Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đối mặt nguy cơ thiếu vật liệu

Ngoài tỉnh An Giang, các địa phương còn lại gồm: TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng do đặc thù điều kiện tự nhiên nên không có mỏ đá và có rất ít mỏ cát đáp ứng được tiêu chí sử dụng làm vật liệu đắp nền đường.

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

TP.Cần Thơ chưa thành lập ban chỉ đạo dự án

Theo tin từ Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 60 ngày 16/6/2022.

Đến ngày 25/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 91 về việc triển khai Nghị quyết 60/2022 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Tiếp đó, ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 17 về việc phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Thông tin về tình hình triển khai dự án, Bộ GTVT cho biết, về quy chế phối hợp, Bộ GTVT đã hoàn chỉnh dự thảo quy chế phối hợp triển khai thực hiện các dự án theo ý kiến tham gia góp ý của các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, ngày 31/8/2022, Bộ GTVT đã ký dự thảo quy chế và đang chuyển địa phương để ký, ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện. Hiện nay, 3/4 tỉnh, thành (An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng) đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo thực hiện dự án; còn lại TP.Cần Thơ chưa thành lập. Đồng thời, 4/4 tỉnh, thành phố đã giao nhiệm vụ chủ đầu tư thực hiện dự án.

Về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, 4/4 tỉnh, thành đã giao nhiệm vụ cho tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Hội đồng nhân dân 4/4 tỉnh, thành đã có nghị quyết bố trí vốn cho công tác GPMB.

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT cho biết, các địa phương đã triển khai các thủ tục và lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Nhiều địa phương không có mỏ vật liệu

Đề cập đến các khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT cho biết, ngoài tỉnh An Giang, các địa phương còn lại (TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng) do đặc thù điều kiện tự nhiên nên không có mỏ đá và có rất ít mỏ cát đáp ứng được tiêu chí sử dụng làm vật liệu đắp nền đường, đồng thời với việc nhiều dự án giao thông lớn triển khai nhiều khả năng sẽ khan hiếm về vật liệu để đắp nền đường và các vật liệu chủ yếu khác.

Để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.Cần Thơ sớm thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo thực hiện dự án.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư các dự án thành phần khẩn trương lập kế hoạch tổng thể, chi tiết các hạng mục công việc đến thời điểm khởi công dự án để làm căn cứ triển khai, kiểm điểm tiến độ thực hiện.

"Các chủ đầu tư cần đẩy nhanh công tác khảo sát thiết kế đảm bảo các mốc tiến độ bàn giao hồ sơ và cắm cọc giải phóng mặt bằng, đợt 1 cuối tháng 10/2022; đợt 2 cuối tháng 11/2022 và đợt 3 cuối tháng 1/2023", Bộ GTVT yêu cầu.

Về nguồn vật liệu cát đắp, Bộ GTVT cho biết, tại Thông báo 249 ngày 17/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao các tỉnh Đồng tháp, An Giang phối hợp với Bộ TN&MT rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL.

"Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng rà soát nhu cầu, khả năng cung ứng nguồn vật liệu cát đắp để có giải pháp đảm bảo nhu cầu của dự án", Bộ GTVT nêu rõ.

Được biết, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập, tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng.

Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 57,2km với tổng mức đầu tư 13.779 tỷ đồng, đi qua địa phận tỉnh An Giang và TP.Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 có chiều dài 37,2km với tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng, đi qua địa phận TP.Cần Thơ do UBND TP.Cần Thơ làm cơ quan chủ quản.

Dự án thành phần 3 có chiều dài 36,9km với tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng, đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh hậu Giang làm cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 4 có chiều dài 56,9km với tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng, đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản.

Trong giai đoạn phân kỳ, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc 4 làn xe cao tốc hạn chế, mặt cắt ngang 17m. Dự án sẽ hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/cao-toc-chau-doc-can-tho-soc-trang-doi-mat-nguy-co-thieu-vat-lieu-183220920145608187.htm