Cảnh báo liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm

Những ngày qua, tại các địa phương liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Nguyên nhân là do cha mẹ, người chăm trẻ và trẻ chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu.

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Các bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em
Một số sai lầm cần tránh khi cấp cứu trẻ đuối nước
Phòng, chống đuối nước cho trẻ

* Ngày 24/3, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết đã tìm thấy thi thể bé trai V.T.T (12 tuổi, ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) bị đuối nước xảy ra trên địa bàn xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn.

Lực lượng chức năng tìm thấy thi thể bé trai V.T.T bị đuối nước

Cụ thể, khoảng 11h45 ngày 24/3, người dân khu vực ấp Ninh Thuận, xã Thới Hòa phát hiện em V.T.T đến bờ sông rửa chân thì không may trượt chân té xuống sông. Người dân nơi đây tổ chức lặn tìm nhưng không thấy nên gọi đến lực lượng 114 nhờ hỗ trợ.

Tiếp nhận tin báo, lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện tiến hành tìm kiếm nạn nhân. Khoảng 15 phút tìm kiếm, thi thể em T đã được tìm thấy cách hiện trường khoảng 50 mét. Nhóm bạn đi chung em T cho biết, trong lúc đi bắn chim T đến bờ sông rửa chân rồi bị trượt chân.

* Ngày 24/3, lãnh đạo UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) xác nhận, sáng cùng ngày, một nam sinh lớp 11 cùng nhóm bạn lên khu vực suối Vũng Bọt để tắm. Trong lúc tắm suối, nam sinh bị đuối nước. Các bạn trong nhóm kêu cứu, người dân ở khu vực gần đó vội ứng cứu nhưng nam sinh không qua khỏi.

* Trước đó, khoảng 14h ngày 23/3, các em nhỏ gồm C. (SN 2013), T. (SN 2012) và Ta. (SN 2018), cùng trú làng Botgrek, xã Hnol, huyện Đăk Đoa đi chăn bò ở bờ sông Ayun, thuộc địa phận xã Hnol, huyện Đăk Đoa. Tại đây, do thời tiết nóng bức, các em rủ nhau xuống sông Ayun tắm và không may đuối nước tử vong cả 3.

* Cũng trong ngày 23/3, Công an xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là em Nguyễn Ngọc Bảo T. (8 tuổi) và Lê Thị Kim Y. (9 tuổi, cùng ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành), là hai chị em bà con cô cậu ruột với nhau. Hai em đang là học sinh lớp 2 và lớp 3 của Trường tiểu học Nhị Bình.

Theo thông tin ban đầu, do đi làm ăn xa, nên cha mẹ hai em gửi các em cho bà Võ Thị Vui (68 tuổi, là bà nội và ngoại) trông coi. Trưa cùng ngày, bà Vui sau khi uống thuốc thì mệt, nằm ngủ trong nhà và kêu hai em T. và Y. chơi xung quanh nhà.

Đến khoảng 14h45 cùng ngày, bà Vui thức dậy thì không thấy hai cháu của mình đâu nên cùng mọi người xung quanh tìm kiếm. Khi mò tìm dưới ao nước phía sau nhà bà Vui, người dân phát hiện thi thể hai bé gái dưới ao.

Các bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam có đến gần 2.000 trẻ em đuối nước mỗi năm, số gặp tai nạn thường tăng vào đầu mùa hè.

Khi gặp người bị đuối nước, vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của người gặp nạn.

TS.BS Lê Ngọc Duy hướng dẫn các bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em như sau:

Bước 1: Gọi trợ giúp: cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.

Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách.

Bước 3: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không.

Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay. Cách hồi sức là:

- Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng. Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương cổ thì hãy di chuyển trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm. Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ thì giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm).

Phương pháp ấn tim, hà hơi thổi ngạt giúp trẻ đuối nước

Tiến hành hồi sức tim – phổi (CPR) cho trẻ bằng cách:

– Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.

– Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay).

Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.

Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

Một số sai lầm cần tránh khi cấp cứu trẻ đuối nước

TS.BS Lê Ngọc Duy cũng lưu ý một số sai lầm cần tránh khi cấp cứu trẻ đuối nước:

- Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ.

- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.

- Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.

Phòng, chống đuối nước cho trẻ

Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ cần thực hiện 9 biện pháp:

1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...

2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm…).

5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò…).

9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

Quốc Anh

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/canh-bao-lien-tiep-xay-ra-cac-vu-duoi-nuoc-thuong-tam-d4123.html