Cảnh giác với nạn trộm cắp xe máy của người dân đi làm đồng

Những năm gần đây, nhiều người dân để xe máy trên đường rồi xuống ruộng làm đồng. Lợi dụng lúc mọi người làm việc không để ý, các đối tượng đã nhanh chóng phá khóa rồi trộm xe bỏ trốn.

Người dân đi làm đồng cần khóa xe máy cẩn thận, không để đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi trộm cắp. (ảnh chụp tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn).

Sự việc xảy ra vào khoảng 9 giờ ngày 19/6/2021, Bùi Văn Đ., sinh năm 1997, trú tại xã Cán Khê (Như Thanh) đang đi bộ trên trục đường bê tông nội đồng của xã Cán Khê thì thấy chị Bùi Thị T., sinh năm 1975 đang dúi phân dưới ruộng. Chị T. đi làm đồng bằng xe máy và để xe ở bên phải đường, cạnh cột điện, đầu xe hướng ra đường chính, cách chỗ chị làm khoảng 10m, ổ khóa xe có cắm sẵn chìa khóa.

Thấy chị T. để chiếc xe máy sơ hở, bản thân lại không có tiền tiêu xài nên Đ. đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe máy. Đ. đi lại gần chiếc xe máy, bật khóa ngồi lên xe, đá chân chống rồi đề máy. Nghe thấy tiếng động, chị T. ở dưới ruộng nhìn lên thấy Đ. lấy xe thì hô hoán trộm xe. Nghe vậy, Đ. vít ga, phóng xe bỏ chạy theo hướng ra đường chính. Một số người cùng thôn đang làm đồng gần đó thấy vậy cũng hô hoán, lùa theo, nhưng không kịp.

Sau khi chiếm đoạt được xe máy, Đ. mang xe cùng giấy đăng ký xe máy và 2 bằng lái (của chị Bùi Thị T. và anh Quách Văn H. - chồng chị T.), được chị T. để trong cốp xe đến tiệm vàng của gia đình ông Nguyễn Duy T. ở huyện Triệu Sơn để cắm lấy 4.500.000 đồng tiêu xài cá nhân.

Một trường hợp khác, sáng 19/1/2022, Bùi Văn D., sinh năm 1989 ở huyện Như Thanh rủ Trần Văn T., sinh năm 1974, ở huyện Yên Định đến nhà D. để chơi và ăn cơm. Sau khi ăn uống xong, đến khoảng 14 giờ cùng ngày D. lấy xe máy chở T. về nhà. Khi đi qua cánh đồng trên địa bàn huyện Như Thanh, T. thấy 1 chiếc xe máy của ông Tống Văn B., sinh năm 1966, ở huyện Như Thanh đang cắm chìa khóa ở cổ xe, dựng ở rìa đường không có ai trông coi nên T. đã nảy sinh ý định và rủ D. chiếm đoạt chiếc xe máy. D. đồng ý, rồi điều khiển xe ngồi quan sát, cảnh giới xung quanh, còn T. xuống xe đi đến tiếp cận chiếc xe máy. Lúc này, ông B. đang ở bên dưới cánh đồng phát hiện T. đi lại gần chiếc xe máy và có biểu hiện nghi vấn muốn chiếm đoạt chiếc xe của mình nên đã lên tiếng nhưng T. nhanh chóng ngồi lên xe, vặn chìa khóa khởi động rồi phóng nhanh bỏ chạy, còn D. điều khiển xe chạy phía sau.

Cùng lúc, ông B. hô hoán trộm xe rồi cùng những người làm đồng gần đó đuổi theo nhưng không kịp. Khi bỏ chạy được một đoạn đường xa, D. và T. dừng xe lại, dùng kìm tháo biển số của chiếc xe vừa chiếm đoạt ra để mọi người không phát hiện. Sau đó, cả hai điều khiển xe đến cửa hàng sửa chữa, mua bán xe mô tô cũ của anh Trần Ngọc T., sinh năm 1974, ở huyện Như Thanh, bán chiếc xe cho anh T., với giá 3.000.000 đồng. D. và T. chia nhau mỗi người 1.500.000 đồng, rồi dùng toàn bộ số tiền này tiêu xài cá nhân.

Theo cơ quan công an, những năm gần đây lợi dụng sơ hở của người dân đi làm đồng, để xe trên bờ ruộng, không khóa cổ, khóa càng, không có biện pháp bảo vệ, thậm chí sợ rơi chìa khóa xuống ruộng nên cắm cả chìa khóa ở cổ xe, vô tình trở thành những “miếng mồi ngon” cho những tên trộm cắp.

Để ngăn chặn có hiệu quả các hình thức trộm cắp, ngoài việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an, như tổ chức tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và quần chúng Nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm; điều tra làm rõ các hành vi phạm tội; xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình. Khi đi làm đồng để xe ở nơi dễ quan sát, gần chỗ làm việc, khóa cổ, khóa càng cẩn thận; không để tài sản “hớ hênh” tạo cơ hội các đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi trộm cắp.

Căn cứ theo khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:Tội trộm cắp tài sản:

1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

...

5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo đó, người trộm cắp xe máy có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu xe máy có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.Trong trường hợp xe máy có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/canh-giac-voi-nan-trom-cap-xe-may-cua-nguoi-dan-di-lam-dong/210822.htm