Cảnh báo những chiêu trò lừa gạt để đánh cắp thông tin trên Facebook

Càng về cuối năm, những chiêu trò lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều đặc biệt là trên các mạng xã hội khó quản lý chặt chẽ.

Sáng nay, 7/12, người dùng Facebook Dat Nguyen đăng bài cảnh báo về việc nhiều người bị gắn thẻ vào các bài viết với nội dung tai nạn giao thông. Khi nhấn xem bài viết, người dùng được dẫn tới một trang mới giống giao diện đăng nhập Facebook. Nếu điền thông tin tài khoản và mật khẩu, người dùng có khả năng bị mất thông tin đăng nhập.

Một số bài viết mới khi click vào sẽ nhận được cảnh báo của Google, cho biết website truy cập có thể bị kẻ xấu lợi dụng để cài phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin. Nhưng các bài viết cũ vẫn hiển thị website lừa đảo như đã nói.

Kẻ xấu sẽ dẫn link một bài báo về một vụ tai nạn giao thông. Khi nhấn vào nội dung vụ tai nạn giao thông, thay vì dẫn đến bài viết gốc thì một giao diện như trang đăng nhập Facebook hiện ra: “nội dung người lớn. Bạn cần đăng nhập để xác minh”.

Chắc chắn đây không phải trang đăng nhập của Facebook, nếu người dùng nhập thông tin tài khoản và mật khẩu sẽ bị đánh cắp các thông tin này.

Tài khoản Facebook bị đánh cắp sau đó sẽ được giới tội phạm mạng sử dụng để chat với bạn bè của nạn nhân, nhờ vả chuyển tiền vào một tài khoản khác (không phải số tài khoản của người bị mất nick Facebook) vì đang có việc khẩn cấp. Nhiều người cả tin đã bị lừa chuyển tiền cho tội phạm.

Việc kẻ xấu lập trang đăng nhập giống như Facebook để đánh cắp thông tin tài khoản không mới, tuy nhiên các thủ đoạn của chúng khác nhau theo từng thời điểm. Việc dùng link bài viết của các tờ báo, trang tin lớn như một cách để khẳng định “uy tín”, với nội dung đau buồn chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Đầu tháng 12 vừa qua, một người phụ nữ ở Tây Hồ, Hà Nội đã bị đối tượng Nguyễn Mạnh Căn lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 1 tỷ đồng vì muốn lấy lại tài khoản Facebook của mình.

Dưới góc độ pháp lý, lừa đảo qua mạng được xếp vào một trong các hành vi dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Với trường hợp lừa đảo qua mạng, thủ đoạn gian dối thường là những câu chuyện bịa đặt được đăng tải trên mạng, thậm chí là cố tình lừa dối tình cảm người khác hoặc giả mạo người có chức vụ, quyền hạn…nhằm mục đích khiến người bị lừa tin tưởng và giao tài sản cho người lừa đảo.

Hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nói chung và hành vi lừa đảo qua mạng nói riêng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cách này làm nhiều người mất cảnh giác vì đây là một bài báo có thật, nhưng hacker chỉ sử dụng ảnh đại diện (thumbnail) cho bài viết đó, còn thực tế là dẫn người dùng tới một nơi để ghi nhận thông tin người dùng khai. Đây là chiêu trò rất tinh vi vì đánh trúng tâm lý tò mò của mọi người.

Về nguyên tắc gần như không ai có thể "hack" tài khoản Facebook của người dùng bằng cách "mò" thông tin đăng nhập, trừ khi người dùng vô tình khai ra cho hacker hoặc thao tác đăng nhập của họ bị ghi trộm lại.

Người dùng phải tự nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống.

Thùy Dung

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/canh-bao-nhung-chieu-tro-lua-gat-de-danh-cap-thong-tin-tren-facebook-1471520.html