Cảnh giác 'sập bẫy' bán hàng online mùa dịch

Thời điểm hiện nay, nhiều tỉnh, TP giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhu cầu mua, bán qua mạng tăng cao. Nhiều đối tượng đã lợi dụng đại dịch và dùng nhiều chiêu trò để lừa đảo qua bán hàng online khiến nhiều người nhẹ dạ, 'bùi tai' rồi sập bẫy.

Thủ đoạn tinh vi

Mới đây, CA quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Đại, SN 1999, trú tại xã Thái Thành, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; Đào Thị Thu Hà, SN 1999 và Đào Tiến Anh, SN 2002, cùng trú tại xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; Nguyễn Kim Tuyền, SN 1999, trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng trong vụ án tại CQCA

Theo kết quả điều tra, Đại rủ người yêu là Hà lên kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Đại lập Fanpage bán hàng có tên “Hanmi’s shop” và “iera shop” rồi đăng các bài viết bán túi xách cao cấp có giá từ 8 đến 12 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu trò để tuyển cộng tác viên bán hàng.

Để tăng lượng like và tương tác, Đại thuê Tuyền chạy quảng cáo cho Fanpage. Nếu có ai đăng ký làm cộng tác viên thì Hà sẽ trả lời và gửi các bài viết, ảnh túi xách để họ đăng bài quảng cáo bán sản phẩm. Nhóm Đại hứa trả cho cộng tác viên 150.000 đồng một ngày và người nào lấy hàng sẽ được chiết khấu từ 2 đến 3 triệu đồng một sản phẩm.

Đại giao cho em ruột Hà là Tiến Anh dùng các tài khoản ảo để đặt mua hàng của cộng tác viên. Sau đó, Đại sẽ giao túi xách giá rẻ từ 200.000 đến 500.000 đồng cho cộng tác viên. Với loại túi xách kém chất lượng này, cộng tác viên phải trả từ 6 đến 10 triệu đồng. Sau khi gửi hàng và lấy được tiền, Đại sẽ chặn liên lạc.

Với thủ đoạn như trên, đầu tháng 7, nhóm Đại đã lừa cộng tác viên mua ba túi xách giá 22 triệu đồng. Vụ án bị phát giác khi cộng tác viên không liên lạc được với khách đặt hàng nên ra CQCA trình báo.

Pháp luật đã có chế tài

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam đã có chế tài hành chính và hình sự để có thể xử lý hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản dù dưới 2 triệu đồng, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 290, BLHS năm 2015 với mức chế tài cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

Với những hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản diễn ra trong đời sống xã hội hoặc diễn ra trên không gian mạng nhưng không thuộc các trường hợp được liệt kê trong Điều 290 BLHS năm 2021 thì sẽ xử lý theo Điều 174 của Bộ luật này về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chế tài cao nhất có thể đến tù chung thân.

Trong các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rất khó để xử lý. Theo quy định của pháp luật, có hai khái niệm gần nhau nhưng bản chất pháp lý khác nhau là “lừa dối” và “gian dối”. Hiện nay pháp luật chưa có khái niệm cụ thể để phân biệt hai vấn đề này.

Với những vụ việc bán hàng online mà giao hàng kém chất lượng không đúng với mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ thì rất khó để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ có thể xử lý về tội Lừa dối khách hàng nếu như thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội này, nếu không chỉ là quan hệ dân sự.

Nếu các đối tượng bán hàng nhưng không giao hàng, sau khi nhận tiền đã cắt liên hệ, bỏ trốn thì mới xử lý về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 hoặc Điều 290, BLHS năm 2015. Còn hành vi vẫn giao hàng nhưng hàng kém chất lượng thì chỉ có thể xử lý về tội Mua bán hàng giả, Buôn lậu hoặc tội Lừa dối khách hàng nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành các tội danh này...

Theo luật sư Thái, lừa dối trong quan hệ dân sự có thể hiểu là thông tin một bên đưa ra khiến bên kia hiểu lầm để giao kết hợp đồng, hành vi Lừa dối khiến cho hợp đồng đó vô hiệu, đây là quan hệ dân sự và sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Còn hành vi Lừa dối đến mức độ được xác định là nguy hiểm cho xã hội phải là hành vi hoàn toàn bịa đặt, không có thật, không đúng với thực tế nhưng với mục đích là để chiếm đoạt tài sản thì mới có thể xử lý hình sự.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/canh-giac-sap-bay-ban-hang-online-mua-dich-253812.html