'Câu chuyện bắt đầu từ trái tim'

Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì, bản sắc ấy đã có ý nghĩa như thế nào, và ngày nay, chúng ta cần nhận thức, hành động ra sao để có thể vừa giữ gìn, làm phong phú bản sắc, vừa vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa...?

Đó là những câu hỏi đang trực tiếp đặt ra đối với chúng ta, và cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư (PGS) Phan Ngọc dưới đây là một cách tiếp cận...

Phóng viên (PV): Thưa PGS Phan Ngọc, là người đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông có thể diễn đạt ngắn gọn điều ông khái quát được từ văn hóa Việt Nam?

PGS Phan Ngọc: Đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này và các tác giả đã rút ra một số kết luận xác đáng. Tôi cho rằng, từ ngày tiếp xúc văn hóa nước ngoài, cha ông chúng ta đã xây dựng một nguyên lý riêng để phát triển văn hóa. Tôi dùng chữ "vượt gộp" dịch khái niệm dépassement của Pháp, hay aufheben của Đức, để chỉ nguyên lý này.

"Vượt gộp" là tiếp thu cái mới nhưng đổi mới nó trên cơ sở cái cũ đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới; nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành.

"Vượt gộp" không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đã thực hiện nguyên lý này rất thành công. Nguyễn Trãi vượt gộp được cả Nho giáo và truyền thống văn hóa dân tộc. Hồ Chí Minh đã vượt gộp chủ nghĩa Mác - Lê-nin và truyền thống văn hóa dân tộc. Và chúng ta đã kế thừa từ Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh nhiều giá trị văn hóa có tính dân tộc, tính thời đại.

Như về lịch sử, phải nói rằng cách đây gần 600 năm, Nguyễn Trãi là người đầu tiên xác lập các yếu tố để khẳng định một dân tộc, đó là: văn hóa (Vốn xưng nền văn hiến đã lâu... Phong tục Bắc Nam cũng khác), địa lý (Núi sông bờ cõi đã chia), lịch sử (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập), chính quyền (Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương).

PV: Còn về những nét bản sắc, thưa PGS?

PGS Phan Ngọc: Trên cơ sở nguyên lý "vượt gộp", cha ông ta đã xây dựng một nền văn hóa rất đặc sắc. Theo tôi, nét đặc sắc về nhân cách văn hóa, thể hiện ở các yếu tố: Tổ quốc - gia đình - thân phận - diện mạo. Nhân cách ấy chi phối các bổn phận mà cá nhân phải thực hiện đối với Tổ quốc và gia đình, từ đó có một thân phận yên ổn, một diện mạo được tôn trọng. Với mọi người Việt Nam, Tổ quốc là lớn hơn tất cả.

Ý thức về sự "lớn hơn" ấy luôn thống nhất trong cả dân tộc, và không ra đời từ bạo lực mà từ nhu cầu hình thành, tồn tại lòng tự tôn dân tộc. Truyền thống văn hóa Việt Nam không xem quyền lợi gia đình đối lập quyền lợi Tổ quốc, gia đình chính là "lò" đào luyện tinh thần yêu nước của dân tộc.

GS Đặng Thai Mai kể bà nội của ông có con trai là Đặng Thúc Hứa ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi người cháu gái Đặng Quỳnh Anh - gọi bà là bác, sang Thái-lan, bà dặn: "Cháu sang đó bảo anh Tú (Đặng Thúc Hứa đỗ tú tài) là: Đã có gan đi tìm đường cứu nước thì bao giờ lấy lại được nước mới về, chớ quay lại làm "gà ăn quẩn cối xay", cam chịu làm kẻ đầu hàng. Cháu cũng vậy, đã quyết tâm ra đi thì đừng tính chuyện hiểm nghèo". Bà nói như thế vì trước hết, bà là người yêu nước. Còn trong gia đình, bà có một thân phận cụ thể.

Theo thao tác luận, tiêu chuẩn để xác định thân phận con người là quan niệm về vai trò phụ nữ. Từ xa xưa, phụ nữ Việt Nam vừa quán xuyến việc gia đình, chăm lo chồng con, vừa tham dự giao tiếp xã hội. Họ có vai trò quan trọng hơn nam giới trong kinh tế, giáo dục gia đình. Họ nắm "tay hòm chìa khóa", nên mới có câu: "Giàu vì bạn, sang vì vợ". Tú Xương làm thơ bày tỏ tình thương với vợ cũng vì thế.

