Cảnh báo nguy cơ các nhóm Hồi giáo cực đoan gia tăng hoạt động ở châu Âu

Giới chức an ninh châu Âu đang nhận thấy nguy cơ gia tăng số vụ tấn công từ những phần tử Hồi giáo bị cực đoan hóa bởi cuộc chiến Israel-Hamas.

Cảnh sát Pháp tuần tra đại lộ Champs Elysees ở Paris. Ảnh: AFP

Ít nhất 10 quan chức tình báo và cảnh sát ở 5 quốc gia châu Âu - trong đó có Anh, Đức và Pháp - nói với hãng tin Reuters rằng họ đang tăng cường giám sát các chiến binh Hồi giáo. Tình trạng này sẽ gây thêm gánh nặng cho các nguồn tài nguyên hiện nay, khi vốn đã chịu sức ép nặng nề do phải đối phó với những mối đe dọa khác trước đó.

Một quan chức an ninh Anh cho biết cuộc chiến ở Gaza có thể trở thành nơi chiêu mộ phiến quân Hồi giáo lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, trong bối cảnh những lời kêu gọi tấn công vào các mục tiêu Do Thái và phương Tây đã gia tăng ở châu Âu. Một nguồn tin tình báo của Đức cho biết những mối đe dọa đối với dân thường ở quốc gia này hiện xếp cao nhất trong lịch sử gần đây.

Hai cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo ở Pháp và Bỉ vào tháng trước đã giết chết ba người. Các quốc gia như Slovenia và Bosnia-Herzegovina đã nâng mức cảnh báo về mối đe dọa từ khủng bố. Italy cũng tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia với lý do có nguy cơ phiến quân xâm nhập vào nước này.

Đáng chú ý, số nạn nhân thiệt mạng do các cuộc tấn công của chiến binh Hồi giáo ở châu Âu đã tăng mạnh từ năm 2004 - 2006, do lời kêu gọi của Al-Qaeda ,và đạt đỉnh điểm trở lại vào năm 2015 - 2018, do ảnh hưởng từ Nhà nước Hồi giáo (IS).

Mối đe dọa đối với châu Âu hiện nay có thể sẽ rất khác. IS và Al-Qaeda đang thu hẹp hoạt động, trong khi mục tiêu chính của phong trào Hamas là Israel.

Những con sói đơn độc

Các quan chức an ninh cho biết mối nguy hiểm chính đối với châu Âu dường như là từ "những con sói đơn độc" - những kẻ tấn công cực đoan, thường không liên kết chính thức với các nhóm khủng bố lâu năm.

Mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa an ninh này có thể phụ thuộc vào thời gian Israel tiếp tục cuộc tấn công chống lại Hamas ở Gaza.

Mặc dù lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày đã có hiệu lực ở Gaza nhưng cả hai bên đều cho rằng cuộc chiến vẫn chưa thể kết thúc.

Cảnh sát phong tỏa khu vực trong một chiến dịch kiểm tra an ninh ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

Sĩ quan Jochen Kopelke - người đứng đầu liên đoàn cảnh sát lớn nhất nước Đức - cho biết: “Việc những người này thực hiện tội ác chỉ còn là vấn đề thời gian. Không phải lúc nào họ cũng có bom. Họ có thể lái ô tô vào đám đông hoặc tấn công bằng dao”. Các khu chợ Giáng sinh sắp mở cửa có thể là những mục tiêu tiềm năng.

Nhiều người Hồi giáo đã tức giận trước sự tàn bạo của cuộc tấn công của Israel. Một số người cho rằng các chính phủ châu Âu lẽ ra phải làm nhiều hơn để kiềm chế Israel.

Ông Peter Knoope, cựu Phó giám đốc chính sách của Điều phối viên quốc gia về chống khủng bố Hà Lan, cho biết giới chức chống khủng bố châu Âu đã rút ra bài học sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ rằng cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công là sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự cùng với công tác phòng ngừa.

Ông cho biết các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức tới Israel vào tháng trước đã khiến một số người Hồi giáo tức giận.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở châu Âu đã ghi nhận sự gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo và nhà thờ Hồi giáo sau khi phong trào Hamas tấn công Israel ngày 7/10. Họ đồng thời mô tả bầu không khí sợ hãi vì thông tin sai lệch lan truyền trên mạng.

Bà Iman Atta, Giám đốc nhóm Hồi giáo Tell Mama ở Anh cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy xã hội của chúng ta bị phân cực đến vậy”.

Sĩ quan cảnh sát ĐứcKopelke cảnh báo mạng lưới những người theo chủ nghĩa Salafists - những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực kỳ bảo thủ - đã xuất hiện trở lại. Và một nhóm mới gồm những người có ảnh hưởng ủng hộ Hamas đã xuất hiện trên các nền tảng Instagram và TikTok.

Một loạt nhóm chiến binh như IS và Al-Qaeda đã kêu gọi tấn công ở phương Tây và bạo lực chống lại người Do Thái, mặc dù các quan chức tình báo cho biết mối đe dọa tổng thể từ hai nhóm khủng bố này đã giảm bớt.

Theo Europol, chỉ có 2 trong số 16 vụ tấn công khủng bố ở EU năm ngoái là tấn công thánh chiến.
Giám đốc Trung tâm quốc tế về chống khủng bố, ông Thomas Renard lưu ý: “Những gì bạn có bây giờ là một mối đe dọa ngày càng lan rộng và đa dạng hơn”. Ông cho biết hiện có nhiều hiện tượng cực đoan hóa xảy ra trên mạng hơn là những nơi như nhà thờ Hồi giáo.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/canh-bao-nguy-co-cac-nhom-hoi-giao-cuc-doan-gia-tang-hoat-dong-o-chau-au-20231124213203932.htm