Câu chuyện bóng chuyền: Một nửa sự thật

Cứ cho rằng danh sách triệu tập đội tuyển bóng chuyền nam là ổn thỏa về nhân sự đi, vì được cả lãnh đạo Tổng cục TDTT lên tiếng giải thích giùm sau khi dư luận bức xúc lên tiếng. Nhưng với người trong giới bóng chuyền, chuyện không chỉ dừng lại ở đó…

Còn những khúc mắt trong việc tuyển chọn VĐV lên tuyển quốc gia, khiến làng bóng chuyền Việt Nam xôn xao

Sau sự cố triệu tập đội tuyển bóng chuyền nam, có thời điểm HLV trưởng Phùng Công Hưng trở thành tấm bia cho nhiều người “bắn”. Bao nhiêu tội vạ đổ hết lên vai ông này, rằng CLB Thể Công-BĐ15 không nên có nhiều tuyển thủ như thế, rằng ông ngó lơ VĐV của đội bóng vừa VĐQG là Đức Long Gia Lai…

Ngay cả giới chức bóng chuyền, từ ông Tổng thư ký cho đến một số thành viên trong Ban chuyên môn của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV), đều khẳng định việc chọn người cho đội tuyển hoàn toàn do HLV trưởng quyết định, không ai khác được can thiệp vào. Thế nhưng, thực tế lại thể hiện ra khác hoàn toàn, tức là HLV trưởng chỉ đóng vai trò “người làm thuê” đúng nghĩa, còn quyền quyết định nhân sự cho ĐTQG thuộc về người khác. Khi “một nửa sự thật thì không thể là sự thật” lộ ra, dư luận sẽ dễ bề phán xét VFV hơn qua vụ việc này.

Ban chuyên môn có nhiều ủy viên, rải từ Bắc chí Nam. Thế nhưng lạ một điều là toàn thuộc cấp của ông Trưởng ban Nguyễn Bá Nghị (Phó Chủ tịch chuyên môn của VFV) lại quyết định trước rồi mới báo cáo. Mà khi đã báo cáo thì có nghĩa đã công bố ra dư luận hết thảy rồi, khó mà sửa sai (dù ở vài lần triệu tập các đội tuyển nam và nữ gần đây luôn xảy ra điều tiếng).

Ông Nghị, rồi những người uy tín trong giới bóng chuyền như ông Nguyễn Thành Lâm (Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM), Trần Minh Khang (Bia SG-TBD) có góp ý, tư vấn chọn con người cho các đội tuyển sao cho phù hợp, để dần trẻ hóa bằng lực lượng trẻ khá triển vọng. Tuy nhiên nghe xong thì để đấy, một nhóm người vẫn tự ý quyết định mọi chuyện lớn, bé của làng bóng chuyền nước nhà.

Không chỉ dịp triệu tập các đội tuyển nam, nữ chuẩn bị cho SEA Games 27 mới phát sinh điều tiếng. Mà trước đó, liên tục trong vòng 2 năm trở lại đây, đã xảy ra tình trạng một số vị trong liên đoàn liên kết với nhau để chi phối hoạt động nhằm trục lợi, trong đó có cả việc sắp xếp nhân sự 2 đội tuyển nam, nữ theo cách riêng của mình.

Đặc biệt, những lời góp ý chân thành và vì đại cuộc của ông Nghị, ông Lâm, ông Khang, ông An hay nhiều HLV kỳ cựu trong làng bóng chuyền đều chìm vào quên lãng, hoặc bị kẻ trục lợi cá nhân biến thành ý tưởng của mình. Vì thế, bóng chuyền Việt Nam vẫn bị dư luận xếp vào diện có thể tan rã bất cứ lúc nào, tất nhiên là ở đội ngũ thượng tầng quản lý.

o0o

Trở lại chuyện ở đội tuyển bóng chuyền nam chuẩn bị SEA Games 27, mặc dù đích thân Tổng cục trưởng TDTT Vương Bích Thắng lên tiếng xoa dịu dư luận, khi khẳng định rằng việc lựa chọn nhân sự vừa qua hoàn toàn công tâm, thì người trong giới vẫn cho rằng đấy là một trong những cách để né tránh trách nhiệm của giới chức bóng chuyền.

Nhà báo Nguyễn Lưu – người đã có vài chục năm trải nghiệm cùng bóng chuyền Việt Nam – cũng không giấu được vẻ thất vọng và than thở rằng một nhóm lợi ích đang làm xấu đi hình ảnh vốn rất đẹp của bóng chuyền – môn thể thao hấp dẫn có lẽ chỉ đứng sau “ông Vua” bóng đá.

Bóng chuyền năm tới sẽ đại hội để tìm ra “minh chủ” mới, sau khi Chủ tịch đương nhiệm Lê Minh Hồng vì chán chường đã phải thẳng thắng nói lời chia tay. Nhưng đến giờ, chính người trong làng bóng chuyền cũng chưa biết chắc ai dám đứng ra chèo lái con thuyền đã thủng lỗ chỗ này, nhất là khi còn tồn tại nhiều “con sâu” trong VFV.

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/166/30E150/Cau-chuyen-bong-chuyen-Mot-nua-su-that