Cảnh báo ngộ độc từ nấm rừng

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ăn nấm rừng mọc tự nhiên để tránh bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Những ngày gần đây, ngành Y tế tỉnh Tây Ninh ghi nhận 9 trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn thức ăn được chế biến từ nấm rừng.

Những ngày gần đây, ngành Y tế tỉnh Tây Ninh ghi nhận 9 trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn thức ăn được chế biến từ nấm rừng. Mặc dù được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế điều trị, nhưng do tác hại của chất độc có trong nấm nên 2 người đã tử vong. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ăn nấm rừng mọc tự nhiên để tránh bị ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Hậu quả thương tâm sau một bữa ăn

Mới đây, tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên, một gia đình 3 người sau khi ăn nấm rừng dẫn đến ngộ độc phải cấp cứu, nhập viện điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK).

Trước đó, anh H vào rừng hái nấm về chế biến cho gia đình cùng ăn. Nhiều giờ theo dõi điều trị tại BVĐK tỉnh, diễn biến bệnh ngày càng nặng hơn, sau khi hội chẩn, bác sĩ BVĐK quyết định chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh trong ngày 6.6, nhưng người chồng, anh Cao Huy H (SN 1980) tử vong tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh do độc tố của nấm đã ngấm vào các cơ quan nội tạng làm rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận cấp.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, chị Khưu Thị Hồng T. (SN 1979, vợ anh H) nguy kịch, khả năng hồi phục không cao nên gia đình xin về trong đêm 8.6 và đã tử vong sau đó. Riêng con gái anh H là cháu Cao Thị Cẩm Q (SN 2006) sức khỏe khả quan và đã được xuất viện.

Cùng thời điểm, Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu cũng tiếp nhận 6 trường hợp cấp cứu sau khi ăn nấm rừng. Tất cả 6 trường hợp đều cư ngụ trên địa bàn xã Phước Ninh, họ cho biết đã vào rừng hái nấm lòng gà, trứng ngỗng và vài loại nấm nhỏ có màu đen trong rừng lịch sử Dương Minh Châu.

Trong đó có 2 người cùng một gia đình ăn cơm với nấm rừng chế biến vào chiều 6.6. Sau khoảng 8-10 giờ, cả 2 xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, được cấp cứu tại TTYT huyện.

Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc nấm. Hiện đã có 2 người xuất viện, 4 người đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.

Theo VFA, nấm tán độc trắng có hình thức trông lành tính, trắng đẹp, rất dễ nhầm với nấm không độc.

Tăng cường cảnh báo

Sở Y tế cũng như các cơ quan chức năng luôn tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, khuyến cáo người dân không nên ăn nấm mọc ngoài tự nhiên để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Bà Nguyễn Thị Thành- Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, qua vụ việc đau lòng của gia đình anh H, UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về những nguy cơ của việc hái nấm rừng về làm thực phẩm, nhất là mùa mưa, khi nấm rừng phát triển mạnh.

Tại huyện Dương Minh Châu, bà Trần Thị Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện đã ký văn bản chỉ đạo TTYT huyện, các phòng, ban, đoàn thể huyện cùng UBND xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền trong nhân dân không nên hái bất cứ loại nấm nào ở rừng về làm thức ăn, vì có nhiều trường hợp người dân đã ăn nhầm nấm độc.

Theo bà Trần Thị Ngọc Nương- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, Chi cục tiến hành kiểm tra, xác nhận thông tin về các trường hợp nghi ngộ độc do ăn nấm rừng báo cáo Sở Y tế.

Đồng thời, phối hợp TTYT cấp huyện thực hiện các biện pháp thông tin truyền thông và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị các kịch bản và trang thiết bị, dụng cụ sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm.

“Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục ATVSTP phối hợp với TTYT cấp huyện và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc, để phòng tránh”- bà Nương nhấn mạnh.

Tại Việt Nam có rất nhiều loại nấm, nấm lành và nấm độc như nấm mũ khía nâu xám, nấm xanh đen là các loại nấm độc rất dễ nhầm lẫn với nấm thường, dễ gây ngộ độc chết người.

Khuyến cáo của ngành Y tế

Trao đổi với PV, ông Hùng Công Bình- Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục ATVSTP Tây Ninh cho biết, mùa mưa, thời tiết ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loài nấm phát triển, cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm.

“So với các loại ngộ độc, ngộ độc nấm xảy ra ít hơn, nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Trên thực tế có hàng ngàn loại nấm, trong đó có nấm độc và nấm thường.

Nấm độc nhất gây tử vong thường là nấm trông đẹp, bắt mắt và ngon. Tuy nhiên, để phân biệt giữa nấm độc với không độc rất khó, người dân thường nhầm lẫn, nên khi hái nấm mọc hoang về ăn rất dễ bị ngộ độc”- ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, Cục An toàn thực phẩm (VFA- Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm rừng, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả, đặc biệt là nấm có đủ vòng cuống, bao gốc.

“Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm lẫn với nấm ăn được, do trong một vài giai đoạn phát triển chúng rất giống nhau nên khi ăn vào dễ gây ngộ độc. Nếu ăn phải nấm độc tính cao, sẽ xuất hiện triệu chứng sau 6 giờ, cùng các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, cần phải cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên ăn nấm tự mọc để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng”- ông Bình khuyến cáo.

Ông cho biết thêm, ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm, người nhà cần đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế, đồng thời mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

“Người dân cần xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm. Nếu dưới 6 giờ, chuyển đến bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 giờ phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến cao hơn để có điều kiện lọc máu, xử trí”- ông Bình nhấn mạnh.

Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (VFA- Bộ Y tế):
- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm rừng, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả, đặc biệt là nấm có đủ vòng cuống, bao gốc.
- Trong đám nấm lành cũng có nấm độc. Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau nên khi ăn vào gây ngộ độc.
- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.
- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc.
- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được.

Tâm Giang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/canh-bao-ngo-doc-tu-nam-rung-a159359.html