Cảnh báo lãng phí vì dự án kéo dài, đội vốn: 'Lại phải bỏ tiền xử lý thôi!'

'Còn khá nhiều công trình bị chậm, không đạt tiến độ. Có công trình mới hoàn thành đưa vào vận hành đã phải sửa đổi, điều chỉnh. Sau này đội vốn, chúng ta phải bỏ tiền ra xử lý vấn đề này thôi!'.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý điều này khi thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của Chính phủ, tại Phiên họp 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/5.

Bên cạnh những kết quả tích cực mà báo cáo đã chỉ ra, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, qua rà soát việc ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội, có ít văn bản đúng thời hạn, còn lại đều chậm.

"Công tác hoàn thiện thể chế của chúng ta có vấn đề, có khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện của hệ thống pháp luật, sẽ làm mất cơ hội của doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận các nguồn lực thúc đẩy phát triển KTXH. Cần mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm như thế nào và có giải pháp đẩy mạnh hơn công tác này trong thời gian tiếp theo" – ông Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đề cập đầu tư công, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, thành lập cả Ban Chỉ đạo, hàng tháng họp, giao nhiệm vụ, đầu việc cho bộ, ngành, địa phương, nêu tiến độ, mốc thời gian hoàn thành... góp phần quan trọng vào giải ngân vốn đầu tư công của những tháng đầu năm 2024; nhờ đó, nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, sử dụng.

Tuy nhiên, còn khá nhiều công trình vẫn chậm, ví dụ công tác GPMB, thu hồi đất dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, so với tiến độ Quốc hội giao bị chậm, không cẩn thận còn làm ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo.

Hay cao tốc An Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng thiếu vật liệu, làm chậm, không khắc phục thì sẽ đội vốn ở dự án này cũng như các dự án quan trọng quốc gia khác. Vành đai 4 công tác chuẩn bị chưa tốt, chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư qua kiểm toán Hưng Yên, Bắc Ninh tăng nhiều nghìn tỷ…

Công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa tốt, dẫn đến một số công trình mới hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác đã phải điều chỉnh, sửa đổi.

“Như xây nhà mới tiền bỏ ra ít, nhưng sửa chữa chắp vá thì tiền tăng lên rất nhiều, như thế gọi là lãng phí. Cần khắc phục vì sau này đội vốn thì chúng ta phải bỏ tiền ra xử lý vấn đề này thôi”– ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Bày tỏ quan tâm đến thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cảnh báo tình trạng người có tiền cứ mua bất động sản để đấy, trong khi người có nhu cầu không tiếp cận, không mua được, tiền cứ chảy vào đó mà không đưa vào sản xuất.

“Chúng tôi đề nghị phải có giải pháp xử lý, không thì nguồn lực xã hội, của đất nước bị “chôn” vào thị trường bất động sản. Báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội cũng chỉ ra phải giải quyết các thủ tục pháp lý về quy hoạch để giải phóng nguồn lực từ các dự án “bị chôn”, theo ông Vũ Hồng Thanh.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng phản ánh một số công trình, dự án kéo dài nhiều năm, đội vốn, không hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí nghiêm, báo chí đã nêu tại một số địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

Theo ông, Chính phủ cần làm rõ việc giải quyết đối với các dự án trọng điểm ngành công thương, tuy đạt được kết quả ban đầu, song một số dự án triển khai rất chậm, như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, kéo dài nhiều năm, cần phải làm rõ phương án xử lý.

Đồng thời cần đánh giá kỹ hơn về hơn 800 công trình dự án, mới hơn 500 dự án được giải quyết, còn 379 dự án đang trong quá trình rà soát, cần chỉ rõ địa chỉ, nguyên nhân chưa thực hiện được.

Theo Tổng Thư ký Bùi Văn Cường, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2023 đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Song, nhiều nhiệm vụ Quốc hội giao chưa rõ kết quả cụ thể trong báo cáo.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, báo cáo đã đánh giá nhiều kết quả, hạn chế, từ đó chỉ ra những hạn chế tồn tại, trong đó có hạn chế nhiều năm nhưng chậm khắc phục như: tình trạng giao dự toán không đúng thời gian quy định, tiến độ cổ phần hóa tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đảm bảo đạt được kết quả theo mục tiêu đề ra, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập chậm chưa đảm bảo tính khoa học hiệu quả trong hoạt động….

“Đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, hạn chế tồn tại này trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xác định đúng nguyên nhân hạn chế mới có cơ sở để đề ra các giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới” – Tổng Thư ký Quốc hội nêu ý kiến.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/canh-bao-lang-phi-vi-du-an-keo-dai-doi-von-lai-phai-bo-tien-xu-ly-thoi-post1095346.vov