Cảnh báo tai nạn lao động khi thu hái tiêu

Ra Tết là thời gian nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Tuy nhiên, do trụ tiêu cao, phải dùng thang leo lên hái nên nhiều người không may bị té ngã, nhẹ thì gãy chân, tay, nặng thì gãy cột sống, chấn thương sọ não... Thực trạng này là hồi chuông nhắc nhở người dân cần chú ý bảo đảm an toàn trong quá trình lao động.

Sau thời gian nghỉ Tết âm lịch, bà con nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên lại tất bật vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Hồ tiêu thân dây, thường leo lên trụ cao, bởi vậy, khi thu hoạch, người dân phải bắc thang để hái. Tuy nhiên, khi sử dụng thang, nhiều người bất cẩn, đặt thang tại các vị trí gập ghềnh, không chắc chắn nên khi leo lên cao dễ bị đổ ngã, trượt chân, gây ra tai nạn lao động.

Mới đây, trong quá trình thu hoạch hồ tiêu, chị Phùng Thị Liên, sinh năm 1986, trú tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) bị trượt chân rơi từ độ cao 5m xuống đất, hậu quả bị gãy hai đốt sống. Chị Liên chia sẻ: “Vườn tiêu của gia đình chín rộ, ăn Tết xong, tôi tập trung thu hái. Khi đang đứng trên thang hái tiêu, tôi với tay cố hái chùm tiêu chín trên cao thì bị trượt chân ngã xuống đất. Thời điểm đó, tôi ở nhà một mình. Sau cú ngã mạnh, tôi bị choáng, hoa mắt, đau buốt, không cử động được lưng, nằm bất động dưới nền đất một hồi lâu mới tỉnh, tôi cố gắng bò vào nhà gọi điện cho người thân đưa đi cấp cứu. Người nhà đưa tôi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, được các bác sĩ chẩn đoán bị gãy hai đốt sống, phải phẫu thuật để xử lý vết thương. Cũng may, sau một thời gian điều trị, đến nay, sức khỏe của tôi đã dần bình phục”. Cũng bị tai nạn lao động trong lúc hái tiêu, bà Hoàng Thị Nhung, sinh năm 1972, trú tại thôn 13, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhớ lại: “Hôm đó, tôi leo thang hái tiêu như mọi ngày. Trong lúc đứng trên đỉnh thang cao 3,5m thì chiếc thang nghiêng chân, đổ sang một bên, tôi bị rơi xuống gốc cây. Cú ngã thang từ trên cao làm tôi khó thở, đau buốt, tê cột sống, tê cả hai chân và không nói được. Nhờ những người làm cùng gọi điện cho người nhà nên tôi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên ngay sau đó. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị gãy cột sống, chèn ép tủy và chỉ định phải phẫu thuật gấp...”.

 Bà Hoàng Thị Nhung bị gãy cột sống do bất cẩn khi trèo thang thu hoạch hồ tiêu.

Bà Hoàng Thị Nhung bị gãy cột sống do bất cẩn khi trèo thang thu hoạch hồ tiêu.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, hàng trăm người dân bị tai nạn lao động vì trèo thang hái tiêu đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu, điều trị. Trong đó, nhiều bệnh nhân bị gãy phối hợp, vừa gãy chi vừa gãy cột sống, có trường hợp còn bị chấn thương sọ não. Dịp này, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 5 đến 10 trường hợp, trong đó, nhiều bệnh nhân phải chỉ định mổ cấp cứu để can thiệp kịp thời nhằm ngăn ngừa các di chứng.

Thu hoạch hồ tiêu phải leo thang, nhưng hầu hết người dân lại chủ quan, không có dụng cụ bảo hộ lao động để bảo đảm an toàn. Nhiều người gặp tai nạn, gãy cột sống nhưng không đến bệnh viện để được khám, điều trị kịp thời mà ở nhà đắp lá, đắp thuốc, dẫn đến tình trạng bệnh nặng thêm, để lại di chứng nặng nề như liệt hai chân. Lúc này, quá trình phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn và kéo dài, chi phí điều trị tốn kém. Bác sĩ Huỳnh Như Đồng khuyến cáo, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật cột sống rất lớn nên người dân cần phải mua bảo hiểm y tế cho mình, để khi không may bị tai nạn vào bệnh viện điều trị, phẫu thuật sẽ đỡ tốn kém. Đặc biệt, người dân khi đi thu hoạch hồ tiêu cần cẩn trọng, tuyệt đối không chủ quan, cần trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động để bảo đảm an toàn, giảm thương tích khi không may gặp tai nạn.

Bài và ảnh: BẢO PHÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/canh-bao-tai-nan-lao-dong-khi-thu-hai-tieu-768491