Cặp sinh đôi chào đời từ phôi thai đông lạnh 30 năm

Mới đây, vợ chồng Ridgeway đón cặp sinh đôi chào đời từ phôi đông lạnh 30 năm. Trường hợp này khiến mọi người bất ngờ vì đây là các phôi đông lạnh lâu nhất mà vẫn sống sót.

 Phôi thai được đông lạnh trong 30 năm khiến mọi người lo lắng về tình trạng sức khỏe của 2 em bé. May mắn là cặp sinh đôi vẫn khỏe mạnh. Ảnh: ionigeria.

Phôi thai được đông lạnh trong 30 năm khiến mọi người lo lắng về tình trạng sức khỏe của 2 em bé. May mắn là cặp sinh đôi vẫn khỏe mạnh. Ảnh: ionigeria.

Theo Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ), Lydia và Timothy Ridgeway chào đời vào ngày 31/10/2022. 2 đứa trẻ được sinh ra từ phôi thai được đông lạnh lâu nhất - từ tháng 4/1992 - mà vẫn có khả năng sống sót. Ông bà Philip và Rachel Ridgeway là người nhận quyền nuôi dưỡng cặp sinh đôi khi chúng chào đời.

Trước đó, kỷ lục này thuộc về Molly Gibson. Vào năm 2020, cô bé sinh ra từ một phôi thai được đông lạnh trong gần 27 năm. Chị gái của Molly, Emma, cũng được sinh ra từ phôi thai đông lạnh 24 năm.

Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) luôn theo dõi tỷ lệ thành công và dữ liệu về các công nghệ sinh sản, cơ quan này không theo dõi khoảng thời gian phôi được đông lạnh. Tuy nhiên, CDC không có bằng chứng nào về các trường hợp phôi có thời gian đông lạnh lâu hơn 27 năm mà vẫn cho ra kết quả sinh nở thành công.

“Có điều gì đó thật đáng kinh ngạc”, Philip Ridgeway nói khi ông và vợ ôm những đứa con mới sinh vào lòng tại ngôi nhà ở ngoại ô Portland, Oregon.

Ông nói: “Tôi mới 5 tuổi khi Chúa ban sự sống cho Lydia và Timothy và Ngài đã bảo vệ chúng kể từ đó”.

 Cả gia đình Ridgeway đều vui mừng đón chào cặp sinh đôi. Ảnh:Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ).

Cả gia đình Ridgeway đều vui mừng đón chào cặp sinh đôi. Ảnh:Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ).

Ông Ridgeway cho biết theo một khía cạnh nào đó, cặp sinh đôi là những đứa con lớn nhất của 2 vợ chồng, mặc dù hiện nay, chúng là những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất.

Ông bà Ridgeways có 4 đứa con khác ở độ tuổi 8, 6, 3 và 2. Trong số đó, không đứa trẻ nào được thụ thai qua việc hiến tặng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Phôi thai của cặp sinh đôi nằm trong 5 phôi thai được tạo ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Các chuyên gia sử dụng tinh trùng của người chồng ngoài 50 tuổi và trứng của một người hiến tặng 34 tuổi. Những phôi thai được đông lạnh vào ngày 22/4/1992.

Trong gần 3 thập kỷ, phôi được lưu trữ ở những ống nghiệm nhỏ đặt trong nitơ lỏng dưới nhiệt độ gần -200 độ C, trong một thiết bị trông giống bình khí propan.

Những phôi thai được giữ tại phòng thí nghiệm sinh sản ở Bờ Tây (Mỹ) cho đến năm 2007. Lúc đó, cặp vợ chồng tạo ra cặp sinh đôi quyết định hiến phôi cho Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia ở Knoxville, Tennessee (Mỹ) vì họ mong muốn trao tặng cơ hội có con cho cặp vợ chồng khác.

Tiến sĩ John Gordon, bác sĩ của ông bà Ridgeways, cho biết 5 phôi thai được để qua đêm trong những chiếc xe tăng được trang bị đặc biệt để vận chuyển đến Knoxville.

Điều cần biết về hiến phôi thai

Khi mọi người sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, họ có thể tạo ra nhiều phôi hơn số lượng họ cần. Phôi thừa được bảo quản lạnh để sử dụng trong tương lai, hiến tặng cho mục đích nghiên cứu hoặc hiến tặng cho những người muốn có con.

Hiến phôi cũng giống tất cả hoạt động hiến tặng mô người khác. Để được hiến tặng, phôi phải đáp ứng một số yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, bao gồm cả việc sàng lọc bệnh truyền nhiễm.

 Trước khi hiến tặng, phôi phải trải qua các quá trình kiểm tra của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Ảnh: www.indiatvnews.

Trước khi hiến tặng, phôi phải trải qua các quá trình kiểm tra của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. Ảnh: www.indiatvnews.

Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ) cho biết: “Việc nhận phôi hoàn toàn khác với việc 'nhận con nuôi' hợp pháp, ít nhất là theo nghĩa nhận con nuôi sau chào đời. Tuy nhiên, thuật ngữ này cho phép mọi người khái niệm hóa quá trình nuôi dạy những đứa trẻ không có mối quan hệ huyết thống với người nhận nuôi”.

Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ cho biết việc áp dụng thuật ngữ "nhận con nuôi" đối với phôi là không chính xác. Điều này gây hiểu lầm và có thể tạo gánh nặng cho người nhận phôi.

Tiến sĩ Sigal Klipstein, chuyên gia sinh sản ở Chicago, Chủ tịch ủy ban đạo đức của Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, cho biết: “Việc nhận con nuôi đề cập đến những đứa trẻ còn sống. Đó là quy trình pháp lý tạo ra mối quan hệ cha mẹ và con cái trong khi mối quan hệ đó chưa từng tồn tại trước đây".

