Cảnh giác với bệnh tiêu chảy ở trẻ em mùa nắng nóng

Thời tiết nồm, oi nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nếu không bảo quản tốt sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Trẻ em sức đề kháng kém nên dễ mắc tiêu chảy, bệnh thường chuyển biến nặng, kéo dài hơn so với người lớn.

Từ đầu năm đến nay BV Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận hơn 1.400 lượt đến khám, nhập viện do bệnh lý tiêu hóa, trong đó bệnh nhi tiêu chảy phải nhập viện điều trị tăng.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu hóa ở trẻ gia tăng là do thời tiết nắng nóng, thực phẩm bảo quản chưa hợp lý nên dễ bị ôi thiu, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Một nguyên nhân nữa là do trẻ em sức đề kháng kém, khi mắc bệnh các triệu chứng dễ chuyển biến nặng, có thể kéo dài hơn so với người lớn, do vậy lượng bệnh nhi đi khám và nhập viện điều trị nội trú cũng tăng lên.

Lý do khiến trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc tóe nước trên 3 lần trong vòng 24 giờ.

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus. Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và nhiễm trùng ngoài hệ tiêu hóa.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 88% trường hợp tử vong liên quan đến tiêu chảy là do nước không an toàn, vệ sinh không đầy đủ và không đủ vệ sinh. Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp và gây ra khoảng 40% nhập viện vì tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng từ 1,5 - 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Tiêu chảy cấp hiếm khi nghiêm trọng, hầu như chỉ cần chăm sóc cho trẻ tại nhà, tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng các chất điện giải (natri, kali, clorua) nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus. Ảnh minh họa.

Biểu hiện trẻ bị tiêu chảy

Xác định trẻ có bị tiêu chảy hay không thì điều quan trọng là phải xem xét thêm các yếu tố sau:

Tăng số lần đi ngoài đột ngột.
Thay đổi độ đặc, rắn của phân và tăng lượng dịch trong phân.
Thay đổi màu sắc và tính chất phân, phân có nhầy hoặc máu.

Dấu hiệu và triệu chứng để nhận biết bệnh tiêu chảy là trẻ sẽ đi ngoài nhiều lần, tiêu chảy liên tục, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả thì phân toàn nước đục như nước vo gạo).

Ngoài ra, các triệu chứng tiêu chảy bao gồm:

Đầy bụng, sôi bụng;
Nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt;
Người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: Khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.

Cần đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu sau:

Tiêu chảy có máu;
Từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong hơn vài giờ ở trẻ sơ sinh và hơn 8 giờ ở trẻ nhỏ.
Mất nước từ trung bình đến nặng;
Đau bụng từng cơn hoặc dữ dội;
Nôn dữ dội, lặp đi lặp lại… cũng cần cho trẻ nhập viện ngay.

Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ

Cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cần rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ. Giữ trẻ bị bệnh ở nhà, không cho đến trường hoặc nhà trẻ cho đến khi trẻ hết tiêu chảy, đây là những cách để hạn chế lây lan bệnh.

Rửa tay là rất cần thiết và hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Lý tưởng nhất là rửa tay với nước và xà phòng trong vòng 15 đến 30 giây. Cần đặc biệt chú ý đến móng tay, kẽ ngón tay, cổ tay.

Nên rửa tay thật sạch, lau khô bằng khăn dùng một lần. Nước rửa tay chứa cồn là một lựa chọn thay thế tốt để khử trùng tay nếu không có bồn rửa tay. Tuy nhiên, nước rửa tay chứa cồn không ngăn ngừa được tất cả các loại bệnh tiêu chảy (ví dụ: Norovirus, Clostridium Difficile). Nên xoa đều lên toàn bộ bề mặt bàn tay, ngón tay và cổ tay cho đến khi khô, có thể dùng nhiều lần.

Cần rửa tay sạch sẽ sau khi thay tã hoặc chạm vào bất kỳ vật dụng nào dính bẩn, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, sau khi đi vệ sinh, sau khi xử lý rác hoặc quần áo bẩn, sau khi chạm vào động vật hoặc vật nuôi, sau khi xì mũi hoặc hắt hơi.

Trẻ bị tiêu chảy không nên đi bơi ở bể bơi. Ngoài các biện pháp can thiệp được liệt kê ở trên, một số khuyến nghị của WHO để ngăn ngừa tiêu chảy bao gồm:

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú mẹ cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
Lưu ý cho trẻ ăn uống bằng thực phẩm và nguồn nước an toàn, nước nên được đun sôi lăn tăn trong 5 phút, việc này sẽ tối ưu việc chuẩn bị thức ăn và đồ uống cho trẻ nhỏ.
Sử dụng nhà tiêu phải được đặt cách nguồn nước uống trên 10 mét và xuống dốc so với nguồn nước.

BS Nguyễn Lê Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-benh-tieu-chay-o-tre-em-mua-nang-nong-169240328120939368.htm