Cảnh giác với bệnh thủy đậu gia tăng

Theo ghi nhận tại TP.HCM những ngày gần đây, số ca mắc thủy đậu (còn gọi là trái rạ) đang có chiều hướng gia tăng nhanh. Bệnh thủy đậu không chỉ ở trẻ nhỏ mà có xu hướng chuyển sang người lớn, gây nhiều tâm lý bất an cho người dân.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu. Ảnh: H.Phượng.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) từ đầu năm đến nay đã khám và điều trị nội trú cho 24 trẻ bị mắc bệnh thủy đậu. Đa số những trường hợp nằm điều trị là những ca trẻ có biến chứng nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những năm gần đây, bệnh thủy đậu đang có xu hướng chuyển dần từ trẻ nhỏ sang người lớn. Nếu như trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp là người lớn trong độ tuổi 25 - 30 mắc bệnh thủy đậu. Với những trường hợp người lớn mắc thủy đậu thường có biểu hiện nặng hơn so với trẻ nhỏ, đặc biệt sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Điển hình, mới đây, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 20 ngày tuổi phải nhập viện điều trị thủy đậu do lây bệnh từ người mẹ.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tính từ sau tết Nguyên đán đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 240 ca khám ngoại trú do thủy đậu, trong đó có 6 ca nhập viện. Dự báo số ca nhập viện do thủy đậu có chiều hướng tăng trong thời gian tới, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khiến tình hình bệnh thủy đậu diễn biến khá phức tạp, số ca mắc bệnh tăng nhanh.

Tại các khu dân cư của TP.HCM cũng bắt đầu xuất hiện rải rác ca bệnh thủy đậu. Mới đây, tại một cao ốc của quận Tân Bình (TP.HCM) xảy ra một ổ dịch thủy đậu với 5 người mắc. Tại một doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận (quận 7) cũng xảy ra ổ dịch thủy đậu với 30 trường hợp mắc. Chị Nguyễn Thị Thúy (nhà ở quận Thủ Đức) cho biết đang “khổ sở” vì con trai 4 tuổi mắc bệnh thủy đậu trong khi chị đang phải chăm con gái nhỏ mới 9 tháng tuổi, chồng chị thì đi công tác xa. Cũng may, đi khám bác sĩ nói cháu bị thủy đậu ở thể nhẹ nên có thể chăm sóc tại nhà. Chị Thúy cho biết, do chủ quan nên chị không đưa con đi chủng ngừa thủy đậu.

Đặc tính của thủy đậu là có tốc độ gia tăng nhanh chóng và khó kiểm soát. Vi rút thủy đậu có thể phát tán trước khi phát hiện bệnh và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh. Do vậy, thông thường nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc sẽ lần lượt lây bệnh hết cho những người còn lại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, mặc dù thủy đậu là bệnh khá lành tính, nhưng cũng không thể chủ quan, bởi bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây lan thông qua sự đụng chạm vào bọng nước từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm bệnh. Trẻ nhiễm bệnh thủy đậu thường dễ lây bệnh cho bạn bè ở nhà trẻ, mẫu giáo, lớp bán trú. Thủy đậu có thể gây tử vong ở đối tượng trẻ quá nhỏ, trẻ đang điều trị ung thư máu hoặc ở trẻ có biến chứng viêm não nặng. Viêm não là biến chứng rất nguy hiểm của thủy đậu, dù hiếm gặp. Nguyên nhân là do các bậc cha mẹ chăm sóc không đúng cách. Nhiều cha mẹ đã tự ý bôi thuốc, bôi lá lên vết bọng nước của trẻ dẫn đến nhiễm trùng.

Đặc biệt, trong môi trường khép kín (như gia đình, trường học, công ty…), nếu có một người mắc bệnh thủy đậu thì các thành viên khác rất dễ lây nếu không có biện pháp phòng ngừa và cách ly kịp thời. Người lớn tuổi mắc thủy đậu sẽ càng nặng và dễ lây lan cho trẻ nhỏ.

Để phòng ngừa thủy đậu, theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa thủy đậu, mỗi mũi tiêm cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng một tháng. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.

Bên cạnh đó, các cha mẹ và người thân cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho con. Đặc biệt, không tiếp xúc với trẻ khi đi làm về mà chưa thay quần áo, không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân... Hiện vẫn còn rất nhiều cha mẹ và người dân vẫn áp dụng nhưng phương pháp dân gian trong điều trị bệnh. Chẳng hạn như quan niệm người bệnh nổi càng nhiều mụn nước càng tốt, dùng gốc rạ tắm, kiêng nước, kiêng gió... Điều này càng gây nhiễm trùng và làm cho tình trạng của bệnh thêm nặng hơn.

Theo các bác sĩ, tại các tỉnh miền Nam, dịch thủy đậu diễn ra hàng năm theo chu kỳ từ tháng 2 đến tháng 6, đỉnh điểm của dịch rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 5.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/canh-giac-voi-benh-thuy-dau-gia-tang.aspx