Câu chuyện bên dòng sông cạn

Làng ông có một nhánh sông cạn uốn quanh làng nối ra sông Hoạt. Nhánh sông nhỏ ấy nối sâu những mối tình trai gái đôi bờ làng trên xóm dưới.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Câu chuyện bên dòng sông cạn của tác giả Lê Hiệp.

Năm ấy, cũng từ nhánh sông này những chàng trai của làng lên đường vào Nam chiến đấu, lời hứa mang theo ghim đáy sông quê, hứa một ngày hòa bình trở về…

Năm ấy đơn vị ông chiến đấu trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ông là một trong những người lính đặc biệt thuộc Quân đoàn 1, cùng với đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu lá cờ của quân giải phóng miền Nam tại Thành cổ để truyền tin đến Hội đàm Paris. Giữa khói bom Quảng Trị, trong trái tim ông bỗng vẽ một giấc mơ vẹn nguyên về dòng sông cạn quê ông thanh bình không chiến tranh, đêm buông xuống mát xanh lời hò hẹn ông ngày xuân trẻ, lời thề tuổi đôi mươi và bóng dáng người con gái chờ ông trên cánh đồng làng ven sông.

Một đoạn nhánh nhỏ quanh làng Yên Phú nhánh nối đổ ra Sông Hoạt chảy xuống qua ven đồng làng Chánh Lộc. (Ảnh Lê Hiệp)

Con sông cạn đi qua tuổi đôi mươi của ông bằng nỗi đau chiến tranh, bằng niềm thương nỗi nhớ của hậu phương, bằng khát khao trở về của ông trong những ngày khói lửa Quảng Trị. Đôi bờ sông cạn mùa tết có gì: Có một mùa hoa cải ven sông lại chỉ trông ngóng đông về mà ươm vàng thao thiết, là chuyện của mùa đông, chuyện về những ngón tay đan, chuyện về những chàng trai cô gái hẹn hò nhau đôi bờ sông nhớ thương vơi đầy. Ven sông trong và ngoài đê là những bãi bồi màu mỡ, làng có một vụ rau đông, thu hoạch xong là kịp đón tết. Rét cắt, gió bấc ào ào trên đê cùng tiếng ríu rít hò nhau tưới rau mỗi chiều, những ánh mắt thầm thương trộm nhớ vội vã.

Người lính già đi qua cuộc chiến với những dòng sông gào thét xác bom, những trận chiến nảy lửa trên những con sông, máu và nước mắt nhuộm đỏ Thạch Hãn, hừng hực khí thế những ngày vượt sông ở Đồng Nai, Sông Bé tiến về giải phóng cửa ngõ Sài Gòn. Những dòng sông đi qua chiến tranh khiến ông nhớ con sông cạn ven làng thiết tha. Nỗi nhớ sông quê chập chờn mếu máo trong những cơn sốt rét rừng giữa Trường Sơn của lính trinh sát tiền trạm. Sông quê ông có bãi bồi ven sông trồng đầy rau cải, vàng ươm quá vụ trong ánh mắt chờ đợi của người ông thương. Mỗi một con sông đau mình trong chiến tranh ông lại nhớ con sông cạn của làng trong nỗi niềm chiến tranh và chờ đợi.

Sông quê như nỗi chờ mong cha mẹ, người thương đợi ông về ngày giải phóng. Dòng sông vẫn ở đó trong nỗi nhớ chập chờn đôi miền Nam - Bắc, trong tiếng rít của pháo sáng rợp trời Quảng Trị, núi rừng hoang vu Đắc Lắc, trong bước chân hành quân của đoàn quân chiến thắng về Sài Gòn. Làng ông nghèo uốn quanh con sông cạn nhưng nó mang trong ông nỗi nhớ day dứt và hứa hẹn ngày trở về. Đồng đội của ông cũng vậy, nhiều người ra đi từ những ngôi làng ven sông miền Bắc, trong những câu chuyện họ kể nhau nghe giữa hai trận đánh có những điệu hò ven sông, có người thương trên cánh đồng dâu tằm ở bãi bồi xanh ngát. Trong cái đêm bị thương tại Quảng Trị, nhạt nhòa đáy mắt ông gói lại nỗi nhớ thương quê nhà, nỗi đau chiến tranh gói gọn trong nỗi nhớ con sông cạn ven làng, nơi ấy là tuổi thanh xuân của ông, là tình yêu chớm nở, là khát khao một ngày hòa bình còn sống trở về bên sông, bên người.

Giữa khói lửa, những ngôi làng Quảng Trị hoang tàn đau đớn, ông đau cắt ruột như chính sông làng, sông Hoạt, sông Mã quê ông oằn mình trong bom. Ông bị thương tại Quảng Trị, giữa bờ vực sống chết giấc mơ về làng nhỏ ven sông của ông thấp thoáng đan xen. Quảng Trị, Thạch Hãn hiên ngang đứng vững tạo đà cho bàn đàm phán Paris. Người lính bụi trần như ông đem vết thương từ Quảng Trị, nỗi nhớ dòng sông cạn quê nhà hành quân chiến đấu giải phóng nhiều dòng sông khác của Tổ quốc cho đến khi giải phóng miền Nam

