Cảnh sát kiểm tra, nhiều tàu chở cát 'dừng hình' không chạy

Sau tuyến bài phản ánh của báo Tiền Phong về việc nhiều tàu thuyền có dấu hiệu chở cát quá tải trên sông Hồng, sông Đuống, ngày 19/5 Cảnh sát đường thủy Hà Nội đã triển khai kiểm tra trên sông Hồng đoạn qua cảng Chèm. Nhiều chủ tàu đã đối phó với nhiều cách khác nhau.

Thời điểm 15h chiều 19/5, tại khu vực bến đò Liên Trung (huyện Đan Phượng) tổ công tác do Trung tá Bùi Anh Dũng, Tổ trưởng Tổ tuần tra, Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội - PC08) đã dùng xuồng máy tiến hành kiểm tra các tàu thuyền di chuyển trên lưu vực sông đoạn từ bến đò Liên Trung đến cảng Chèm (Bắc Từ Liêm).

Cảnh sát đường thủy số 1 kiểm tra phát hiện tàu chở cát VP-2119 có công suất chở gần 1.000 tấn cát nhưng không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc.

Tại đây tổ tuần tra đã kiểm tra sà lan mang biển kiểm soát VP- 2486 do ông Trần Kim Long (trú tại Sơn Đồng, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) làm thuyền trưởng. Ông Long cho biết, thuyền có tải trọng 1.558 tấn, hiện đang chở cát về hướng Hưng Yên. Tại thời điểm kiểm tra, chủ tàu đã xuất trình được đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn, đủ số thuyền viên, đúng tải trọng. Tuy nhiên, chủ tàu không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa là cát vàng phục vụ xây dựng trên tàu. Quan sát trọng tải của tàu và số hàng được chở là đầy các thùng chứa, tại thời điểm hành trình được kiểm tra tàu đã chở khoảng 1.400 tấn cát nhưng không xuất trình được hóa đơn, nguồn gốc hàng chở. Tổ công tác đã dừng hành trình của tàu và yêu cầu đánh vào bãi tạm giữ để chờ xử lý.

Cảnh sát đường thủy Hà Nội tuần tra, phát hiện nhiều tàu chở hàng đứng thành nhóm không di chuyển khi biết có kiểm tra.

Tiếp đó đoàn đã tiến hành dừng và kiểm tra sà lan máy mang biển kiểm soát VP-2119 do ông Nguyễn Xuân Tài (SN 1980, trú tại Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng xuất trình được đăng ký, đăng kiểm còn hạn. Tuy nhiên, một thuyền máy không có mặt trên tàu. Với số hàng là chở cát khoảng theo số đăng kiểm là 986 tấn sà lan được phép chở (tại thời điểm kiểm tra tàu đã chở đầy các thùng chứa) ông Tài cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Đoàn kiểm tra cho biết, sẽ lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi không có đủ thuyền viên trên tàu. Với lỗi chưa có đủ thành viên để vận hành tàu, hàng chở kèm theo không có hóa đơn chứng từ, tổ công tác đã yêu cầu đánh phương tiện về bãi tạm giữ, chờ xử lý các lỗi vi phạm.

Gần 70% tàu kiểm tra bị tạm giữ

Sau khi tổ công tác xử lý được khoảng 4, 5 trường hợp thì mặt nước sông hồng đoạn qua bến đò Liên Trung bỗng vắng lặng tàu thuyền qua lại. Sử dụng thiết bị quan sát từ xa, trong đó có flycam, tổ công tác phối hợp phát hiện, nhiều tàu đã chở hàng phía thượng nguồn (hướng Hòa Bình, Sơn Tây) chạy về đến gần bến đò Liên Trung thì quay ngang trên sông đứng yên một chỗ, một số tàu khác dạt vào sát bờ đứng tụm cạnh nhau từ 2, 3 chiếc. Phán đoán các lái tàu có thể phát hiện ra tổ công tác đang kiểm tra, xử lý ở bến Liên Trung, một tổ công tác khác do đại úy Đặng Quỳnh làm tổ trưởng được tăng cường với vai trò tuần tra đã chạy xuống máy về phía thượng nguồn.

