Cánh cửa hòa bình hé mở cho Lybia

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 4/4 đã có chuyến thăm Libya và bày tỏ sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) đối với chính phủ tạm quyền ở Tripoli, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang tìm cách chấm dứt một thập kỉ hỗn loạn tại đây. Sự ổn định của Libya sẽ tác động trực tiếp tới châu Âu và hiện là thời điểm quan trọng để EU xúc tiến các bước hợp tác toàn diện với Libya vì lợi ích của cả hai phía.

 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Ngoại trưởng Libya Najla al-Mangoush trong cuộc họp báo tại Tripoli ngày 4/4/2021

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Ngoại trưởng Libya Najla al-Mangoush trong cuộc họp báo tại Tripoli ngày 4/4/2021

Tích cực hỗ trợ cho Lybia

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã được Thủ tướng Abdulhamid Dbeibeh và Ngoại trưởng nước chủ nhà Najla al-Mangoush đón tiếp, cũng như có cuộc hội kiến với Tổng thống Libya Mohamed Al-Menfi. Tại các cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã nhấn mạnh EU sẵn sàng cung cấp mọi hình thức hỗ trợ cho Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNU) mới được thành lập ở Libya để củng cố sự ổn định ở quốc gia Bắc Phi cũng như tiến tới tổng tuyển cử vào tháng 12 tới. Theo đó, những lĩnh vực EU có thể trợ giúp Libya là hồi phục kinh tế, bầu cử và chống di cư bất hợp pháp...

Châu Âu nhiều năm qua hứng chịu làn sóng di cư xuất phát từ Libya. Quốc gia Bắc Phi rơi vào vòng xoáy chia rẽ và bạo lực trong suốt một thập niên, khiến “lục địa già” ở bên kia Địa Trung Hải cũng chao đảo, khi phải chịu nhiều hệ lụy từ làn sóng tị nạn đổ dồn từ bờ biển Libya. Bởi thế, hơn ai hết, châu Âu mong muốn đất nước Libya ổn định, yếu tố quan trọng giúp hạn chế làn sóng người tị nạn vượt Địa Trung Hải vào châu Âu. Việc thành lập GNU được các nước châu Âu coi là bước ngoặt quan trọng, mở đường cho tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Libya.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Pháp, Đức và Italia đã có chuyến thăm chung tới thủ đô Tripoli để gặp người đồng cấp Libya. Pháp đã mở lại Đại sứ quán tại Libya sau bảy năm và đây được xem là dấu hiệu cho thấy sự ổn định đang dần trở lại Libya sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột. Italia thì tiến hành các cuộc thảo luận giữa quan chức hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác về nhiều vấn đề liên quan lợi ích chung, nhất là vấn đề người di cư, lĩnh vực năng lượng tái tạo…

Vai trò quan trọng của EU

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, chính phủ lâm thời GNU phải duy trì ngừng bắn và xúc tiến hòa giải dân tộc toàn diện. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều thách thức khi các mối đe dọa khủng bố vẫn rình rập, trong khi sự can thiệp từ bên ngoài khiến tình hình Libya phức tạp hơn. Các nước EU có vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Libya. EU có kế hoạch gia hạn thêm hai năm sứ mệnh của phái bộ quân sự tại Địa Trung Hải, liên quan việc giám sát lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia Liên Hợp Quốc cảnh báo, lệnh cấm vận áp đặt đối với Libya năm 2011 “hoàn toàn không hiệu quả”, vì đang bị nhiều bên vi phạm một cách trắng trợn. Mối lo ngại an ninh phát sinh từ cuộc xung đột Libya khiến các nước châu Âu buộc phải hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn các tay súng thánh chiến được huấn luyện ở Libya xâm nhập “lục địa già”. Và việc EU tiếp tục hỗ trợ chính quyền mới ở Libya không chỉ góp phần vào nỗ lực quốc tế chung nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở quốc gia Bắc Phi mà còn giúp bảo vệ các lợi ích liên quan của châu Âu.

Cánh cửa hòa bình đã hé mở, song chặng đường phía trước của chính phủ mới ở Libya còn nhiều chông gai, với nhiệm vụ đầy khó khăn. Trong tiến trình sắp tới, Libya cần sự hỗ trợ và hợp tác toàn diện của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước châu Âu, nhằm duy trì ổn định và phát triển.

Hoài Anh (t.h)

1,466

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/canh-cua-hoa-binh-he-mo-cho-lybia-85530.html