Cảnh báo về virus nguy hiểm mới được phát hiện ở Trung Quốc

Giới khoa học nhấn mạnh cần phải giám sát loại virus mới được phát hiện ở miền Đông Trung Quốc nhiều hơn nữa.

Sau khi tin tức về loại virus mới có tên Langya henipavirus đã lây cho 35 người dân ở hai tỉnh của Trung Quốc, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng phát mầm bệnh mới, theo CNN.

Virus do nhóm các nhà khoa học tại Trung Quốc và Singapore phát hiện. Họ cho rằng Langya có thể đã lây lan trực tiếp hoặc gián tiếp sang người từ chuột chù. Mầm bệnh không gây ra bất kỳ ca tử vong nào, nhưng đã phát hiện ở 35 người bị sốt tại các bệnh viện thuộc tỉnh Sơn Đông và Hà Nam (Trung Quốc) rải rác từ năm 2018 đến 2021.

Phát hiện này được cho là phù hợp với những cảnh báo từ lâu của giới khoa học. Đó là virus trên động vật thường xuyên lây lan ra khắp thế giới mà không bị phát hiện.

Phần nổi của tảng băng chìm

Chuyên gia về virus mới nổi, giáo sư Leo Poon, trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: "Chúng ta đang đánh giá thấp số lượng ca các lây truyền từ động vật này trên thế giới. Và virus Langya chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".

Nghiên cứu khoa học đầu tiên về virus Langya được công bố trên tạp chí New England (NEJM) vào tuần trước ngay lập tức nhận được sự chú ý trên toàn cầu do lo ngại dịch bệnh bùng phát. Hàng trăm nghìn trường hợp mắc Covid-19 mới vẫn đang được báo cáo trên toàn thế giới mỗi ngày, sau gần 3 năm loại virus mới nCoV lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết không có bằng chứng nào cho thấy virus Langya đang lây lan giữa người với người hoặc gây ra sự bùng phát cục bộ ở các ca nhiễm. Họ nhấn mạnh cần có thêm nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân lớn hơn để loại trừ khả năng nó lây lan từ người sang người.

Nhà khoa học kỳ cựu về bệnh truyền nhiễm mới nổi Linfa Wang, Đại học Y Duke - Đại học Quốc gia Singapore, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định virus mới không có khả năng phát triển thành "bệnh X" mới nhưng nó chứng minh sự kiện lan truyền từ động vật sang người xảy ra thường xuyên hơn chúng ta nghĩ.

"Để giảm nguy cơ một loại virus mới nổi trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe, chúng ta cần phải giám sát minh bạch và có sự hợp tác quốc tế", ông Wang nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng chuột chù có thể là vật chủ tự nhiên của virus Langya mới phát hiện ở Trung Quốc. Ảnh: Euro News.

Ca bệnh đầu tiên

Các manh mối đầu tiên về sự hiện diện virus Langya bắt đầu xuất hiện khi một người nông dân 53 tuổi đến bệnh viện thành phố Tam Đảo, tỉnh Sơn Đông, vào tháng 12/2018. Người này có các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho và buồn nôn, theo tài liệu nghiên cứu.

Bà cho biết bản thân đã tiếp xúc với động vật hoang dã trong một tháng. Sau đó, bệnh nhân đăng ký khám sàng lọc bổ sung tại 3 bệnh viện ở miền đông Trung Quốc.

Khi xem xét mẫu xét nghiệm của bệnh nhân này, các nhà khoa học phát hiện điều bất ngờ. Họ tìm ra loại virus chưa từng thấy trước đó, liên quan virus Hendra và Nipah. Hai virus này vốn là các mầm bệnh gây tử vong cao, cùng dòng nhưng không dễ lây lan từ người này sang người khác.

Trong 32 tháng tiếp theo, các nhà nghiên cứu tại 3 bệnh viện đã sàng lọc loại virus mới ở các bệnh nhân tương tự. Cuối cùng, họ phát hiện Langya ở 35 người. Tất cả đều có chung triệu chứng là ho, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và sốt.

Đặc biệt, 9 người bị đồng nhiễm một loại virus đã biết như cúm. Vì vậy, nguồn gốc triệu chứng của họ không rõ ràng. Nhưng các nhà khoa học tin rằng các triệu chứng ở 26 người còn lại có thể do loại henipavirus mới gây ra.

Theo giáo sư Wang, một số trường hợp còn có triệu chứng nghiêm trọng như viêm phổi hay giảm tiểu cầu bất thường. Nhưng các triệu chứng của họ khác xa với các bệnh nhân bị nhiễm Hendra hoặc Nipah. Không ai trong nhóm tử vong hoặc phải nhập viện ICU.

Ông Wang nói thêm: "Sau khi tất cả bệnh nhân bình phục, họ không được theo dõi thêm để kiểm tra vấn đề lâu dài mà virus có thể gây ra".

