Cảnh báo trẻ em bị bắt nạt trên không gian mạng

Báo cáo tiêu đề 'Hành vi sức khỏe ở trẻ em độ tuổi đi học' do văn phòng WHO khu vực châu Âu công bố, trong năm 2022, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 15 từng bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần - cao hơn tỷ lệ 13% ghi nhận 4 năm trước đó.

Theo TTXVN, ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố báo cáo phản ánh tình trạng trẻ em bị bắt nạt trên không gian mạng, trong bối cảnh Internet ngày càng phát triển, dễ tiếp cận hơn.

Các nhà nghiên cứu phối hợp với văn phòng WHO ở châu Âu đã tiến hành khảo sát hơn 279.000 trẻ em ở các độ tuổi 11, 13 và 15 tại 44 quốc gia và khu vực ở châu Âu, Trung Á và Canada.

Bắt nạt trực tuyến ảnh hưởng đến cảm xúc, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Ảnh: Kaspersky

Theo báo cáo tiêu đề "Hành vi sức khỏe ở trẻ em độ tuổi đi học" do văn phòng WHO khu vực châu Âu công bố, trong năm 2022, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 15 từng bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần - cao hơn tỷ lệ 13% ghi nhận 4 năm trước đó.

Ông Hans Kluge - Giám đốc WHO châu Âu nhấn mạnh, báo cáo này là hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi phải giải quyết nạn bắt nạt và bạo lực mọi lúc, mọi nơi. Cơ quan này lưu ý rằng các hình thức bạo lực đồng trang lứa trên không gian mạng trở nên đặc biệt đáng quan ngại kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và những người trẻ tuổi ngày càng chìm trong thế giới ảo khi các lệnh phong tỏa được áp dụng.

Báo cáo của WHO cho biết tỷ lệ bắt nạt trực tuyến cao nhất xảy ra với trẻ em trai ở Bulgaria, Litva, Moldova và Ba Lan, trong khi Tây Ban Nha là quốc gia có tỷ lệ thấp nhất. Tuy nhiên, WHO không cung cấp dữ liệu chi tiết. Ở hầu hết các quốc gia và khu vực được khảo sát, bắt nạt trực tuyến đỉnh điểm ở độ tuổi 11 đối với trẻ em trai và 13 đối với trẻ em gái.

Ông Kluge nhấn mạnh: "Với việc trẻ em dành tới 6 giờ mỗi ngày để lướt mạng, ngay cả những thay đổi nhỏ về tỷ lệ bắt nạt và bạo lực cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của hàng nghìn trẻ em."

Báo cáo cũng cho biết, 1/8 thanh thiếu niên được khảo sát thừa nhận bắt nạt trực tuyến người khác, tăng 3% so với năm 2018. Trong khi đó, số lượng thanh thiếu niên tham gia đánh nhau vẫn ở mức 10% - 14% đối với trẻ em trai và 6% đối với trẻ em gái.

Báo cáo của WHO nhận định tình trạng kinh tế - xã hội của cha mẹ không ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của trẻ em. Tuy nhiên, Canada là một ngoại lệ, nơi những thanh thiếu niên thiệt thòi về kinh tế dễ bị bắt nạt hơn.

Báo cáo kết luận cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát các hình thức bạo lực đồng trang lứa ở trẻ em cũng như ưu tiên giáo dục trẻ em, gia đình và trường học về các hình thức bắt nạt trực tuyến và hệ lụy, siết chặt quản lý các nền tảng truyền thông xã hội để hạn chế tiếp xúc với bắt nạt trực tuyến.

Bắt nạt trên mạng là gì?

Theo Unicef, bắt nạt trên mạng là việc bắt nạt trên các công cụ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên phương tiện mạng xã hội, nền tảng nhắn tin, chơi game và điện thoại di động. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích khiến những người bị nhắm mục tiêu sợ hãi, tức giận hoặc xấu hổ. Những ví dụ về bắt nạt có thể kể đến như:

- Lan truyền những lời nói dối về hoặc đăng những bức ảnh đáng xấu hổ của ai đó trên mạng xã hội.

- Gửi tin nhắn hoặc đe dọa gây tổn thương qua các nền tảng kỹ thuật số; Mạo danh ai đó và thay mặt họ gửi những thông điệp ác ý cho người khác.

