Cặp đôi tiếp viên thoáng nhìn nhau rời ga trên chuyến tàu ngược chiều

Có những tháng cao điểm, đôi vợ chồng cùng làm nghề tiếp viên đường sắt chỉ thoáng gặp nhau 1-2 lần thông qua ô cửa sổ của đoàn tàu.

Những chuyến tàu hỏa xuyên Việt không chỉ chở theo đoàn tiếp viên mang trong mình tình yêu nghề, yêu quê hương đất nước mà còn có cả những câu chuyện về tình yêu đôi lứa giống như vợ chồng Ngâu khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Đó là câu chuyện của vợ chồng anh Đinh Như Lưu và chị Trần Thị Vân An, anh Trần Trung Nghĩa và chị Đoàn Thị Thảo. Họ là 2 trong số 9 cặp vợ chồng cùng là tiếp viên thuộc chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội (Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội).

Vợ chồng anh Nghĩa, chị Thảo cùng là tiếp viên trên tàu SE05

“Tôi từng tự nhủ sau này không lấy gái đường sắt…”

Vợ chồng anh Nghĩa và chị Thảo đã hơn 10 năm cùng làm việc trên chuyến tàu đường sắt Bắc Nam nhưng khác tổ tiếp viên. Do đặc thù công việc, cả hai đều có những chuyến đi dài ngày theo tàu.

Nếu để con ở lại nhà trọ trên thành phố thì phải thuê người đưa đón và chăm sóc con. Thu nhập của vợ chồng chị Thảo không đủ để chi trả cho người giúp việc. Vì thế, cặp vợ chồng sinh năm 1986 phải gửi 2 con về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

Anh Nghĩa chị Thảo cũng nhiều lần bỏ lỡ các dịp đồng hành cùng con như khai giảng, đi tham quan, họp phụ huynh… Dù rất thương con nhưng họ không thể tham gia được. Rất may gia đình và mọi người đều hiểu, thông cảm cho đặc thù công việc của tiếp viên đường sắt.

Chị Thảo tâm sự: "Trước đây chúng tôi đi khác mác (số hiệu tàu - pv) thì còn được ở nhà nghỉ cùng nhau 1-2 ngày giữa mỗi lần lên ban (đi làm trên chuyến tàu khứ hồi - pv). Giờ đây, chúng tôi cùng làm trên 1 mác tàu, nếu đi lệch ban thì khi tổ này về ga, tổ còn lại sẽ lên đường. Chồng về thì vợ đi nên chúng tôi chỉ được 1-2 lần nhìn qua cửa sổ quan sát người kia rời ga trên chuyến tàu ngược chiều".

Tâm niệm sẽ không yêu và cưới vợ cùng ngành, nhưng duyên số lại kết nối anh Lưu và chị Vân An thành đôi. Không những thế, sau nhiều năm công tác, cả hai lại cùng chung 1 tổ tàu, cùng là tiếp viên phục vụ trên chuyến tàu Bắc Nam có số hiệu SE05.

“Bố tôi là nhân viên ngành đường sắt. Tuổi thơ tôi lớn lên, gắn liền với nhà ga Cầu Yên (Hoa Lư, Ninh Bình). Vì thế, tôi quá am hiểu về những thiệt thòi mà nhân viên ngành đường sắt gặp phải. Tôi luôn tâm niệm không lấy gái đường sắt làm vợ, vậy mà không hiểu duyên số thế nào vẫn có cô vợ là tiếp viên đường sắt”, anh Đinh Như Lưu - trưởng tàu an toàn tàu khách SE05 cười nói.

Vợ anh, chị Vân An là tiếp viên phục vụ ăn uống cho hành khách trên đoàn tàu Thống Nhất.

Anh Lưu sinh năm 1977 hơn chị An 5 tuổi. Hai anh chị học cùng khóa tại trường đào tạo nghề đường sắt, cùng chơi chung với một nhóm bạn và bây giờ lại cùng nhau làm việc trên mỗi chuyến tàu.

Chị An tâm sự với phóng viên VietNamNet: "Hai vợ chồng tôi cùng làm trên 1 chuyến tàu có nhiều cái hay nhưng cũng có cái thiệt thòi. Khi con còn nhỏ, 2 vợ chồng tôi muốn đi khác tổ nhau để có người ở nhà chăm con. Nhưng sau này, do thời gian xoay vòng giữa các ca của chúng tôi lệch nhau không nhiều, lại do hoàn cảnh chúng tôi đành xin được làm cùng tổ cùng ca từ năm 2017".

Anh Lưu đang đảm nhận vị trí trưởng tàu an toàn - đảm bảo an toàn trên mỗi hành trình của đoàn tàu SE05

“Vợ tôi bị tai nạn giao thông nên không thể đi xe máy được. Vì thế, tôi xin làm cùng tổ để 2 vợ chồng thuận tiện hơn trong lúc làm việc cũng như ở nhà. Tôi lại làm xe ôm không công cho bà xã, thế là được đồng hành cùng vợ trên mỗi chặng đường, mỗi chuyến đi”, anh Lưu tiếp lời vợ.

Một ngày của nữ tiếp viên đường sắt

Trước khi tàu lăn bánh, tiếp viên hàng ăn như chị An phải nhận đồ giải khát, tự bê vác từ kho lên toa và sắp xếp gọn gàng. Công việc mỗi ngày của chị An là kéo xe hàng ăn đẩy đi các toa, phục vụ nước uống, đồ ăn cho khách đi tàu.

