Cảo thơm lần giở: Tshekhov nghĩ gì?

Tshekhov (Trê-khôph) (1860-1904) là tác giả Nga nổi tiếng thế giới. Ông là đại diện cuối cùng của dòng tiểu thuyết hiện thực phê phán Nga thế kỷ 19.

Tshekhov (Trê-khôph) (1860-1904) là tác giả Nga nổi tiếng thế giới. Ông là đại diện cuối cùng của dòng tiểu thuyết hiện thực phê phán Nga thế kỷ 19. Thời Pháp thuộc, độc giả Việt Nam được đọc một số tác phẩm của ông dịch sang tiếng Việt, giới trí thức đọc qua bản dịch tiếng Pháp. Nguyễn Tuân rất thích Tshekhov, có lẽ vì Tshekhov nhìn xã hội bê bối dưới lăng kính của một nhân chứng “buồn chán mà vui giỡn” (theo một nhà phê bình Nga). Theo L.Tolstoi, “Tshekhov là một trong những nhà văn hiếm hoi mà người ta muốn đọc truyện ngắn của mình lần thứ hai”. Maxime Gorki và Gide (Pháp) cũng thích ông.

Tshekhov (1860-1904).

Tshekhov sinh ra ở Taranrog, mất ở Đức. Ông là con một người buôn tạp hóa. Bố phá sản, ông tiếp tục học, vừa dạy tư để kiếm sống giúp gia đình. Từ 1880-1884, ông học y, sau đó làm bác sĩ. Ông là người cách tân sân khấu Nga thế kỷ 19. Tác phẩm của ông phản ánh cả một chặng đường lịch sử của nước Nga từ sau cải cách (1861) cho đến trước Cách mạng Nga lần thứ nhất (1905). Nghệ thuật sân khấu của ông mang lại nhiều cái mới: tính chất tâm lý, trữ tình, sau hành động có một làn sóng ngầm tâm lý đầy kịch tính. Ông đề cập đến những vấn đề nghệ thuật trong kịch Hải âu (1896), mâu thuẫn giữa mỹ học ăn bám và lao động sáng tạo thực sự. Cậu Va-nhi-a (1897) nói về những cố gắng uổng công để tìm ý nghĩa cuộc đời trong nước Nga hồi đó. Ba chị em (1901), sự tan rã của nước Nga cũ quý tộc, thế đương lên của giai cấp tư sản và thời cách mạng sắp bùng nổ: Vườn anh đào (1904). Ông trải qua ba giai đoạn sáng tác. Giai đoạn đầu cho đến giữa những năm 80, ông viết nhiều truyện hài hước, có nội dung xã hội sâu sắc, phê phán cái xấu xa của cuộc sống. Qua tiếng cười nghe rõ nỗi đau vì con người đã mất phẩm giá, nổi giận vì cuộc sống đê tiện, trống rỗng. Truyện Anh béo và anh gầy (1883), Cái chết của một viên chức (1883) chế giễu thói nịnh hót, ti tiện và quỵ lụy, tâm lý nô lệ, Con kỳ nhông, Lão quản gia Pri-si-bây-ép (1885) phê phán bộ máy quan liêu của cảnh sát Nga hoàng, Nỗi khổ (1885), Nỗi buồn (1885), Van-ka (1886) nói về những “con người nhỏ bé”, có cuộc đời tủi nhục, đắng cay. Giai đoạn hai từ giữa những năm 80, ông chuyển dần từ những truyện rất ngắn sang những truyện lớn hơn, truyện vừa, khai thác những đề tài sâu sắc hơn. Truyện Phòng số 6 là một trong những tác phẩm hay nhất và ảm đạm nhất. Giai đoạn ba, những năm 90, ông viết một loại truyện ngắn bác bỏ thuyết “không dùng bạo lực để chống điều ác” của Tolstoi, thuyết “việc nhỏ” của phái dân túy và những người áp dụng chủ nghĩa Darwin (1809-1882) vào lĩnh vực xã hội. Một số truyện ngắn khác phê phán tính chất thờ ơ của một bộ phận trí thức Nga: Người trong bao (1898) vạch mặt bọn đại tư sản ăn bám, Ba năm (1894), Một trường hợp trong nghiệp vụ (1898). Ông vạch trần ảo tưởng dân túy và những quan hệ tư bản ăn sâu vào thôn xóm Nga. Một số truyện đề cập đến vấn đề tình yêu và danh dự: Phu nhân có con chó nhỏ (1899), chống lại tính hoài nghi của giới tư sản. Ông thể hiện lý tưởng nhân đạo và xã hội của mình trong Một bà xốc nổi (1891), Người vợ chưa cưới (1903). Nhìn chung truyện của ông thường đơn giản về kết cấu nhưng nội dung xã hội sâu sắc, ngắn gọn, trau chuốt về phương diện ngôn ngữ và đã tái hiện cả nước Nga. Từ một hành động, sự việc có khi rất nhỏ nhặt, ông làm cho người đọc có thể rút ra những kết luận có tính chất triết lý xã hội về con người và cuộc đời.

Sau đây là một số điều suy nghĩ của Tshekhov (dịch qua bản Pháp văn):

Khi ta khát, dường như ta có thể uống cạn một đại dương - Đó là lòng tin. Chúng ta liền uống thì chỉ uống được một, hai cốc - Đó là khoa học.

Không có gì gắn chặt nhau bằng sự căm thù. Hơn cả yêu thương, tình bạn và sự ngưỡng mộ.

Nếu sợ cô đơn thì chớ có lấy vợ lấy chồng.

Tính độc đáo của một tác giả phụ thuộc vào suy nghĩ hơn là văn phong.

Nông dân luôn luôn “lao động” nhưng không bao giờ dùng từ ngữ ấy.

Chúng ta sẽ không sung sướng. Không có hạnh phúc đâu. Chúng ta chỉ có thể ước mong thôi.

Thầy lang (lang băm) cũng y như thầy cúng. Chỉ có cái khác là thầy cúng thì chỉ biết móc túi ta còn thầy lang không những móc túi ta mà còn cho ta về âm phủ.

Sống để rồi chết, thật chẳng hay ho gì. Nhưng sống mà biết mình chết yểu thì quả thật là ngu ngốc.

Họ lấy nhau làm vợ chồng vì cả hai người đều không biết đối với bản thân phải làm gì.

Giữa hai quan niệm là có hay không có Thượng đế là cả một khoảng mênh mông, người thực sự là hiền nhân phải trải qua một cách vất vả.

Trong vũ trụ, chỉ có trí tuệ là bất di bất dịch.

Cả hai đều đã được nói và hành động rồi. Không có nền văn chương nào có thể vượt qua cái trơ tráo của cuộc đời. Không thể làm cho say với một cốc rượu, đối với ai đã từng uống cả một thùng rượu.

Nếu người ta đưa anh uống một tách cà phê thì đừng cố gắng tìm ở đó mùi bia.

Muốn nếm cảm giác hạnh phúc thì phải mất số thời gian để lên dây cót đồng hồ.

Chúng ta không thể cho trái tim của ta hơn là túi tiền của ta.

Nghệ sĩ không được là phán quan đối với những nhân vật của mình và lời lẽ của họ, mà chỉ được là một nhân chứng vô tư.

Không nên có sự hiện diện của một khẩu súng trên sân khấu khi không có ai có ý định dùng súng.

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cao-thom-lan-gio-tshekhov-nghi-gi-n125461.html