Cảnh giác tình trạng mua cau với giá cao bất thường

Những ngày này ở nhiều tuyến đường ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị xuất hiện nhiều người đi thu mua cau để nhập về bán cho thương lái Trung Quốc. Cau được giá nên nhiều người có thu nhập nhưng việc làm này cũng lắm rủi ro.

Cau được giá nên nhiều người đổ xô bán cau

Kiếm bạc triệu mỗi ngày

Hơn 1 tháng trở lại đây, dưới chân cầu Dã Viên-TPHuế có nhiều thương lái tập trung để mua cau với giá cao. Những người dân sống gần đó cho biết đây là địa điểm tập kết của những người bán cau sau khi thu mua cau trên khắp địa bàn TP.

Chủ điểm thu mua cho biết, cau được thu mua từ khắp địa bàn trong cả tỉnh, bất kể xấu tốt, hay cau non. Thời gian thu mua bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10, cao điểm có ngày điểm thu mua cau nhập vào đến hơn 2 tấn, tuy nhiên càng trở về sau thì số lượng cau nhập vào càng ít hơn vì khan hiếm nguồn hàng từ các đầu nậu đi mua cau. Trung bình chủ điểm mua cau này trả cho người bán 15 nghìn 1kg, số tiền này có thể lớn hơn nếu vào cuối mùa cau bị khan hiếm. “Vào thời gian cao điểm những người bán cau có thể kiếm bạc triệu mỗi ngày”, người này nói.

Tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc thu mua cau non cũng rất nhộn nhịp. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cau lớn với tổng diện tích 120ha. Thường thì vào cuối tháng 9 mới đến mùa thu hoạch cau nhưng cách đây tháng rưỡi, người dân đã bắt đầu chặt các buồng cau non để bán cho các lái buôn.

“Giá cau non được những người buôn cau mua được giá cao hơn cau đã lột và già nên chúng tôi bán. Mấy cây cau của tôi cho quả bán được gần 2 triệu”, ông Sang trú ở thôn Tân Phú, xã Hương Phú, huyện Nam Đông cho biết.

Trong khi đó ở Quảng Trị, tình hình mua bán cau cũng diễn ra tấp nập không kém so với Huế tuy giá cau có thấp hơn nhưng cũng mang lại thu nhập lớn. Nhà của bà Trần Thị Lam (trú xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị) có trồng gần 100 gốc cau. Mấy ngày nay thấy có nhiều người đến hỏi mua với giá cao nên đã cho hái bán hết cả già lẫn non. Trung bình mỗi kg cau bà thu vào được 7.000 đồng, nhờ có gần trăm gốc cau mà gia đình bà Lam đã kiếm được vài triệu đồng từ việc bán cau.

Cẩn trọng với điệp khúc “mua một năm bỏ một năm”

Tuy bán với số lượng lớn nhưng khi được hỏi cau được mua để làm gì thì các đầu nậu bán cau lại mập mờ trước việc này. Trong khi đó chủ của các cơ sở mua cau cho biết cau sau khi mua sẽ được mang ra các lò sấy để sấy khô, sau đó sẽ được nhập sang Trung Quốc để làm kẹo cau.

Chủ điểm thu mua cau tại cầu Dã Viên cho biết rằng, bà chỉ thu mua cau rồi chở ra chợ An Lỗ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để nhập cho một đại lý ở đây để làm kẹo. Cũng theo bà này thì đại lý tại khu vực chợ An Lỗ do một người ở Hải Phòng làm chủ và là nơi sấy cau khô để làm kẹo cau để nhập sang Trung Quốc.

Theo chỉ dẫn của những người mua cau, PV đã đến một cơ sở chế biến cau tại khu vực chợ An Lỗ để tìm hiểu, một người làm việc ở đây cho biết việc thu mua cau bắt đầu từ tháng 7, cau sau khi mua sẽ được sấy khô và nhập sang Trung Quốc để làm kẹo. Tuy nhiên người này cho biết những ông chủ người Trung Quốc rất ít khi “ra mặt” mà chỉ giao lại cho những ông chủ người Hải Phòng trực tiếp thu mua và việc làm này đã diễn ra từ mấy năm nay.

Tuy mang lại lợi nhuận lớn nhưng việc thu mua cau cũng lắm rủi ro vì phía Trung Quốc có thể ngưng việc mua cau lại bất cứ lúc nào. Một hộ dân có cau bán cho hay, cách đây hơn 2 năm bỗng nhiên thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua cau khiến những hộ có cau phải chấp nhận để cau khô héo trên cây.

“Có nhiều năm, nó (thương lái Trung Quốc – PV) mà nhập thì bán chạy, nhưng có năm không thấy nhập thì cũng sạt nghiệp”, một đầu nậu thu mua cau cho biết. Nói về thiệt hại khi thương lái Trung Quốc ngưng nhập cau non, bà L. hiện đang làm tại một cơ sở thu mua cau non nói: “Với người dân thì không thiệt hại gì vì cau không bán thì để trên cây như thế. Nhưng với chủ đại lý thì họ lại lo vì phải vay vốn để thu mua cau”.

Trước đây, người dân trồng cau rất nhiều, nhưng thời gian gần đây thì thị trường phía Trung Quốc bấp bênh, có thời điểm giá cau bán ra thị trường rớt thê thảm, có thời điểm chưa đến 1 nghìn đồng/1 kg hoặc không thu mua khiến bà con thất thu rất nhiều buộc bà con phải chuyển đổi từ việc trồng cau sang trồng chuối hoặc cam.

Ông Trần Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị (thuộc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện diện tích trồng cau trên địa bàn tỉnh là không lớn nhưng đây là lần đầu tiên trên địa bàn thấy thương lái đổ xô đi mua cau với giá cao, việc bà con bán nông sản được giá là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, trước thông tin nhiều người dân đổ xô lùng mua cau bán cho Trung Quốc, ông Tân cũng đưa ra những khuyến cáo. “Thị trường bấp bênh, nhiều rủi ro, bà con cũng nên cẩn trọng, thu gom cau ngày nào thì nên bán hết ngày đó, không nên trữ lại hàng tránh việc thương lái không thu mua nữa gây thua lỗ”, ông Tân nhấn mạnh.

Tiến Duy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/canh-giac-tinh-trang-mua-cau-voi-gia-cao-bat-thuong-302121.html