Câu cá đại dương thử thách cần thủ

Gần đây thú câu cá biển được nhiều người lựa chọn. Đặc biệt, một số 'cần thủ' ở TPHCM còn nâng cấp lên thành một nghề bán chuyên, có thể kiếm tiền từ những chia sẻ về kinh nghiệm mồi câu, khu vực câu hay cả những loại cá biển với những người cùng đam mê trên các nền tảng mạng xã hội.

Anh Phú chia sẻ niềm vui với “chiến lợi phẩm”.

Anh Phú chia sẻ niềm vui với “chiến lợi phẩm”.

Có niềm đam mê câu cá, anh Nguyễn Phạm Phú, 46 tuổi ngụ tại quận Bình Thạnh (TPHCM) kể, anh thường xuyên cùng bạn bè đi câu dịp cuối tuần. “Nhóm chúng tôi có gần chục người, thường xuyên hẹn nhau đi câu ở các vùng biển từ Vũng Tàu cho tới Phan Thiết, Phan Rang hay tận ngoài Nha Trang. Cách đây 2 tuần cả nhóm đi câu ngoài vùng biển Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Giờ đường cao tốc thuận tiện, sáng sớm chạy ô tô từ TPHCM, tầm gần trưa là có thể buông cần thả mồi ngoài Vĩnh Hy rồi. Mỗi chuyến đi câu không chỉ có mục tiêu bắt cá mà còn là một trải nghiệm, thử thách bản thân với biển cả nữa”, anh Phú chia sẻ.

Với kinh nghiệm bản thân anh Phú thường tìm hiểu kỹ và liên hệ với các chủ ghe để có sự chuẩn bị tốt nhất. “Tôi thường thuê ghe gỗ của ngư dân để ra vùng biển, thường là bãi vắng người hay các đảo ven bờ, nhà bè ngồi câu. Tùy theo từng vùng biển, từng mùa mà có các loại cá khác nhau. Trước khi đi mình cũng cần liên hệ tìm hiểu loại cá để chuẩn bị mồi cho phù hợp. Câu cá biển thì mồi đơn giản hơn câu cá sông, cá hồ vì cứ theo nguyên tắc “cá lớn ăn cá bé”. Nghĩa là mình sử dụng những loại cá nhỏ, cá tạp làm mồi thì sẽ câu được cá lớn hơn”, anh Phú cho hay.

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Phú còn bật mí hành trình mỗi chuyến đi câu của anh thường có 3 tới 5 chiếc cần câu, tùy theo địa hình và thực tế biển sẽ quyết định sử dụng loại cần nào. Ngoài cần thì còn có dây và quan trọng nhất là lưỡi câu và mồi câu. “Xác định được loại cá mình câu thì sẽ biết được lưỡi và mồi nào là phù hợp nhất. Như chuyến câu ngoài Vĩnh Hy vừa rồi chúng tôi ra ngoài bãi Đầm Đăng có rất nhiều cá đổng bùn. Bãi Đầm Đăng ven bờ không có đường bộ nên phải thuê ghe từ vịnh đi ra khoảng 2 cây số. Tiền thuê ghe và đồ nấu ăn là 2 triệu đồng/ngày, chia cho 6 anh em. Bữa đó mới mưa xong nên rất nhiều cá đổng bùn, cá mó. Hôm đó chúng tôi câu được hơn 20 kg”, anh Phú nhớ lại.

Theo anh Phú, hầu hết sản phẩm thu được mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức, phần còn lại sẽ mang ướp lạnh rồi chia đều. “Mình đi câu vì đam mê và thú vui. Những hình ảnh đều quay video đưa lên mạng xã hội, còn thành quả thì đem về cho gia đình”, anh Phú vui vẻ nói. Về chiến tích của bản thân, anh Phú hào hứng kể, cuối năm ngoái câu được con cá bè nặng tới hơn 6 kg khi thả mồi ở gần hải đăng Kê Gà, Bình Thuận.

Cùng chung nhóm câu cá biển với anh Phú còn có anh Nguyễn Đức Xuân, 51 tuổi làm nghề kinh doanh cần, dây câu và mồi. Anh Xuân cho biết gia đình có một tiệm bán đồ câu ở đường Tân Kỳ, Tân Quý (quận Tân Phú). “Trước kia tôi đi câu để quảng cáo cần, lưỡi hay dây câu nhưng sau đó thành đam mê lúc nào không hay, thích nhất là khoảnh khắc đưa được con cá lên từ đại dương. Mỗi khi có cần, lưỡi hay mồi mới nhập từ Thái Lan về là tôi lại đi câu để “test” và giới thiệu với anh em cùng đam mê. Tuần này tôi sẽ đi xuống La Gi (Bình Thuận) để câu mực đêm vì mới nhập về lô mồi câu mực rất đẹp”, anh Xuân thông tin.

