Cảnh báo về mua bán và sáp nhập

Tiếp nối các thương hiệu, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nằm dưới sự điều hành của các nhà đầu tư nước ngoài như Sabeco, Điện máy Nguyễn Kim, Nhựa Bình Minh, Tập đoàn Masan..., sự kiện Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát, một trong những nhà sản xuất dây và cáp điện lớn trong nước chính thức sáp nhập vào một tập đoàn của Thái Lan đang khiến cộng đồng doanh nghiệp xôn xao.

Ảnh minh họa

Các thương vụ có giá trị giao dịch hàng trăm triệu USD sẽ không có gì đặc biệt, bởi Việt Nam đang là điểm đến sáng giá trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn quốc tế lớn. Điều khiến giới phân tích quan tâm là xu hướng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các giao dịch góp vốn, thâu tóm, mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam vẫn tăng nhanh, bất chấp kinh tế thế giới đang lao đao bởi dịch Covid-19.

Nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm, rơi vào sự kiểm soát của các tập đoàn lớn nước ngoài đang thành hiện thực khi trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị 2,99 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, cùng thời gian trên, cả nước chỉ có 1.212 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cảnh báo, kết quả giao dịch trên chỉ là con số bề nổi được thông qua thị trường chứng khoán. Trên thực tế còn nhiều thương vụ kín không được công bố. Hoạt động M&A luôn được giữ kín, rất ít thương vụ được công bố, ngoại trừ những doanh nghiệp nước ngoài có niêm yết trên thị trường chứng khoán bắt buộc phải công khai thông tin.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ. Bởi hàng nghìn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sức đề kháng thấp, không thể trụ vững trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, sẽ buộc phải gọi vốn đầu tư hoặc sự hỗ trợ bên ngoài để “cứu nguy”.

Nếu như trong điều kiện kinh doanh bình thường, các nhà đầu tư ngoại khó có thể mua được cổ phiếu giá thấp, hoặc thậm chí không thể mua được cả ở giá cao, vì doanh nghiệp trong nước không bán ra. Nhưng tình hình đã khác, nhà đầu tư nào có tiềm lực tài chính, giờ đây có thể mua được cả hai, gồm cổ phiếu giá thấp và cổ phiếu doanh nghiệp mà trước đây họ không “chạm” đến được.

Trước hệ lụy của hoạt động M&A, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải kiến nghị, đề xuất Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, đề xuất của VCCI vấp phải không ít ý kiến trái chiều, vì thiếu cơ sở pháp lý để có thể tạm dừng các hoạt động M&A. Vì đây là xu thế phát triển mới, chúng ta cần cởi mở để đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài. Mặt khác, trong thời gian khủng hoảng kinh tế, nếu dừng giao dịch M&A, doanh nghiệp trong nước sẽ không biết huy động vốn ở đâu, dẫn đến bị tê liệt, thậm chí phá sản.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Chính phủ Nhật Bản khi lên danh sách 500 doanh nghiệp trọng yếu phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài, nhằm bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng.

Tín hiệu khả quan là Luật Đầu tư (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, quy định các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực. Chính phủ cần sớm công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài khi luật có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2021.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-bao-ve-mua-ban-va-sap-nhap-post430277.html