Cạnh tranh không lại OTT, Viettel muốn giảm cước thoại

(TBKTSG Online) - Doanh thu sụt giảm do thị trường có nhiều ứng dụng gọi điện nhắn tin miễn phí (OTT) như Viber, Zalo..., và nhằm hỗ trợ khách hàng trong thời buổi kinh tế khó khăn, mạng di động Viettel đã đề nghị giảm giá cước điện thoại di động. Nếu đề nghị này được thực hiện mỗi năm Viettel sẽ giảm doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng.

Vân Oanh

Viettel muốn xin giảm cước di động. Ảnh: Vân Ly

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 6 tháng của Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức vào hôm nay ngày 7-7, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel đã kiến nghị Bộ cho phép doanh nghiệp này được giảm cước dịch vụ thoại trên di động.

Cụ thể, mạng này đề nghị áp dụng chính sách "một giá cước", không phân biệt cước gọi nội mạng và ngoại mạng như hiện nay (mức cước gọi từ thuê bao Viettel sang thuê bao của mạng khác đang cao hơn gần 13 % so với gọi nội mạng).

"Viettel muốn áp dụng cách tính cước đồng giá gọi nội và ngoại mạng nhằm giúp khách hàng dễ nhớ giá cước, hỗ trợ khách dùng di động trong thời buổi khó khăn như hiện nay và cũng để cạnh tranh với dịch vụ OTT. Dịch vụ OTT đang gây sức ép mạnh đối với dịch vụ thoại nên nếu không giảm cước dịch vụ thoại thì sẽ khó có thể kích thích người dùng sử dụng dịch vụ,” ông Sơn nói.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề sự kiện trên, ông Sơn cho biết nếu áp dụng mức cước gọi nội và ngoại mạng như nhau thì mỗi năm Viettel sẽ thất thu khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Viettel hy vọng việc giảm giá cước sẽ khuyến khích người dùng gọi nhiều hơn và khoản doanh thu bị giảm sẽ được bù đắp phần nào.

Về kiến nghị của Viettel, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, giá cước là do doanh nghiệp viễn thông quyết định miễn không được bán dịch vụ dưới giá thành, tránh tình trạng doanh nghiệp phá giá thị trường.

“Bộ luôn yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động để xem đó là cơ sở để phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước, giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành,” ông Hải nói.

Một mặt đề xuất giảm giá dịch vụ thoại 2G, ông Sơn từ Viettel cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp giữ nguyên giá dịch vụ 3G mà không tăng trong năm nay. Theo ông Sơn hiện lượng thuê bao 3G đang tăng do xu hướng dịch chuyển sử dụng 2G sang 3G của người dùng.

Bình luận về kiến nghị trên, các chuyên gia viễn thông cho rằng, nếu Viettel được giảm giá cước di động theo đề xuất trên sẽ tác động lớn tới thị trường viễn thông. Nếu các nhà mạng khác nếu không đưa ra giá cước cạnh tranh sẽ khó giữ chân được khách hàng.

Thêm nữa, các chuyên gia còn cho rằng, Việt Nam dần sẽ đi theo xu hướng phát triển của viễn thông thế giới. Tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… cước dịch vụ viễn thông di động chủ yếu tính cho cước dữ liệu 3G, 4G, dịch vụ thoại gần như được miễn phí. Tuy nhiên có lẽ Việt Nam phải đến năm 2020 mới bắt kịp được xu hướng đang diễn ra tại các quốc gia phát triển này.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/117182/