Cảnh giác kẻo bị lừa

Thời gian gần đây, trên một số tuyến phố ở TP Hà Nội xuất hiện những đối tượng lợi dụng danh nghĩa tổ chức nhân đạo bán tăm ủng hộ người nghèo để trục lợi. Cụ thể, dịp cuối tháng 8, có việc đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vừa xuống xe, tôi 'được' 3 người khoảng mười tám, đôi mươi vây quanh và mời mua tăm tre.

Một người trong nhóm giới thiệu: “Bạn ơi! Bọn mình thuộc tổ chức nhân đạo đang làm chương trình ủng hộ người khuyết tật, phát sóng trên VTV3 vào lúc 21 giờ hôm nay. Giá chỉ 30.000 đồng/gói thôi”. Không chút đắn đo, tôi mua một gói. Lúc đó, một người trong nhóm đưa cho tôi cuốn sổ và đề nghị ghi tên, tuổi, số điện thoại để tiện liên lạc. Sau này mới biết, tôi đã bị những người bán tăm lừa. Một gói tăm chỉ có giá 10.000 đồng, nhưng họ bán với giá 30.000 đồng. Hành vi lừa đảo này đã và đang làm mất lòng tin của người dân về hoạt động từ thiện, nhân đạo. Rất mong chính quyền địa phương, lực lượng công an sớm có biện pháp chấn chỉnh hành vi lừa đảo nêu trên. Còn người đi đường, nhất là các bạn sinh viên cần đề cao cảnh giác, không để kẻ xấu lừa. (THANH THỦY, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội)

Bảo vệ rừng để hạn chế lũ ống, lũ quét

Những trận lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày đầu tháng 8 làm nhiều người chết, mất tích và bị thương, nhiều công trình nhà ở, trường học bị lũ cuốn, đổ sập, giao thông bị chia cắt cùng nhiều thiệt hại khác rất nặng nề.

Trước đây, tỷ lệ che phủ rừng ở nước ta khá lớn nhưng dần dần bị thu hẹp do nạn phá rừng diễn ra một cách trầm trọng. Trận lũ quét lịch sử vừa qua tại Yên Bái là hồi chuông cảnh báo cần phải bảo vệ rừng đầu nguồn, nhằm làm giảm nguy cơ cũng như sự tàn phá của thiên tai, nhất là lũ và sạt lở đất. Thực tế, ngoài phá rừng lấy gỗ thì tình trạng xây nhà máy thủy điện cũng khiến diện tích rừng bị thu hẹp. Không những thế, việc phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ trong 10 năm qua (như Hà Giang và Cao Bằng đã quy hoạch hơn 100 dự án thủy điện) đã biến nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng thành hồ chứa, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến chế độ thủy văn, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người.

Để hạn chế lũ ống, lũ quét gây tổn thất nặng nề, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các địa phương phải đẩy mạnh công tác bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng. Giữ và phát triển rừng ngày hôm nay chính là ngăn ngừa hậu họa thiên tai, lũ lụt về sau, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. (HOÀNG ANH, Trường THCS Phan Bội Châu, phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Doanh nghiệp với nỗi lo khi tăng thuế, phí tài nguyên

Thông tư số 44/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính “Quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau” chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2017. Ngay lập tức, các doanh nghiệp bày tỏ quan tâm, lo lắng. Không ít doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng thông tư này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho họ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vì, việc áp giá tính thuế tối thiểu và tối đa đối với các loại đá xây dựng sẽ tăng lên gấp 2 đến 3 lần so với hiện tại.

Cụ thể, nếu áp dụng khung giá mới theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC thì 1m² đá ốp lát xuất khẩu ra thị trường quốc tế phải chịu thêm khoảng 30.000 đồng tiền thuế. Trong khi đó, giá xuất khẩu hiện nay chỉ là 280.000 đồng/m². Như vậy, doanh nghiệp rất khó bán được sản phẩm và nếu có bán được thì chẳng có lãi, thậm chí còn bị lỗ vốn. Hơn nữa, giá sàn, giá trần được xây dựng tại Thông tư số 44 chưa phù hợp với quy định của Luật Thuế tài nguyên năm 2009, do khung giá nêu trên không phải là giá bán tài nguyên đá hoa, đá hoa trắng tại một số địa phương.

Mong muốn của các doanh nghiệp là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan chức năng sớm xem xét đánh giá lại để đưa ra khung giá phù hợp hơn, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. (MAI ANH, xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An)

Báo động tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông

(Người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm ở TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định, người điều khiển phương tiện như mô tô, xe máy khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, thế nhưng không ít người dân ở hai xã Hòa Hưng và An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không chấp hành. Hiện nay, trên đoạn đường từ dưới dốc cầu Mỹ Thuận, xã Hòa Hưng đến xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhất là khu vực ngã 3 An Hữu đi về TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thường xuyên bắt gặp nhiều người dân tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Theo quan sát của chúng tôi, những người không chấp hành quy định về ATGT thuộc đủ mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là các nam thanh, nữ tú. Tình trạng này phổ biến đến nỗi, không ít người lầm tưởng đoạn đường này được “đặc cách” không phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông!

Để bảo đảm an toàn giao thông cho người, phương tiện mỗi khi lưu thông trên tuyến đường này và hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, đề nghị các cấp ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm những người vi phạm.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/canh-giac-keo-bi-lua-517082