Cảnh hút thuốc lá trên phim nguy hiểm ngang cảnh bạo lực

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ dễ bắt chước hút thuốc giống các nhân vật trong phim. Vì vậy, nhiều người cho rằng, những phim có cảnh hút thuốc nên bị xếp vào hạng cấm trẻ em giống như các phim có cảnh bạo lực.

Tiến sĩ Stanton Glantz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục về Kiểm soát Thuốc lá thuộc Đại học California, San Francisco cho hay: "Có mối liên hệ giữa việc chứng kiến hành vi hút thuốc và việc hút thuốc. Càng nhìn thấy hình ảnh hút thuốc nhiều, khả năng trẻ hút thuốc sẽ càng cao”.

Ông khẳng định: “Có bằng chứng cho thấy các hình ảnh hút thuốc trên phim có khả năng kích thích hành vi hút thuốc. Nó còn lấn át cả lợi ích của việc cha mẹ không hút thuốc để làm gương cho con. Nó cũng có sức mạnh ngang hàng hoặc thậm chí hơn cả quảng cáo thuốc lá”.

Ông Glantz cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu cho thấy các bộ phim thịnh hành bây giờ có quá nhiều cảnh hút thuốc.

Ảnh minh họa.

Ông nói rằng các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng nếu bạn kiểm soát được tất cả các yếu tố nguy cơ khác của việc hút thuốc, thanh thiếu niên xem nhiều cảnh hút thuốc trên phim vẫn có khả năng hút thuốc cao gấp từ hai đến ba lần so với những em ít hoặc không xem cảnh hút thuốc trên phim.

Những trẻ có cha mẹ hút thuốc có khả năng hút thuốc cao hơn. Tuy nhiên, việc xem những hình ảnh hút thuốc trên phim có thể làm mất đi lợi ích của việc cha mẹ không hút thuốc. Một nghiên cứu của Trung tâm thông tin Quốc gia Mỹ về Công nghệ sinh học và Sức khỏe (NCBI) cho thấy, trẻ có cha mẹ không hút thuốc nhưng lại bị “phơi nhiễm” nhiều cảnh hút thuốc trên phim cũng có khả năng hút thuốc bằng với những trẻ có cha mẹ hút thuốc.

Tiến sĩ Glantz và nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu về chủ đề này nhấn mạnh, hút thuốc lá trong phim là "môi trường độc hại", một yếu tố gây nguy hiểm cho trẻ em.

Tiến sĩ Glantz nhấn mạnh: "Không có lý do gì để tiếp tục có cảnh hút thuốc trong những bộ phim trẻ em được phép xem. Chúng ta nên có mục tiêu chính sách là không có cảnh hút thuốc trong những bộ phim trẻ em được phép xem”.

Theo ông, các phòng chiếu nên cắt các cảnh hút thuốc. Các hệ thống đánh giá phim nên coi những cảnh hút thuốc là điểm trừ của phim. Nếu phim nào có cảnh hút thuốc thì nên được xếp hạng R (phim không dành cho trẻ em).

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật Mỹ, việc bỏ các cảnh hút thuốc trên phim có thể cứu tới 18% trong tổng số 5,6 triệu người trẻ hiện nay khỏi nguy cơ bị chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Tiến sĩ Glantz nói: "Không có việc gì rẻ tiền hơn mà cứu được nhiều sinh mạng hơn việc cấm các cảnh hút thuốc trên phim”.

Ông khẳng định, nghiên cứu ở 17 quốc gia khác nhau với các chính sách và văn hóa khác nhau đều cho kết quả tương tự rằng, trẻ thường xuyên xem cảnh hút thuốc trên phim sẽ có nguy cơ hút thuốc cao hơn từ hai đến ba lần so với trẻ khác.

Tại Việt Nam, các tác phẩm sử dụng hình ảnh có liên quan đến thuốc lá cũng bị hạn chế ở mức tối đa. Thông tư số 02/2014/TT-BVHTTDL quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh bởi những hình ảnh này có thể tác động tới người xem, kích thích người xem hút thuốc. Đồng thời cũng có thể là những hình ảnh quảng bá trá hình của các công ty thuốc lá.

Theo đó, thông tư quy định hạn chế hình ảnh sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh (bao gồm cả tác phẩm sân khấu, điện ảnh được phát sóng trên truyền hình); hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư quy định không thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh hành vi bị nghiêm cấm và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 9 và Điều 13 của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá; Không sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em.

Chỉ sử dụng hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh trong các trường hợp: Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; Tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; Phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá; Các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nghệ thuật.

Khi sử dụng thuốc lá trên sân khẩu, diễn viên không thực hiện hành vi hút thuốc thật trên sân khấu; Trường hợp phim có nhiều hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của Hội đồng thẩm định thì trước hoặc trong khi chiếu phim phải có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh và được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi.

PHẠM KHÁNH (Tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/canh-hut-thuoc-la-tren-phim-nguy-hiem-ngang-canh-bao-luc-post240274.info