Cao lương đỏ - một chuyển thể điện ảnh ngoạn mục

Tiểu thuyết 'Hồng cao lương gia tộc' của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim truyện điện ảnh từ năm 1987, với tên 'Cao lương đỏ'.

Tiểu thuyết “Hồng cao lương gia tộc” của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim truyện điện ảnh từ năm 1987, với tên “Cao lương đỏ”.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi khi thực hiện Cao lương đỏ.

Phim đã đoạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải thưởng cao quý như Giải Gấu vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin... giúp điện ảnh Trung Quốc bước ra thế giới. Cao lương đỏ là một chuyển thể điện ảnh ngoạn mục mà các nhà làm phim giờ đây vẫn thán phục.

Bộ phim lấy miền quê Cao Mật, miền Nam Trung Hoa, với những cánh đồng cao lương đỏ khổng lồ, bạt ngàn, làm không gian. Thời gian xảy ra câu chuyện là thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX, giáp những năm Nhật bắt đầu xâm chiếm Trung Quốc và người dân nơi dây đã đứng lên chống trả quyết liệt với một tinh thần bất khuất đầy bi tráng.

Về tiểu thuyết “Hồng cao lương gia tộc”, nhiều nhà lý luận văn học cho rằng bằng lối viết phân mảnh rời rạc, cắt ghép trong cấu trúc của cốt truyện, cuốn sách rất gần với thủ pháp dòng ý thức của văn chương hiện đại.

Mạc Ngôn không tái tạo một hiện thực đã qua trong ý nghĩa thông thường mà tái tạo một hiện thực mang màu sắc huyền thoại. Chính vì vậy, “Hồng cao lương gia tộc” phảng phất tinh thần lãng mạn và gây chút mộng ảo trong người đọc. Vì thế mà nội dung nói về chiến tranh nhưng không khí truyện trở nên tĩnh tại, nhẹ nhàng hơn.

Kiểu tự sự như vậy mà chuyển sang “lãnh địa” điện ảnh thường gặp khó khăn. Nhưng Trương Nghệ Mưu cùng các nhà biên kịch đã vượt qua cái rào cản giữa văn học và điện ảnh ấy một cách ngoạn mục. Các trường đoạn trong phim tỏ ra rất mạch lạc, khi ẩn khi hiện, khi kĩ lưỡng, khi lướt qua, tạo ra sự đồng sáng tạo của người xem.

Trong phim, hình ảnh cánh đồng cao lương đỏ từ nhiều góc máy, là không gian cho nhiều đại cảnh đã trở thành thủ pháp điện ảnh làm nền cho các kí ức được phục hiện.

Về lời thoại, cũng giống như nhiều phim điện ảnh xuất sắc khác, “Cao lương đỏ” rất kiệm lời. Một trong những thành công lớn của Trương Nghệ Mưu là để các diễn viên diễn xuất bằng nét mặt, ánh mắt, cử chỉ…

Người xem từng được chứng kiến ánh mắt, nét mặt, từ cái nhìn ánh lên vẻ si mê thầm kín của Cửu Nhi (Củng Lợi sắm vai) khi ngắm nhìn tấm lưng trần vạm vỡ của Dư Chiêm Ngao; từ nét mặt giả vờ nghiêm khắc, giận dữ, cố tình che lấp tình cảm bên trong của cô khi Dư Chiêm Ngao xuất hiện ở xưởng rượu…

Không một lời thoại nhưng khán giả vẫn cảm nhận được đầy đủ tâm lí thật của nhân vật. Ta luôn gặp lối diễn xuất như vậy rải rác trong nhiều cảnh phim.

Một thành công nữa của “Cao lương đỏ” là việc sử dụng tông màu chủ đạo trong phim. Gam màu đem lại những tình cảm thẩm mỹ sâu đậm nhất cho người xem là mầu đỏ: Màu đỏ chiếc kiệu, quần áo, khăn, hài cô dâu… Rồi màu đỏ của bông cao lương, con đường, bầu trời, rượu…

Đáng chú ý nhất là màu đỏ ở cuối phim, cảnh hai cha con Dư Chiêm Ngao còn sống sót, ánh mắt tóe lửa nhìn trời, thì bất ngờ một màu đỏ như máu độc chiếm màn ảnh, tạo ra một hiện cảnh đau thương, đầy bi kịch nhưng cũng vô cùng bất khuất.

Màu đỏ như nói hộ những người làm phim về tinh thần quật khởi của người dân Cao Mật, những con người dù phải trải qua bao đau thương nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước mọi nghịch cảnh, trước kẻ thù… Đó cũng chính là tư tưởng lớn của các tác giả trong “Cao Lương đỏ”.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202401/cao-luong-do-mot-chuyen-the-dien-anh-ngoan-muc-92007b2/