Vấn đề thân phận đã bị đảo lộn từ khi người Pháp xâm lược Việt Nam. Toàn dân đi theo Đảng và Bác Hồ trước hết để giành lại độc lập cho Tổ quốc, sau đó là giành lại thân phận xã hội đã bị tước đoạt. Ngày xưa, các gia đình dạy con hiếu đễ và liêm sỉ, không phải để nhờ con làm việc gì, mà là để giữ gìn đạo đức gia đình, cái đó gọi là gia phong. Gia phong quý hơn ruộng vườn, tài sản. Cái gì mất có thể lấy lại, nhưng nếu mất gia phong, thì con người sẽ bị mất diện mạo. Do đó, trong xã hội Việt Nam truyền thống, diện mạo của con người trước hết được xác định bởi đạo đức.

PGS Phan Ngọc

Thưa PGS, từ góc độ nghiên cứu của mình, theo ông, đâu là yếu tố văn hóa cơ bản có thể giúp chúng ta đưa sự nghiệp đổi mới đến đích cuối cùng?

PGS Phan Ngọc: Trong sự phát triển của văn hóa dân tộc, có giá trị văn hóa mang ý nghĩa lịch sử, có giá trị văn hóa có khả năng xuyên thời gian. Nhưng dù xuyên thời gian, luôn mang ý nghĩa tích cực, thì giá trị văn hóa đó vẫn cần phải được đổi mới để theo kịp yêu cầu mới của phát triển.

Sẽ có các lý giải mới về Tổ quốc - gia đình - thân phận - diện mạo. Nhưng cái đích không thể thay đổi đó là quyền lợi vật chất, tinh thần của người lao động, phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Gia đình, trường học là nơi trực tiếp đào luyện con người có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nếu cách mạng đem lại một thân phận, một diện mạo mới cho mọi người, thì gia đình và nhà trường là nơi cung cấp tri thức cũng như những hiểu biết đầu tiên trong ý thức về thân phận, diện mạo, từ đó hình thành ý thức về nghĩa vụ, quyền lợi xã hội của bản thân mình.

Trong các công trình nghiên cứu của mình, PGS thường nhắc tới nhân cách văn hóa, vậy nhân cách ấy có ý nghĩa gì với hôm nay?

PGS Phan Ngọc: Nhân cách văn hóa được tạo dựng bởi hệ thống giá trị làm nên "bộ" hành vi ứng xử của mỗi người trong xã hội. Gia đình là nơi phác họa các chấm phá đầu tiên nhân cách. Nói cách khác, gia đình là một thành phần quan trọng của giáo dục con người.

Trong giáo dục gia đình truyền thống, thờ cúng tổ tiên giữ vai trò rất đặc biệt. Thờ cúng tổ tiên không có gì là mê tín. Cha mẹ sinh ra tôi, chịu đói chịu khổ vì tôi, nuôi tôi khôn lớn, hiển nhiên là tôi phải biết ơn cha mẹ, ông bà.

Thực hành thờ cúng tổ tiên vừa khẳng định tư cách thành viên của gia đình, dòng họ, vừa phải lo kế tục trách nhiệm tiền nhân để lại với làng, với nước. Thờ cúng tổ tiên giáo dục con người phải sống xứng đáng với cha ông, phải làm cho cha ông vẻ vang. Đó là nét bản sắc cần duy trì, miễn là đừng mượn việc này để làm điều đáng chê trách như Nguyễn Công Hoan viết trong "Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ!".

Con đường nghìn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Con đường đổi mới đất nước chúng ta là con đường nghìn dặm. Trước hết, mỗi người hãy tự hỏi xem mình có thực lòng muốn đất nước giàu có, dân chủ, công bằng, văn minh hay không, để từ đó suy nghĩ và hành động. Riêng về văn hóa, có một bề dày văn hóa chưa đủ, mà phải biết khai thác, chuyển hóa nó theo hướng hiện đại. Và câu chuyện bắt đầu từ trái tim của chúng ta.

Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này, và xin chúc PGS sang năm mới thêm mạnh khỏe, tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu với thành tựu mới.

Theo Thời nay số Xuân Quý Tỵ

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2013-01-31-cau-chuyen-bat-dau-tu-trai-tim-