Đội tuần tra tăng cường chiều 19/5, do trung tá Quách Thanh Hội, Đội phó Đội Cảnh sát đường thủy số 1 chỉ huy, phát hiện tàu BN-2032 quay ngang không chạy, lên kiểm tra phát hiện tàu vừa hết đăng kiểm vừa không xuất trình được hóa đơn hàng hóa (cát).

Tại đây ông Quỳnh và tổ công tác đã phát hiện nhiều tàu quay ngang theo dòng nước chảy xuôi để đứng yên, không di chuyển. Lên tàu biển kiểm soát BG-0243 có trọng tải 1050 tấn, lượng hàng được phép chở 1.037 tấn, do ông Nguyễn Văn Đặng làm thuyền trưởng để kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra ông Đặng cho biết tàu đã hết hạn đăng kiểm; toàn bộ số hàng là cát xây dựng tàu chở theo cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ xuất xứ.

Kiểm tra tiếp tàu BN-2032, trọng tải toàn phần 1.050 tấn, hàng chở 1.037 tấn đơn vị chủ tàu là Cty TNHH HT Huy Thanh (địa chỉ tại xã Trung Kiên, Lương Tài, Bắc Ninh), tổ công tác cũng phát hiện, tại thời điểm kiểm tra lái tàu cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa là cát xây dựng chở theo.

Trong chiều 19/5, tổ công tác đã trực tiếp lên tàu kiểm tra tổng cộng được 6 trường, trong đó phát hiện 4/6 (gần 70%) trường hợp tàu, sà lan vi phạm lỗi hết đăng kiểm, tàu vận hành thiếu người theo quy định, chở cát nhưng không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc... Cả 4 trường hợp vi phạm đều được Đội Cảnh sát đường thủy số 1 tạm giữ để tiến hành kiểm tra, xử lý tiếp.

Liên quan đến tuyến bài “Nhiều tàu thuyền chở quá tải vẫn lọt chốt kiểm tra trên sông" đăng tải trên Tiền Phong tuần qua, Đội Cảnh sát đường thủy số 1, PC08 Hà Nội cũng vừa có văn bản phản hồi.

Văn bản của Đội Cảnh sát đường thủy số 1 cho biết, từ đầu năm 2023 đến ngày 15/5/2023 Đội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kết quả đã kiểm tra, xử lý 713 trường hợp phạt thành tiền trên 1,4 tỷ đồng, trong đó đơn vị đã xử lý 542 (76%) trường hợp vi phạm chở hàng hóa qua vạch dấu mớn nước an toàn.

Với danh sách các phương tiện quý báo phản ánh; đơn vị đã tiến hành rà soát số hồ sơ xử lý vi phạm, kết quả đã xử lý đối với 24 phương tiện có biển số: VP-1696, VP-1839, NB-8258, PT-2032, NB-6852, NĐ-3953, BN-1499, NB-8198, NĐ-3602, PT-1206, NĐ-3593, NĐ-3861, VP-1990, NĐ-3303, NĐ- 3729, NĐ-2966, VP-2075, VP-2255, VP-1540, NB-8998, PT-2617, HD-6538, HN-2287, PT-2619. Các phương tiện này có các hành vi vi phạm về chở hàng hóa quá tải và các hành vi khác; cá biệt có phương tiện đã bị xử lý nhiều lần với các lỗi vi phạm khác nhau.

“Trong thời gian tới Đội Cảnh sát đường thủy số 1 tổ chức tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các các trường hợp chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, vi phạm về nồng độ cồn”, văn bản khẳng định.

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-sat-kiem-tra-nhieu-tau-cho-cat-dung-hinh-khong-chay-post1535997.tpo