Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn: Bộ GTVT loại Geleximco

Geleximco đang vi phạm hợp đồng dự án, chưa hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng, nên không thể thực hiện dự án BOT.

Đó là nguyên nhân được Bộ GTVT nêu rõ trong văn bản trả lời Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) về đề xuất tham gia đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Chỉ được đầu tư hình thức PPP

Cùng với đó, Bộ cũng cho hay, thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), nếu Geleximco quan tâm có thể tham gia đấu thầu nhà đầu tư theo quy định.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 64 km cao tốc quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn hơn 12 nghìn tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, thế nhưng đến thời điểm này dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, các thành viên trong liên danh nhà đầu tư lại liên tục xáo trộn, tháo chạy, rút bớt vốn…Bộ GTVT đã liên tiếp ra 2 văn bản vào tháng 12/2016 và tháng 1/2017 thông báo nhà đầu tư vi phạm hợp đồng.

Tại buổi kiểm tra dự án Bắc Giang - Lạng Sơn cuối tháng 2, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, Bộ sẽ chấm dứt hợp đồng, kêu gọi nhà đầu tư mới.

Một đoạn Quốc lộ 1 qua Bắc Giang.

Đến nay nhà đầu tư cũng chưa thu xếp được vốn do chưa ký hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng vốn vay với các ngân hàng để thực hiện dự án.

Trước tình trạng đó, mới đây, Geleximco có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép đơn vị này cùng đối tác của Geleximco được tham gia vào Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với tỷ lệ tối thiểu khoảng 70%.

Trong văn bản, Geleximco cho biết đã thu xếp được với Ngân hàng ABBank và nhóm các ngân hàng đồng tài trợ do ABBank làm đầu mối trong trường hợp nhà đầu tư này được chấp thuận, trong đó ABBank thu xếp 2.000 tỷ đồng, Agribank thu xếp 3.000 tỷ đồng và TPBank thu xếp 800 tỷ đồng. Nhưng đề xuất của Geleximco bị từ chối.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu Geleximco có ý định nhảy vào dự án BOT đường bộ.

Cách đây 4 năm, cụ thể là vào tháng 3/2013, Geleximco khi đó đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình xin rút lui khỏi Dự án Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Nguyên nhân được đưa ra là do tổng mức đầu tư quá lớn, sự sa sút của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết. Việc rút lui này sau đó đã khiến Bộ GTVT phải lao đao tìm cách “giải cứu” tuyến cao tốc quan trọng này.

Ngoài vấn đề “quá khứ” của nhà đầu tư, cũng cần bàn tới số vốn mà Geleximco hứa hẹn “đổ” vào dự án. Với 5.800 tỷ, số vốn này chưa chiếm đến 50% vốn của Dự án.

Về đề xuất đưa nhà đầu tư Geleximco vào dự án, ông Nguyễn Hữu Long - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án an toàn giao thông cho biết, đây mới là thông báo của Liên danh, đơn vị này vẫn chưa nộp đầy đủ hồ sơ doanh nghiệp nên cơ quan quản lý chưa xem xét được năng lực để ra quyết định.

Nhiều doanh nghiệp "bỏ đi"

Trong một diễn biến liên quan khác, vướng mắc khiến dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ là do các cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án.

Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn không hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng, nói cách khác là nhận siêu dự án nhưng “không có” hoặc “không bỏ” tiền làm. Hãy cùng tìm hiểu thực tế các doanh nghiệp này đang đầu tư và làm ăn ra sao.

Sự rút lui của thành viên đầu tiên - Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC ngay sau khi dự án được động thổ chưa đầy 1 tháng đến nay chưa có công bố về lý do chính thức.

Còn Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành từ chiếm 25% cổ phần, rút xuống còn 5% và đến nay đã không còn trong danh sách cổ đông của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tương tự, Mỹ Đà, trong khoảng thời gian 1 - 2 tháng trở lại đây, đã đề xuất thực hiện 1 dự án PPP khác tại Thái Bình với giá trị hơn 232 tỷ đồng, đồng thời, trong vai trò nhà thầu.

Cổ đông tiếp theo là Công ty CP Giao thông xây dựng số 1, trong năm 2016 đã trúng thầu 2 dự án lớn tại Hà Nội với tổng giá trị 2 gói thầu lên tới hơn 361 tỷ đồng với tư cách thành viên liên danh. Công ty này cũng được chỉ định là nhà thầu xây dựng 1 gói thầu hơn 114 tỷ đồng thuộc chính Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cao-toc-bac-giang-lang-son-bo-gtvt-loai-geleximco-3335193/