Cảo thơm lần giở: Hồ Thích nghĩ gì?

Năm 1924, vào thời Pháp thuộc, khi bôn ba ở Trung Quốc, Phan Bội Châu có viết cuốn Thiên hồ, đế hồ! (Trời ơi, chúa ơi!) để lên án tội ác của thực dân Pháp.

Năm 1924, vào thời Pháp thuộc, khi bôn ba ở Trung Quốc, Phan Bội Châu có viết cuốn Thiên hồ, đế hồ! (Trời ơi, chúa ơi!) để lên án tội ác của thực dân Pháp. Hồ Thích đã viết bài tựa cho quyển sách, lời lẽ rất cảm động.

Từ điển Mỹ Benét’s Readers Encyclopedia đánh giá Hồ Thích là một trong những học giả hiện đại lớn nhất của Trung Quốc.

Hồ Thích (1891-1962).

Hồ Thích (Hu-Shih) (1891-1962) là nhà văn, nhà hoạt động văn hóa, tư tưởng, chính khách của Trung Quốc được giới trí thức phương Tây đề cao có phần vì ông viết một số tác phẩm bằng tiếng Anh. Năm 1919, ông tham gia phong trào Ngũ Tứ (phong trào văn học diễn ra trong một cuộc cách mạng tư tưởng phản phong 1917-1924. Ngày 4/5/1919 (Ngũ Tứ) là ngày nổ ra cuộc đấu tranh của học sinh Bắc Kinh. Ông du học ở Mỹ, ban đầu học canh nông, sau chuyển sang văn và triết. Về nước, ông kêu gọi dùng bạch thoại (văn nói) thay văn ngôn cổ khó hiểu để sáng tác. Ông chủ trương tự do hôn nhân và giải phóng phụ nữ. Những tác phẩm bạch thoại của ông đặt ông vào một trong ba đại biểu lừng lẫy nhất của thời Ngũ Tứ cùng Lâm Ngữ Đường và Lỗ Tấn. Ông giảng dạy ở Trường đại học Bắc Kinh và các nước Âu Mỹ. Ông từng làm đại sứ ở Mỹ. Năm 1948, ông làm người phát ngôn của Trung Hoa dân quốc. Năm 1958, ông trở về Đài Loan, ra tranh cử Tổng thống nhưng không thành. Ông lại sang Mỹ sinh sống và mất tại đó. Những năm 1950, ở Trung Quốc có cuộc “đại phê phán” quan điểm triết học và văn chương của Hồ Thích.

Ông là đồ đệ của triết gia Mỹ Dewey (đại diện cho chủ nghĩa thực dụng) và ông quảng bá chủ nghĩa này trong học thuật Trung Quốc. Ông chủ trương điều hòa giai cấp, coi đó là động lực phát triển xã hội.

Những tác phẩm chính của ông là: Lịch sử đích văn học quan niệm luận, Kiến thiết văn học cách mạng luận, tập thơ Thường thí tập, vở kịch Chung thân đại sự, Lịch sử văn học bạch thoại, Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc.

Sau đây là một số tư duy của Hồ Thích:

Một yếu tố lịch sử khác là cái tôn giáo rất đơn giản ấy sau đó lại được đơn giản hóa hơn nữa và làm cho thanh khiết hơn bởi những triết gia đầu tiên của Trung Quốc. Triết gia lớn nhất đầu tiên là người sáng lập chủ nghĩa tự nhiên. Và triết gia lớn thứ hai của chúng ta là một vị chủ trương bất khả tri.

Ấn Độ chinh phục và ngự trị Trung Quốc về mặt văn hóa trong vòng hai mươi thế kỷ mà không đưa một binh sĩ nào qua biên giới.

Sau khi học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thì những người thầy tu theo dòng Tin (Jesuits) bắt đầu liên hệ với những trí thức trẻ của đất nước ta.

Và những cuộc cách mạng bao giờ cũng muốn lật đổ chính quyền cũ.

Nhưng tôi muốn chứng minh rằng: thật sai lầm khi bảo là người Trung Quốc không có tâm khảm tôn giáo.

Đứng về phương diện lịch sử, đã có nhiều giai đoạn Phục hưng ở Trung Quốc.

Khổng Tử là một nhà nhân văn có khuynh hướng bất khả tri.

Không một nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc nào có thể nói rằng người Trung Quốc không có khả năng trải nghiệm tôn giáo, ngay cả khi nhận xét theo quan điểm thời Trung cổ châu Âu hay tôn giáo Ấn Độ.

Chỉ khi nào ta nhận thức được rằng không có chân lý vĩnh viễn, bất di bất dịch thì khi ấy trong ta mới thức tỉnh ý thức về trách nhiệm của người trí thức.

Cuộc sống và xã hội của con người là mối quan tâm của Khổng học và qua đó là mối quan tâm của nhân dân Trung Quốc.

Người Trung Quốc trải qua đủ loại thăng trầm trong sự phát triển tôn giáo.

Đúng là người Trung Quốc không mộ đạo bằng người Ấn Độ hay người Nhật Bản và chắc chắn là họ không mộ đạo đến mức mà những nhà truyền đạo giáo Thiên chúa mong muốn họ đạt được.

Thực tế thì tất cả những người lãnh đạo tư tưởng Trung Quốc hiện nay rõ ràng có tính chất bất khả tri và vô thần.

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/cao-thom-lan-gio-ho-thich-nghi-gi-n124944.html