Theo chuyên gia, hiến phôi là thủ tục y tế. Đó là phương pháp mà chuyên gia lấy phôi từ một cặp vợ chồng hoặc một cá nhân và chuyển phôi đó cho cá nhân khác để họ xây dựng gia đình.

Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ) là tổ chức tư nhân do Cơ đốc giáo lãnh đạo. Tổ chức yêu cầu người nhận phôi phải vượt qua “đánh giá gia đình” và “các cặp vợ chồng phải là người dị tính dị giới đã kết hôn tối thiểu 3 năm”. Trung tâm cho biết họ đã giúp hơn 1.260 trẻ sơ sinh chào đời từ phôi hiến tặng.

Bà Klipstein nói việc sử dụng phôi hiến tặng giúp tiết kiệm chi phí cho những người đang tìm kiếm hỗ trợ y tế về sinh sản. Biện pháp này cắt giảm chi phí tìm kiếm và lưu trữ tinh trùng, trứng của người hiến tặng.

Mong muốn của ông bà Ridgeway

Ông Philip Ridgeway cho biết: “Chúng tôi không cố gắng tìm kiếm những phôi được đông lạnh lâu nhất trên thế giới. Chúng tôi chỉ muốn những đứa trẻ đã phải chờ đợi lâu nhất”.

Khi tìm kiếm người hiến tặng, vợ chồng Ridgeway tìm hiểu về danh mục gọi là "những cân nhắc đặc biệt", nghĩa là rất khó để tìm được người nhận những phôi thai thuộc mục này.

Họ đã xem qua cơ sở dữ liệu của người hiến tặng để chọn phôi. Dữ liệu không liệt kê thời gian phôi được đông lạnh, nhưng nó liệt kê các đặc điểm của người hiến như dân tộc, tuổi tác, chiều cao, cân nặng, lịch sử di truyền và sức khỏe, trình độ học vấn, nghề nghiệp, gu phim ảnh và âm nhạc. Một số hồ sơ thậm chí có ảnh của cha mẹ và anh chị em của phôi.

Gia đình Ridgeway nói họ muốn 4 đứa con đều đồng hành với họ trong suốt quá trình. Vì vậy, họ giải thích cho chúng từng bước một.

Ông bà Ridgeway chia sẻ những đứa trẻ rất hào hứng, hạnh phúc và yêu thương 2 người em mới chào đời.

Khi sinh ra, Lydia nặng 2,6 kg và Timothy nặng 2,9 kg.

 Cặp sinh đôi được sinh ra khỏe mạnh. Bé gái nặng 2,6 kg và bé trai nặng 2,9 kg. Ảnh: Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ).

Cặp sinh đôi được sinh ra khỏe mạnh. Bé gái nặng 2,6 kg và bé trai nặng 2,9 kg. Ảnh: Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ).

Vào ngày 28/2, Trung tâm Sinh sản Đông Nam (Mỹ) và Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ) phối hợp để rã đông phôi. Trong 5 phôi được rã đông, 2 phôi đã không thể sống sót. Các chuyên gia cho biết tỷ lệ sống sót của phôi khi rã đông là khoảng 80%.

Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ và CDC đều khuyến nghị chuyển từng phôi một, vì việc chuyển nhiều phôi hơn làm tăng khả năng đa thai. Điều này cũng làm tăng rủi ro cho cả mẹ và con. Trẻ sinh đôi dễ sinh non, bị bại não, tự kỷ và có thể chết lưu.

Bà Rachel nhớ bác sĩ Gordon đưa cho bà một bức ảnh chụp 3 phôi và khuyên họ chỉ nên nhận 2 phôi vào lúc này. Khi nhìn bức ảnh, bà ấy đã rơm rớm nước mắt và nói một cách chắc chắn rằng vợ chồng muốn nhận cả 3 phôi.

 Đôi vợ chồng Ridgeway xúc động khi thấy hình ảnh 3 phôi thai. Ảnh: Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ).

Đôi vợ chồng Ridgeway xúc động khi thấy hình ảnh 3 phôi thai. Ảnh: Trung tâm Hiến tặng Phôi Quốc gia (Mỹ).

Phôi có thể được đông lạnh vô thời hạn

Các chuyên gia cho biết phôi có thể được đông lạnh gần như vô thời hạn. Bác sĩ Gordon giải thích: “Nếu bạn bị đóng băng ở nhiệt độ gần -200 độ, các quá trình sinh học về cơ bản sẽ chậm lại và gần như là không hoạt động. Vì vậy, việc đông lạnh trong một tuần, một tháng, một năm, một thập kỷ hay 2 thập kỷ không thực sự quá khác biệt".

Tiến sĩ Jim Toner, chuyên gia sinh sản ở Atlanta, cho biết: “Có vẻ như tinh trùng, trứng hoặc phôi được lưu trữ trong nitơ lỏng không hề biết đến sự tồn tại của thời gian”.

Tuổi của phôi thai không ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ. Điều quan trọng hơn là tuổi của người phụ nữ hiến tặng quả trứng tạo nên phôi thai.

Tiến sĩ Zaher Merhi, chuyên gia sinh sản tại Trung tâm Sinh sản Trẻ hóa ở thành phố New York, cho biết: “Nếu người hiến trứng là phụ nữ 25 tuổi, phôi của cô ấy sẽ có khả năng sống sót cao hơn phôi của người hiến trứng cao tuổi hơn".

Phương Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cap-sinh-doi-chao-doi-tu-phoi-thai-dong-lanh-30-nam-post1377725.html