Ngày thắng lợi, người lính trận mạc trở về làng ven sông, bắt đầu cuộc sống gia đình đầy khó khăn trong những năm tháng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội… Đôi bờ sông cạn thanh bình không che nổi cái đói của các con ông, không xóa mờ được vết chân chim khóe mắt người con gái chờ ông trở về. Con sông cạn thanh bình tiếng hát, chất chứa nỗi nhớ của ông trong thanh xuân Trường Sơn, nhưng sông đói. Đôi bờ sông lắng đi những giọng ca hào hùng những năm tháng tiễn nhau lên đường ra chiến trường, con sông cạn oằn mình không đem nổi thơ về cho những cuộc đời. Bãi bồi ven sông vẫn màu mỡ nhưng cơ chế canh tác hợp tác xã cũ đã làm những cánh đồng lúa không còn trĩu bông, của cải không về những mái ấm. Con sông cạn nên thơ thuở khói bom ông mơ ước giờ bỗng đói nghèo, lạc hậu, khó bứt ra với cơ chế kinh tế sản xuất tập trung. Những mảnh ruộng ven đê hoang hóa, cái đói về tận ngõ sâu, lắng chìm xuống đáy sông trầm mặc, nghèo khó và buồn bã rét mướt trôi qua từng mảnh đời. Trong những bữa lén chạy gạo ăn hằng ngày, ông quên bẵng giấc mơ giữa Trường Sơn, giấc mơ trở về tắm mát giữa con sông hòa bình ven làng ông, về ngắm những bãi bồi ven sông xanh mướt mỗi chiều, về xây dựng gia đình nhỏ cùng hơi thở của sông.

Bãi bồi ven sông có những đồng lúa xanh tốt. (Ảnh Lê Hiệp)

Những năm tháng đói kém nhất, gia đình dắt díu nhau bỏ làng vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, bỏ lại giấc mơ xưa, giấc mơ về dòng sông cạn yên ả ấm êm mà thời bình ông quên bẵng trong cái đói khát của các con, trong tiếng thở dài của vợ. Ông quên ngày chiến thắng trở về người thương khóc nấc bên dòng sông hò hẹn vì mừng vì nhớ; ông quên những ngày mới từ chiến trường ra, ngồi bên sông vẹn nguyên từng câu chuyện về chiến trường, về người đồng đội hy sinh ở Tân Uyên, Sóng Thần bên thềm ngày chiến thắng; bên sông ông nhớ về từng câu chuyện Trường Sơn, câu chuyện Quảng Trị. Nhớ những đồng đội của ông một vài người có tình yêu với sông quê như ông giờ trôi dạt nơi nào trên Tổ quốc thiêng liêng… Nhưng các con của ông đói! Người thương binh cùng những người anh em muốn đổi vận ở một vùng khai hoang mới ở núi rừng Tây Nguyên xa xôi - nơi có những dải đất bazan màu mỡ bên những dòng sông ở một nơi hứa hẹn. Điểm dừng chân là một thôn vùng sâu vùng xa của xã Krông Jing - M'Đrắk - Đaklak. Nơi ấy xa những con sông trong niềm nhớ, xa xôi hơn ngôi làng nghèo ven nhánh nhỏ sông Hoạt của làng ông. Thảng hoặc trong ông vẫn có những buổi chiều bỗng nhớ da diết cánh đồng nghèo bên sông cạn có hàng điện bắc ngang, có bọn trẻ nằm trên bờ đê sông đếm đàn chim sẻ chiều về tổ…

Chiều yên bình bên cánh đồng ven sông. (Ảnh Lê Hiệp)

Đất nước đổi mới, ông trở về làng. Các con trưởng thành, cái đói cái nghèo đã lùi xa. Đôi bờ sông cạn con đê xưa đã được hiện đại bê tông hóa, những cánh đồng ven sông màu mỡ xanh tốt, những ruộng hoa màu đã đem thơ về với dòng sông. Dòng sông cạn đi theo ông suốt chiều dài đất nước qua những gam màu tối sáng nay đã giàu lên cùng của cải đôi bờ. Từ nỗi nhớ niềm thương lên đường vào chiến trường, nỗi nhớ cắt lòng giữa rừng Trường Sơn đến những năm tháng đói kém, con sông quê vẫn luôn trong ông một tình yêu trọn vẹn, nghĩa tình.

Chặng đời ông đi qua, con sông cạn đã thấy, đã nghe, đã trở mình trong khung trời đầy gió của đất nước qua những gam màu tối sáng. Con sông cạn lại đón ông về, vẫn thủy chung vẹn tình giữ lại giùm ông những ký ức đẹp tươi qua mỗi mùa nước. Trong giấc thở đôi bờ, ông vẫn thấy chàng trai tuổi đôi mươi áo lính băng Trường Sơn, pháo sáng rợp trời Quảng Trị, núi rừng hoang vu Đắc Lắc… vẫn vẹn nguyên một tình yêu trở về bên dòng sông cạn ven làng, nơi ông đã sống, đã yêu, và trở về!

(Hai ngôi làng đôi bờ sông được nhắc đến trong bài: làng Yên Phú, Hà Tiến, Hà Trung, Thanh Hóa và làng Chánh Lộc, Hà Giang, Hà Trung, Thanh Hóa. Mỗi làng một bên sông - Nơi có nhánh nhỏ của Sông Hoạt uốn quanh. Câu chuyện kể theo ký ức thương binh Trần Trung Thanh (làng Chánh Lộc)

Lê Hiệp

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cau-chuyen-ben-dong-song-can-2268562.html