Cảnh báo giả danh công an hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử để lừa đảo

Lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, kẻ lừa đảo đã dùng thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của 'con mồi'.

Đủ kiểu giả danh để lừa đảo

Công an TP. Hà Nội vừa đăng tải thông tin cảnh báo, về việc giả danh Công an xã hướng dẫn người dân kích hoạt định danh điện tử để lừa đảo.

Trường hợp bà N.T.L (trú ở thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ. Vào khoảng gần 10 giờ sáng ngày 16/6, bà nhận được điện thoại của một người đàn ông, tự giới thiệu là Công an xã Xuân Nộn phụ trách thôn Đường Nhạn, mời ra trụ sở Công an xã để kích hoạt định danh điện tử.

Chưa hết, đối tượng này cho biết, bà L. đang bị một ngân hàng có chi nhánh ở quận Tây Hồ đòi nợ số tiền 66 triệu đồng. Nghe vậy, bà L. quả quyết rằng chưa bao giờ vay nợ ngân hàng. Đối tượng này dọa sẽ gửi số điện thoại của bà L. đến cán bộ Công an TP. Hà Nội, để trao đổi thêm và sẽ hướng dẫn bà L. làm tường trình khẳng định không liên quan đến số tiền 66 triệu đồng.

Người dân cần cảnh giác công an "dởm" hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: CAHN)

Người dân cần cảnh giác công an "dởm" hướng dẫn kích hoạt định danh điện tử, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: CAHN)

Sau khi gác máy được vài phút, một người khác, tự xưng là “cán bộ Công an TP. Hà Nội”, gọi điện thoại cho bà L. Sau khi cam kết sẽ hướng dẫn, đảm bảo bà L. không liên quan trong việc nợ tiền, đối tượng yêu cầu bà L. phải chuyển 66 triệu đồng qua tài khoản để chứng minh không nợ tiền. Sau khi chứng minh xong, bà L. sẽ được nhận lại đủ 66 triệu đồng.

Trước những lời tư vấn bất thường trên, bà L. nhận ra chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu mà bà từng được Công an xã tuyên truyền. Ngay lập tức, bà L. đã trình báo vụ việc với Công an xã Xuân Nộn.

Ngoài hình thức lừa đảo trên, mới đây, Công an TP. Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo, hiện nay trên mạng xã hội facebook xuất hiện những đối tượng giả danh luật sư hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo. Theo đó, kẻ giả danh thường đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo cần thu hồi lại tiền, nên đã lợi dụng để quảng cáo cung cấp dịch vụ "đòi tiền hộ". Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là chiêu trò lừa đảo của kẻ xấu.

Thời gian qua, tình trạng tội phạm công nghệ cao có diễn biến phức tạp và thực tế đã có nhiều nạn nhân bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo. Đa số những nạn nhân khi nhận ra mình bị lừa đảo, thì kẻ xấu đã “cao chạy xa bay”. Và khi đó, số tiền nạn nhân đã chuyển khoản tiền cho bọn chúng hầu hết đều không có khả năng lấy lại.

Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác

Các chuyên gia pháp lý cho biết, trên thực tế, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài... Trong khi đó, bị hại thường trình báo Công an rất trễ. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ…

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và điều này dẫn đến việc người dân có tâm lý bất an.

Luật sư Hà cũng nhận định, đối với hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt lên đến 20 năm tù.

“Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ cao”, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.

Qua những vụ việc như trên, Công an TP. Hà Nội cũng đề nghị, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn lừa đảo tương tự, tránh mắc bẫy các đối tượng xấu.

Để phòng, tránh các đối tượng lừa đảo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…), tài khoản ngân hàng, mã OTP qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người xưng là luật sư, công an.

Bên cạnh đó, khi đối diện với những tình huống bất ngờ, người dân cần hết sức bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc có bất cứ một nghi ngờ nào, người dân cần thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Hà Cường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/canh-bao-gia-danh-cong-an-huong-dan-kich-hoat-dinh-danh-dien-tu-de-lua-dao-258557.html