'Cào bùn' tìm đường đến lớp sau siêu bão

Sau khi bão số 10 gây thiệt hại lớn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, những ngày này công tác khắc phục hậu quả được các địa phương, người dân và đơn vị triển khai để sớm ổn định cuộc sống.

Mái nhà của Trường Mầm non Quảng Đông bị gió bão thổi bay hoàn toàn. Ảnh: LÊ PHI LONG

Giữa bộn bề đổ nát là mái tôn, cửa kính, tường bêtông, ngành giáo dục các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã và đang dốc sức để việc học của học sinh không bị gián đoạn. Những nơi mà chúng tôi đi qua, thiệt hại vẫn còn ngổn ngang như bãi chiến trường, nhưng tiếng trống đã cất lên, giờ học ê a vẫn đều đặn. Nhưng, nếu không được tiếp sức, nhiều ngôi trường với hàng ngàn học sinh, giáo viên sẽ khó vực dậy được, bởi cơ ngơi bao năm xây dựng giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Hết siêu bão này, đến siêu bão khác...

Gần một năm trước, vào tháng 10.2016, trận lũ lớn đã nhấn chìm nhiều trường học ở tỉnh Quảng Bình. Thiên tai năm đó lấy đi nhiều tài sản của ngành giáo dục quê hương Hai giỏi, nhưng vẫn chừa lại “bộ khung” là những ngôi trường, những mái ngói, mái tôn, bàn ghế... Để rồi khi nước lũ rút, học sinh, giáo viên, chính quyền tổng lực xắn tay khắc phục, dần dần vượt qua khó khăn. Nhưng thử thách lại một lần nữa xảy ra, khi cơn bão số 10 “ghé thăm” Quảng Bình. Bây giờ, về lại những ngôi trường đợt trước ngập trong nước, dù trời nắng chang, chẳng có hột mưa nào nhưng nước mắt lại một lần nữa lăn dài trên gò má của những người làm giáo dục.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, nằm dưới chân đèo Ngang - dẫn chúng tôi đi dọc 16 phòng học của trường. Mới bắt đầu câu chuyện, đôi mắt buồn bã, mệt mỏi của cô Huệ đã tuôn hai hàng nước mắt: “Rứa là mất hết rồi. Thành quả của bao năm phấn đấu và xây dựng, khó khăn lắm tập thể giáo viên nơi đây mới có được cơ sở vật chất tương đối cho học sinh nghèo, vậy mà mất hết rồi”. Nghe cô giáo nói, anh bạn đồng nghiệp đi cùng chúng tôi buột miệng: “Đúng là đang nghèo mà gặp đèo Ngang”!.

Nhìn cơ ngơi “bao năm phấn đấu và xây dựng” của Trường Mầm non xã Quảng Đông bây giờ, ai cũng xót lòng. 16 phòng học không cái nào lành lặn, mái bị thổi bay, trần nhà chỗ có chỗ không, bàn ghế, tủ giường và đồ chơi của các cháu còn cũng như không, chẳng thể vớt vát được. Cảnh tượng này, không chỉ xảy ra ở ngôi trường, mà những ngôi nhà ở khu dân cư, những hàng cây ven đường... đâu cũng ngổn ngang, đâu cũng như vừa trải qua chiến sự.

Cũng như ở Trường Mầm non Quảng Đông, Trường THPT Quang Trung (huyện Quảng Trạch) là nơi bị thiệt hại rất nặng. Toàn bộ hệ thống các dãy nhà lớp học bị tốc mái, hầu hết cửa kính bị vỡ nát; cây xanh trên sân trường gãy, đổ trơ trụi; hệ thống tường rào đổ sập hàng trăm mét. Xót xa hơn nữa, khi khu nhà công vụ giáo viên của trường bị tốc mái hoàn toàn, nên hầu hết tài sản của giáo viên đều đi theo siêu bão. Ở ngôi trường này, có 1.660 học sinh của 9 xã vùng Roòn với 42 lớp học, phần lớn học sinh nơi đây là con em ngư dân tại địa phương. Sau khi bão tan, tập thể giáo viên nhà trường đã phải dồn hết sức để dọn dẹp và dồn phòng cho học sinh kịp đến lớp. Các thầy cô giáo chia sẻ: “Học sinh nơi đây chiếm phần nhiều là con em ngư dân, cách đây hơn một năm đã khổ vì sự cố ô nhiễm môi trường biển, giờ lại chậm đến lớp vì thiên tai, khổ lắm, khó khăn chồng chất khó khăn”...

Mái nhà của Trường mầm non xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị gió bão thổi bay hoàn toàn đang được lợp lại. Ảnh: LÊ PHI LONG

Sờ đâu cũng thấy thiệt hại

Ông Đinh Quý Nhân - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Bình - nghẹn ngào thông báo, bão số 10 đã khiến 527 trường học tại Quảng Bình bị ảnh hưởng với 495 phòng học bị thiệt hại. Tổng số tiền thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 205 tỉ đồng, nặng nhất là các trường ở vùng tâm bão huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá. Ngay sau khi bão tan, ngành giáo dục đã bắt tay ngay vào việc khắc phục, đến nay 100% các trường cấp 3 trên toàn tỉnh đã cho học sinh đến lớp. Tuy nhiên, do “sức người” có hạn, các trường cấp 2, tiểu học, mầm non bị hư hỏng nặng chưa thể vực dậy được, nên học sinh chưa thể đến lớp để học được. Cụ thể, tại huyện Quảng Trạch có 17 trường, huyện Tuyên Hóa có 9 trường, huyện Minh Hóa có 15 trường. Ông Nhân bùi ngùi: “Hiện tại các trường học đều phải dồn lớp, cho các em học tạm trong điều kiện cơ sở vật chất chưa được khắc phục hoàn thiện. Sợ nhất là trời mưa lại, khi đó cơ sở vật chất tiếp tục bị hư hỏng, các em lại không thể đến trường đầy đủ được. Ngành GDĐT Quảng Bình cần lắm những sự sẻ chia và hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm” - ông Nhân tha thiết.