- Giả danh ai đó và lấy danh nghĩa của họ gửi những tin nhắn ác ý cho người khác hoặc thông qua tài khoản giả mạo.

Những tác động của đe dọa trực tuyến là gì?

Theo Unicef, khi bắt nạt xảy ra trực tuyến, bạn có thể cảm thấy như thể bạn đang bị tấn công ở khắp mọi nơi, ngay cả trong nhà riêng của bạn. Có vẻ như không có lối thoát. Các tác động có thể kéo dài một thời gian dài và ảnh hưởng đến một người theo nhiều cách:

Về mặt tinh thần - cảm thấy khó chịu, xấu hổ, ngu ngốc, thậm chí tức giận

Về mặt tình cảm - cảm thấy xấu hổ hoặc mất hứng thú với những điều bạn yêu thích

Về thể chất - mệt mỏi (mất ngủ) hoặc gặp các triệu chứng như đau bụng và đau đầu

Cảm giác bị người khác cười nhạo hoặc quấy rối có thể khiến mọi người không thể lên tiếng hoặc cố gắng giải quyết vấn đề. Trong những trường hợp nghiêm trọng, đe dọa trực tuyến thậm chí có thể dẫn đến việc mọi người tự kết liễu mạng sống của mình.

Đe dọa trực tuyến có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách. Nhưng những điều này có thể được khắc phục và mọi người có thể lấy lại sự tự tin và sức khỏe của mình.

Facebook giả mạo TS.Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Những vụ lừa đảo, mạo danh ngày càng diễn ra phổ biến.

Nói chuyện với ai nếu bị bắt nạt trên mạng?

Unicef hướng dẫn, nếu bạn cho rằng mình đang bị bắt nạt, bước đầu tiên là tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng như cha mẹ, một thành viên thân thiết trong gia đình hoặc một người lớn đáng tin cậy khác.

Trong trường học của bạn, bạn có thể liên hệ với một cố vấn, huấn luyện viên thể thao hoặc giáo viên yêu thích của bạn - cả trên trực tuyến và trực tiếp.

Và nếu bạn không thoải mái khi nói chuyện với người quen, hãy tìm kiếm đường dây trợ giúp ở quốc gia tại Việt Nam là tổng đài 111 để nói chuyện với một cố vấn chuyên nghiệp.

Nếu hành vi bắt nạt đang xảy ra trên nền tảng xã hội, hãy cân nhắc việc chặn kẻ bắt nạt và chính thức báo cáo hành vi của họ trên chính nền tảng đó. Các công ty truyền thông xã hội có nghĩa vụ phải giữ an toàn cho người dùng của họ, đặc biệt là an toàn cho trẻ em.

Cha mẹ làm gì khi con bị bắt nạt trực tuyến?

Theo Kaspersky, nếu phụ huynh nhận ra bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào của trẻ, hãy dành thời gian ngồi cùng con và động viên chúng cởi mở về bất kỳ vấn đề nào chúng đang gặp phải trong hoặc ngoài trường học. Điều mà trẻ thực sự mong muốn là được chia sẻ với một người sẵn lòng lắng nghe.

Bằng cách hỗ trợ và thấu hiểu, cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy mình không đơn độc. Đây là bước đầu tiên để chữa lành những tổn thương vô hình do bắt nạt trực tuyến gây ra.

Về mặt công nghệ, bước đầu tiên, cha mẹ hãy cố gắng điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư trên tài khoản trò chuyện và mạng xã hội của con. Tiếp theo, thu thập tất cả bằng chứng về hành vi bắt nạt trực tuyến, chụp ảnh màn hình vì nhiều bài đăng có thể bị xóa. Báo cáo các trường hợp bắt nạt trực tuyến cho quản trị viên ứng dụng hoặc nền tảng vì hành vi bắt nạt trực tuyến thường vi phạm điều khoản dịch vụ.

Với những sự việc nghiêm trọng hơn, cha mẹ cũng có thể liên hệ với nhà trường nơi con học để cùng phối hợp ngăn chặn sự việc. Ngoài ra, nếu bắt nạt trực tuyến có bất kỳ mối đe dọa bạo lực thể xác nào, phụ huynh cũng có thể báo cáo vụ việc đó với cơ quan Công an gần nhất.

Quốc Anh

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/canh-bao-tre-em-bi-bat-nat-tren-khong-gian-mang-d4132.html