Trong số 26 người bệnh nhân, đa số (22 ca) là nông dân. Một số người có khoảng cách địa lý cách xa ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Tín Dương, cách Hà Nam hơn 700 km.

Ông Wang giải thích các loại virus tương tự đã lưu hành trong động vật từ Tây Nam Trung Quốc đến Hàn Quốc nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy virus mới này được tìm thấy ở những người có khoảng cách xa như vậy.

Trong bài báo mới công bố, giáo sư Wang và cộng sự viết: "Việc không có sự tiếp xúc gần gũi hoặc tiền sử phơi nhiễm chung giữa các bệnh nhân, không có các dấu hiệu lây lan từ người sang người khác cho thấy đây là các trường hợp lẻ tẻ, nhưng cần phải nghiên cứu thêm".

Virus Langya mới phát hiện có khá nhiều điểm tương đồng với virus Nipah hoặc Hendra. Hai virus này rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao 40-75%. Ảnh: Heradol de Aragon.

Khi tin tức về loại virus mới đang lây nhiễm sang người xuất hiện, các chuyên gia ở Bắc Kinh và giới chức y tế Thanh Đảo đã kiểm tra động vật thuần hóa nơi bệnh nhân sống để tìm dấu vết của việc lây nhiễm trong quá khứ. Họ phát hiện một số ít dê và chó có thể đã nhiễm virus trước đó.

Nhưng phát hiện đột phá thực sự đã đến khi họ kiểm tra các mẫu của động vật hoang dã nhỏ bị đánh bẫy. 71 mẫu của chuột chù bị lây nhiễm. Điều này cho thấy những động vật có vú, giống loài gặm nhấm này, có thể là ổ chứa virus tự nhiên.

Điều đáng nói và vẫn chưa thể giải đáp được lúc này là làm thế nào mà virus Langya xâm nhập vào cơ thể người.

Sắp tới, việc sàng lọc virus Langya Henipavirus sẽ được tiến hành không chỉ ở hai tỉnh đã tìm thấy virus mà còn ở nhiều nơi tại Trung Quốc hay các khu vực khác.

Giảm thiểu rủi ro

Trên toàn cầu, 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi được cho là đã lây sang người do tiếp xúc với động vật. Hiện tượng này đang tăng nhanh khi dân số ngày càng mở rộng sang môi trường sống của động vật hoang dã.

Trung Quốc đã chứng kiến các đợt bùng phát lớn từ các loại virus mới nổi trong hai thập kỷ qua, bao gồm SARS vào năm 2002-2003 và Covid-19. Cả hai đều được phát hiện lần đầu tiên ở nước này và từ các loại virus được cho là có nguồn gốc từ dơi.

Mức độ tàn phá của cả hai căn bệnh - đặc biệt là Covid-19 với hơn 6,4 triệu người chết trên toàn cầu - cho thấy tầm quan trọng của việc xác định các ca nhiễm virus mới nhanh chóng, chia sẻ thông tin về những nguy cơ tiềm ẩn.

Các nhà khoa học không tham gia vào nghiên cứu mới ủng hộ quan điểm cần làm việc nhiều hơn để hiểu virus Langya và kịp thời phát hiện những thông tin mới. Khám phá vừa công bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi loại virus nào có thể lây lan từ động vật sang người.

Tiến sĩ Poon cho biết: “Langya Henipavirus mới có thể không chỉ lưu hành ở Trung Quốc, nên việc chia sẻ thông tin này và cho phép những người khác chuẩn bị, điều tra thêm ở quốc gia của họ là rất quan trọng".

Hình ảnh hiển vi điện tử của virus HeV thuộc chi Henipavirus. Ảnh: Australian Animal Health Laboratory

Câu hỏi quan trọng cần được giải đáp lúc này là mức độ lan rộng của loại virus mới trong tự nhiên, cách nó lây lan sang người và sự nguy hiểm của nó với sức khỏe con người, khả năng lây lan giữa người với người hoặc.

Nhà virus học Malik Peiris, Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho biết khoảng cách địa lý của nơi phát hiện ra các ca nhiễm trùng "cho thấy nguy cơ lây nhiễm này khá phổ biến". Ông nhấn mạnh các nghiên cứu ở những nơi khác tại Trung Quốc và những nước lân cận rất quan trọng "để xác định phạm vi địa lý của virus này ở động vật (chuột chù) và ở người".

Những phát hiện mới nhất đã gợi ý về số lượng lớn các ca lây nhiễm chưa được phát hiện từ động vật hoang dã sang người và cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hệ thống để hiểu không chỉ loại virus này mà toàn bộ bức tranh về sự lây nhiễm của con người với virus từ động vật hoang dã.

Ông nói: “Điều này rất quan trọng để chúng ta không phải đối mặt với đại dịch tiếp theo nếu nó xảy ra".

Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.

Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.

Bảo Hân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bao-ve-virus-nguy-hiem-moi-duoc-phat-hien-o-trung-quoc-post1344972.html