Còn ở tỉnh Quảng Trị, dù không phải nơi tâm bão số 10 đi qua, nhưng ngành giáo dục địa phương cũng gánh chịu thiệt hại. TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị - cho biết, thống kê ban đầu toàn ngành giáo dục tỉnh bị thiệt hại hơn 3,4 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là các trường học bị tốc mái phòng học, sụt lún móng nhà, cây xanh gãy đổ. Nặng nhất là ở huyện Vĩnh Linh với 15 trường bị thiệt hại ước tính trên 2 tỉ đồng. Đơn cử như tại Trường Tiểu học Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), dãy nhà hiệu bộ bị tốc mái, nhiều tài sản bị hư hỏng...

Theo bà Hương, do “sống chung” với bão nhiều năm, nên khi đối phó với thiên tai, các trường học đã tiến hành che chắn, chằng chống các công trình, nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể. Ngay khi bão quét qua, ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đã đến những nơi bị thiệt hại để nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất để công tác dạy học triển khai ngay sau bão. Bão tan, ngành giáo dục tỉnh đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, từ địa phương, các ban ngành trên địa bàn nên các thiệt hại được khắc phục trong ngày 18.9 (thứ 2), việc dạy học ở Quảng Trị không có gián đoạn. “Hiện tại chúng tôi đã cơ bản khắc phục các thiệt hại, tuy nhiên cơ sở vật chất bị hư hỏng, xuống cấp ở các trường sẽ rất khó có nguồn vốn để tái đầu tư” - bà Hương cho hay.

Tại Hà Tĩnh, thiệt hại do bão số 10 đã khiến nhiều trường bị tốc mái, hư hỏng. Sáng 18.9, toàn tỉnh vẫn đang còn 56 trường mầm non chưa dạy trở lại được. Trong đó, toàn bộ 12/12 trường mầm non ở thị xã Kỳ Anh đang nghỉ học, 21/21 trường mầm non ở huyện Kỳ Anh, 23/27 trường mầm non ở huyện Cẩm Xuyên. Thiệt hại thống kê ban đầu của ngành giáo dục Hà Tĩnh vào khoảng 100 tỉ đồng.

Cần sự tiếp sức

Chiều ngày 18.9, giữa những ngổn ngang do siêu bão số 10 gây ra tại tỉnh Hà Tĩnh, PV Báo Lao Động cùng các đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và đồng chí Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên những người lao động bị thiệt hại do bão. Trong số những địa chỉ mà chúng tôi ghé thăm, có hoàn cảnh của cô giáo Nguyễn Thị Hải. Cô Hải là giáo viên Trường Tiểu học Kỳ Thịnh 1 (xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Hôm bão số 10 “ghé thăm”, không chỉ gây thiệt hại ở các ngôi trường, mà ngôi nhà của cô Hải cũng bị bay mất mái.

Bão qua đã 3 ngày, nhưng vì bận bịu ba con nhỏ, chồng đi làm ăn xa nên mái nhà của cô Hải vẫn trống trải. Đứng ở trong nhà, ngửa mặt lên vẫn thấy một bầu trời xanh, thấy cảnh này, không ai trong đoàn giấu được xúc động. Đón nhận phần quà 2 triệu đồng của tổ chức Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh, cô Hải run run, rồi òa khóc: “Nhà em cảm ơn tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đã đến, đã hỗ trợ và chia sẻ khó khăn này. Quà nhận được, em sẽ mua thêm vật liệu, lợp lại mái nhà cho chắc chắn để sớm ổn định cuộc sống và an tâm công tác”. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh nói với cô Hải rằng, trước mắt tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đến động viên và trao phần quà nhỏ. Tới đây, Công đoàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khâu nối, kêu gọi để có sự quan tâm, hỗ trợ thêm từ các tổ chức, nhà hảo tâm khác để gia đình cô bớt khó khăn.

Và tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, những nơi mà chúng tôi đến, còn rất nhiều hoàn cảnh là người lao động, là những giáo viên, những ngôi trường ở vùng khó rơi vào cảnh đứng ở nhà, ở trường nhưng ngửa mặt nhìn thấy trời xanh. Vì vậy, sẽ cần rất nhiều những món quà nhỏ, những lời động viên và sự “khâu nối” như lời hứa hẹn của đồng chí Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thanh, mới có thể vực dậy những số phận khốn khó sau cơn siêu bão số 10 .

Đi nhiều nơi, ghé nhiều chỗ, đứng giữa một trời khó khăn như hiện tại, sẽ rất cần sự hỗ trợ để những giáo viên, học sinh “đang nghèo gặp đèo Ngang” có thêm động lực để “cào bùn” tìm đường đến lớp.

Chúng tôi sẽ trở lại với cô Hải, với những trường mầm non, những phòng học, phòng ở của học sinh, thầy cô mà “ngửa mặt thấy trời xanh” và mang theo rất nhiều ân tình, tấm lòng hảo tâm của bạn đọc. Chắc chắn thế!

HÃY NHẮN TIN “BL” GỬI 1407 ĐỂ ỦNG HỘ 20.000Đ GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH BỊ THIỆT HẠI TRONG BÃO LŨ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/cao-bun-tim-duong-den-lop-sau-sieu-bao-565324.ldo