Cảnh báo ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt nhất thế giới

Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, hội thảo 'Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long' hướng tới đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu...

Sáng 18/7, tại Hậu Giang diễn ra Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Phát biểu khai mạc, Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển cho biết, đây là hội thảo chuyên đề thứ 3 trong chuỗi 4 hội thảo do Ban Kinh tế T.Ư cùng Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp và các đô thị đại diện cho các vùng tổ chức, góp phần triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV.

Phó Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV.

Theo ông Hiển, ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh, nhưng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Ông Hiển nêu, nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42 đến 48%. Các định hướng lớn được nêu ra, như phát triển hệ thống đô thị ĐBSCL theo hướng phân bố hợp lý tại các vùng đô thị, dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; mô hình đô thị sinh thái, nén, thích ứng biến đổi khí hậu...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV.

Ông Hiển cho biết, hội thảo hướng tới việc làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, cần phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; vị thế, vai trò của vùng đối với quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.

Cùng với đó, với các đặc điểm riêng của các đô thị vùng ĐBSCL (về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hạ tầng, văn hóa, xã hội, con người…), theo ông Hiển, phải làm thế nào để tích hợp rủi ro vào quy hoạch và chính sách phát triển đô thị của các đô thị. Hội thảo cũng cần làm rõ cách tiếp cận khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng.

Phải dành chỗ cho nước

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chia sẻ kinh nghiệm về các quy tắc thực hành để quản lý rủi ro trong quy hoạch lãnh thổ của Pháp, cụ thể là vùng cửa sông Gironde - vùng phải đối mặt với nguy cơ lụt lội lớn do triều cường và lũ sông gây tràn bờ.

Về chiến lược cho vùng ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng, cần xác định được các thách thức, từ đó thay đổi cách tiếp cận, khả năng chống chịu; định hướng về khả năng chống chịu của các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV.

Theo các chuyên gia, một số giải pháp về tăng cường khả năng chống chịu cho các công trình xây dựng, gồm: Tăng khả năng chống lũ và thoát nước của các công trình; quy hoạch ao hồ trữ nước; các biện pháp thay thế như khử bê tông hóa, tăng khả năng thẩm thấu, trữ nước theo thửa.

Cùng với đó, cần chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho con người trong các tòa nhà như phòng trú ẩn, túi đồ dùng thiết yếu/sơ tán, hệ thống báo động…. Đối với các công trình xây dựng mới, cần tính toán các biện pháp giảm mức độ dễ bị tổn thương ngay từ khâu thiết kế (ví dụ nơi trú ẩn, bãi đỗ xe tầng trệt…) và trong sử dụng (các thiết bị quan trọng được đặt trên cao ...); lựa chọn vật liệu có khả năng chống chịu...

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, hội thảo giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng thể vấn đề, từ đó nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả tại vùng ĐBSCL.

Việc này sẽ phải thực hiện từ quy hoạch đến phát triển dự án, sử dụng các công cụ, phương pháp để tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển hạ tầng đô thị, giúp tăng cường khả năng chống chịu. Đồng thời, điều chỉnh các định hướng chính của cách tiếp cận khả năng chống chịu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường nhận thức về rủi ro để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng). Ảnh: PV.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng). Ảnh: PV.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nêu, về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, cần tập trung mô hình phát triển hệ thống đô thị - nông thôn.

Cụ thể, kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” - chủ động “dành chỗ cho nước”. Cùng với đó, cần đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có; chọn đất phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn tính đến tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa hình tự nhiên.

Đồng thời, cần lồng ghép giải pháp phát triển hạ tầng kĩ thuật với giải pháp phát triển giao thông- thủy lợi; liên kết đô thị nông thôn theo tiểu vùng ngập để có giải pháp chống ngập và mô hình phát triển phù hợp, tương thích...

Trường Phong - Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-bao-dbscl-la-mot-trong-ba-vung-dong-bang-bi-ngap-lut-nhat-the-gioi-post1552433.tpo