rất hoang mang, kiểu như đang là thầy giáo dạy toán, bây giờ làm thầy giáo dạy vật lý vậy. Rất may, các đồng nghiệp tại Hải Phòng hỗ trợ tôi rất nhiều”, cô giáo bộ môn mới mẻ này bộc bạch.

Tháng 3.2012, chị Nhàn mới sinh con thứ 2, tuy nhiên để việc tập huấn kỹ năng cho bộ môn bắn cung được thuận tiện nhất, chị bế cả cô con gái sang Hải Phòng (khu phức hợp thể thao Cánh Diều) để tập trung tập luyện. Đồng hành với chị thời gian này còn có bố đẻ chị, thương con gái một nách con nhỏ, tập luyện cả ngày, ông sang chăm cháu gái để mẹ yên tâm công tác.

“Tôi luôn biết ơn bố tôi, vì ông luôn đứng bên cạnh tất cả những thành công của tôi. Khi tôi còn là HLV bắn súng, những lần phải tập huấn tại trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn, bố cũng là người giúp tôi trông con trai lớn, bây giờ đến con gái nhỏ, cũng lại là ông chăm lo”, chị Nhàn kể về bố bằng ánh mắt ngưỡng mộ.

Vượt qua mọi gian khó bước đầu, HLV tay trái Đặng Thị Nhàn bắt đầu thu gặt những thành quả đầu tiên của bộ môn bắn cung khi các giải trẻ, vô địch quốc gia, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, bắn cung Quảng Ninh đều có huy chương.

HLV Đặng Thị Nhàn và con trai, con gái - Ảnh: Thúy Hằng

Tuy nhiên, trọng trách với người phụ nữ nhỏ bé này còn khá nặng gánh khi điều kiện vật chất cho bộ môn bắn cung của tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Bãi tập là một sân cỏ đi mượn của một công ty than (cách nơi tập thể lực cho VĐV khoảng 2 km). Đồ đạc tập luyện của bộ môn đều phải gửi nhà Nhàn, mỗi khi tập luyện, chị và trò lại vác lên sân.

Cả bộ môn bắn cung có 5 bộ cung, tập suốt từ năm 2012 cho đến nay, chưa có điều kiện để thay. Những khó khăn chồng chất ấy, Nhàn chia sẻ với các VĐV. Chị nhắn nhủ với các cháu, đã theo đuổi thể thao, phải đặt nó lên mục tiêu cao nhất, làm sao để thời gian, tuổi trẻ đi qua thì thành công ở lại.

“Mọi người hay nói với tôi, tuổi thân thường gặp khó khăn. Tôi cũng trải qua nhiều dông bão, nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi khi mình cố gắng toàn tâm toàn ý cho một công việc gì, nó sẽ không phụ mình, mình sẽ gặp quả ngọt”, chị Nhàn bộc bạch.

Những hạnh phúc đời thường

Chị Nguyễn Thị Hằng có một cậu con trai kháu khỉnh, cả hai vợ chồng đang phấn đấu có thêm một “con khỉ con” trong năm 2016 này.

HLV Đặng Thị Nhàn đang là bà mẹ của 2 thiên thần rất đáng yêu: 1 cậu con trai và 1 cô con gái. Họ vừa đón Tết Bính Thân tại nhà riêng tại Cẩm Phả, và quê chồng tại Thanh Hóa.

Cả hai ông chồng của 2 nữ HLV đều không phải dân thể thao, song đều là những người thông cảm với những khó khăn và hi sinh của vợ. Đó cũng là động lực để những phụ nữ tuổi thân vượt qua tất cả những chông gai, theo đuổi con đường ươm mầm những tài năng thể thao.

Thúy Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thethao.thanhnien.com.vn/toan-canh-the-thao/cau-chuyen-dau-nam-vui-buon-hlv-tuoi-than-58169.html