Niềm vui khi đưa được một con cá lên ghe.

Niềm vui khi đưa được một con cá lên ghe.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở TPHCM mà tại nhiều địa phương, đặc biệt là các khu vực ven biển du lịch phát triển như: Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang…, thú vui câu cá biển ngày càng được ưa chuộng. Trong các nhóm, diễn đàn chia sẻ về câu cá biển trên mạng xã hội luôn có hàng chục cho tới hàng trăm thành viên tham gia bàn luận chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Trần Thị Vui, 66 tuổi ngụ tại TP Bà Rịa cho biết gia đình có nhà bè nuôi hàu ở bán đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhiều năm qua. “Hồi dịch bệnh 2 năm trước có mấy đứa cháu ở Bà Rịa xuống bè chơi rồi câu cá. Bè nhà tôi ở đây không có cá lớn nhưng cá dìa, cá dò, cá nâu, cá mó thì nhiều lắm. Có người sát cá ngày câu được từ 5-7 kg. Thế rồi mọi người rủ nhau ra bè câu cá. Ông xã nhà tôi nhờ đó mà có công việc chở ghe cho khách ra bè câu cá”, bà Vui chia sẻ.

Theo người phụ nữ này, hàng ngày có vài người tới bè ngồi câu, cuối tuần thì đông hơn, khách trên TPHCM cũng tìm xuống. Bà còn bán thêm cả mì gói, đồ ăn, than để nướng cá mực cho khách câu. Do khu vực này gần cửa biển nên nước êm, nhiều hộ dân ở đây nuôi hàu làng bè nên ghe thuyền lớn ít qua lại, rất nhiều các loại hải sản ở biển theo nhau vào nên dân câu rất thích thú. Vì là cá tự nhiên nên việc khách câu không ảnh hưởng tới những lồng bè nuôi hàu ở sâu dưới nước.

Theo bà Vui, những “cần thủ” mới tập câu thường chọn các nhà bè ở trên mặt biển vì sẽ có nhiều cá. Hơn nữa, nhiều bè nuôi cá bớp, cá chẽm cho thức ăn cũng giúp cho cá tự nhiên tìm tới. Tuy nhiên, vì nhà bè chỉ ở ven biển cửa sông nên cá nhỏ. Trong khi đó những “cần thủ” đam mê sẽ tới những vùng biển sâu hơn, thường là thuê ghe chạy ra xa ven bờ chừng một vài cây số để hy vọng câu được những con cá lớn hơn. “Thường dịp cuối tuần ông xã tôi cũng chạy ghe cho khách câu đi ra xa ngoài vịnh. Ngoài vịnh có nhiều tàu lớn neo đậu cả tháng là nơi mà cá thường tìm tới trú sóng. Cá nhỏ tới thì cá lớn theo vào săn mồi nên khách câu rất thích. Mới tuần vừa rồi có nhóm khách câu trên TPHCM xuống để ra vịnh gần phao số 0. Lúc về thấy "ôm" mấy con cá hường, cá đỏ cỡ vài kg. Hồi năm ngoái có khách còn câu được cả con cá mè biển hơn 20 kg. Nhưng cũng có những chuyến đi khách về tay không”, bà Vui cho biết.

Trong thời gian tìm hiểu về thú câu cá biển chúng tôi được anh Thuyết, một chủ ghe ở TP Vũng Tàu giới thiệu anh thường xuyên đưa khách ra ngoài vịnh câu cá. “Khách du lịch xuống Vũng Tàu có nhu cầu câu cá nhiều lắm. Tôi chở ghe từ bến ra ngoài vịnh câu mỗi người trả 150 ngàn đồng, nếu có đặt thêm đồ ăn đồ uống thì tôi lấy thêm, ai có thì tự túc mang đi. Ra vịnh câu may mắn được con cá mú thì bán vài triệu không biết chừng. Cá lớn cũng có, cá nhỏ cũng có tùy theo. Câu cá nhỏ thì dùng mồi nhỏ, dây ngắn mà câu cá lớn thì lưỡi chùm, dây dài. Đợt này đang mùa mưa nên ít khách chứ tháng trước ngày nào tôi cũng chạy. Mà chỉ là khách quen biết giới thiệu cho nhau chứ không có người lạ đâu. Dân đam mê câu thì tự biết mà tìm tới”, anh Thuyết kể.

Theo anh Thuyết, anh thường quảng cáo sẵn lịch chạy ghe lên mạng xã hội để người câu chọn lựa, khi đủ khách thì ghe mới khởi hành. Anh bảo ngoài câu cá có một số khách đặt lịch đi câu mực đêm. Tuy nhiên, câu mực đêm khó hơn nhiều và hiếm khi có khách trúng, ngay cả mùa biển như hiện nay.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cau-ca-dai-duong-thu-thach-can-thu-5728611.html