“Mình phải tự làm hết những việc đó dù bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm. Vất vả nhất là khi di chuyển xe hàng ăn qua các đầu đấm (khấc nối giữa 2 toa tàu - pv) rất nặng. Nhưng vẫn phải cố gắng làm vì các thành viên trong tổ tàu ai cũng có công việc riêng, không thể giúp đỡ”, chị An kể lại.

Chị An chốt sổ sách sau mỗi phiên làm việc trên tàu

Chị Đoàn Thảo làm việc trên tàu SE từ năm 2009 tới nay. Công việc quen thuộc của chị mỗi khi đi tàu cũng giống như bao đồng nghiệp khác. Chỉ có điều, do sống ở quê cùng bố mẹ và con cái, nên mỗi khi đi làm chị Thảo phải đi rất sớm. Chị rời nhà từ lúc 5h30 sáng để kịp lên cơ quan nhận kế hoạch chuẩn bị tác nghiệp và nhận chăn ga gối từ kho giặt là.

Tiếp đến, nữ tiếp viên thay chăn ga gối, dọn vệ sinh toa tàu mình phụ trách và 14h chuẩn bị đón khách lên tàu. 15h30 tàu lăn bánh từ Hà Nội đi TP.HCM cũng chính là thời gian chị bắt đầu lên ban.

“Tôi thích làm giáo viên nhưng dòng đời xô đẩy, nhân duyên lại trở thành tiếp viên đường sắt. Khi mới vào nghề, tôi đi tuyến Hà Nội - Lào Cai. Lúc tàu đi qua nhà dân thấy họ đang quây quần xem tivi mà nhớ nhà vô cùng. Tôi còn bị say tàu, về nhà rồi mà người vẫn lâng lâng chòng chành như đang trên tàu vậy. Bây giờ đi nhiều thành quen, tôi lại thấy yêu nghề”, chị Thảo nhớ lại.

Tự hào và quyết tâm bám trụ với nghề tiếp viên đường sắt

Chị An kể, bình quân, thu nhập mỗi tháng của chị chỉ từ 5-6 triệu đồng. Sau 21 năm làm nghề tiếp viên, lần đầu tiên và duy nhất chị đạt mức lương 10 triệu đồng là vào tháng 1/2023 vì tháng đó đi tăng cường 6 chuyến liên tiếp, gần như cả tháng ở trên tàu.

"Lương ngành chúng tôi không được cao như các ngành khác, cũng phải yêu nghề thì chúng tôi mới gắn bó với nghề lâu như vậy. Được cái, chúng tôi sống ở quê cùng ông bà, tự cung tự cấp chăn nuôi cấy hái nên không phải lo tiền ăn uống. Tôi tranh thủ bán hàng online khi đi tàu. Khi được nghỉ 4 ngày thì đi gặt hái, cấy lúa, nuôi gà cho bố mẹ", chị Thảo nói.

Con trai anh Lưu, chị An từ bé đã quen với việc "đi ké" tàu của bố mẹ, tự xuống ga Ninh Bình rồi về quê ăn Tết cùng ông bà nội vì bố mẹ bận phục vụ hành khách trong các dịp cao điểm Tết

Vì tính chất công việc phục vụ trên tàu rất vất vả, bê vác hoặc trượt chân ngã nguy hiểm nên những nữ tiếp viên có thai sẽ không được đi làm. Cách đây 18 năm, khi chị Vân An mang thai con đầu lòng, do cơ thể gọn gàng nên chị giấu lãnh đạo, vẫn đi phục vụ ăn uống cho hành khách bình thường.

Tới tận tháng thứ 8, bụng đã to, chị mới đành phải nghỉ ở nhà. "Nói mình yêu ngành yêu nghề thì hơi lý thuyết. Nhưng thực sự nghề đảm bảo cuộc sống cho mình, gắn bó hơn 20 năm thì mình phải yêu và gắn bó thôi”, chị cười nói.

“Tuy cuộc sống của nhân viên đường sắt vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng bù lại được đi đây đi đó gọi là du lịch qua ô cửa sổ con tàu miễn phí. Nhiều người bạn sẵn sàng giúp đỡ tôi tìm việc khác thu nhập cao hơn, phát triển kinh tế gia đình hơn nhưng vợ chồng tôi bằng lòng với những gì mình đang có. Tôi rất tự hào và hãnh diện vì công việc của mình", anh Lưu nói.

Xem video: Cảnh đẹp Việt Nam được anh Lưu quay từ tàu hỏa

Những bài thơ dạt dào cảm xúc của anh Lưu thể hiện sự lạc quan yêu đời, yêu nghề

Có người từng nghĩ, nghề lái tàu, tiếp viên đường sắt là những công việc nhàn hạ, ổn định, lại được rong ruổi qua nhiều vùng đất. Thực tế, đó là những công việc vô cùng gian nan, vất vả và có không ít hiểm nguy. Tuy nhiên, như các nghề khác, nghề lái tàu hay làm tiếp viên đường sắt cũng có những nốt trầm, nốt thăng, có vui, có buồn, có nụ cười và cả những giọt nước mắt.

Trong quá trình thực hiện loạt bài về nghề lái tàu, nghề tiếp viên đường sắt này, phóng viên VietNamNet đã có những cuộc trò chuyện thân tình, đầy ý nghĩa với những anh, chị có thâm niên trong nghề. Từ những chia sẻ chân thực, thẳng thắn của những người lái tàu, tiếp viên đường sắt “lão luyện” ấy có thể thấy được phần nào bức tranh về công việc của họ với nhiều cung bậc cảm xúc.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-tinh-nguu-lang-chuc-nu-cua-tiep-vien-duong-sat-co-thang-gap-nhau-1-lan-2237992.html