Cảnh báo công tác PCCC loại hình nhà ở 'hợp doanh'

Vụ cháy khiến 3 nạn nhân tử vong tại căn nhà ống kết hợp kinh trong ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra rạng sáng 8/7 vừa qua, tiếp tục là một bài học đau xót và một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng chống cháy nổ…

Vụ cháy tại ngõ Thổ Quan:

- Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy ở ngõ Thổ Quan

Tiềm ẩn rủi ro

Theo báo cáo của CATP Hà Nội, vụ cháy xảy ra khoảng 5h22 sáng 8/7, tại địa chỉ số nhà 12, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa. Lập tức, 4 đơn vị, 2 xe chữa cháy, xe CNCH, xe chở phương tiện và CBCS thuộc CA quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực số 2 CATP Hà Nội được điều động, có mặt tại hiện trường khoảng 5h26. Đến khoảng 7h37 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả lớn, làm 3 người tử vong vì đều mắc kẹt trong nhà là cháu N.Q.M, SN 2010; cháu N.P.U, SN 2012 và chị D.T.D, SN 2004 đều là người thân của chủ nhà.

Khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60m2 (chiều rộng khoảng 2,5m, chiều dài khoảng 24m), kết cấu bê tông cốt thép. Căn nhà có các lối thoát hiểm ở tầng 1, tầng 2 và tầng 6 nhưng bị chặn bởi song sắt, vật dụng và hàng hóa khiến các nạn nhân không thể thoát ra được.

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại khu dân cư, hộ gia đình, nhất là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Ngày 22/6, tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cháy một nhà ở kết hợp kinh doanh khiến 3 người tử vong; Ngày 10/6, một nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cháy lúc nửa đêm. 6 người được giải cứu nhưng vụ cháy đã khiến 3 ông cháu tử vong.

Ngày 13/5, vụ cháy xảy ra đầu giờ sáng tại một căn nhà ống, rào kín song sắt cửa sổ ở quận Hà Đông, Hà Nội khiến 4 bà cháu tử vong; Trước đó 1 ngày, ngày 12/5, một phòng trà thiết kế dạng nhà ống ở quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng bốc cháy dữ dội. 1 người may mắn thoát được bằng lối mái nhà, 3 nhân viên của quán đã tử vong; Rạng sáng 16/4, xảy ra vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh ở TP Thanh Hóa. 4 người được cứu thoát, 2 em nhỏ tử vong.

Theo thống kê mới nhất, hiện toàn quốc có gần 24,5 triệu nhà ở riêng lẻ, trong đó có hơn 1,1 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Chỉ trong 1 năm qua, nhà ở kết hợp kinh doanh trên cả nước tăng thêm khoảng 24.000 công trình. Con số này phần nào lý giải cho việc tại sao gần đây xảy ra quá nhiều vụ cháy liên quan tới loại hình công trình này.

Tuy nhiên, hiểm họa cháy nổ không chỉ xảy ra ở dạng nhà ở kết hợp kinh doanh, mà loại hình công trình nào cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu như không tuân thủ quy định an toàn PCCC. Thế nhưng, phần lớn rủi ro xảy ra cháy đối với loại hình nhà này dễ dẫn đến hậu quả thiệt hại về người và tài sản.

Khi xảy ra hỏa hoạn thông thường khói và lửa sẽ nhanh chóng bao trùm và hút lên các tầng theo lối cầu thang, giếng trời. Trong khi đó mặt tiền ngôi nhà thường bị bịt kín với nhiều lý do chống trộm, nếu nhà ống mặt phố thì đặt tấm quảng cáo, nhà kết hợp kinh doanh thì nhiều vật dụng dễ cháy, lan nhanh… Đây là lý do khi không may xảy cháy đã nhanh chóng nung nóng và dẫn đến nguy hiểm khôn lường cho người mặc kẹt phía trong nhà. Điển hình là các vụ cháy nêu trên.

Tăng cường công tác

Thời gian qua, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chiến dịch an toàn PCCC đến tận khu dân cư, tổ dân phố phát huy hiệu quả. Trong đó có mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được lan tỏa, triển khai đến từng con ngõ của khu dân cư, tạo thế trận toàn dân an toàn PCCC ở cơ sở…

Tuy nhiên, có một thực tế, dạng nhà ống ở đô thị đang là thực trang rất khó giải quyết triệt để về tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Những căn nhà xây lâu, cũ kỹ đã xuống cấp, thiết bị điện kém chất lượng, chủ nhân không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên nên chập cháy dễ xảy ra. Đặc biệt, nhiều gia đình kết hợp nhà ở và kinh doanh, kho hàng… do đó khi xảy ra cháy thường lan nhanh và cháy lớn. Trong khi khả năng ứng phó với cháy nổ của người dân rất kém, nhiều người còn chủ quan, lơ là công tác PCCC như sử dụng thiết bị điện gồm sạc điện thoại, xe điện, đồ tích điện…thường cắm sạc cả ngày.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Hà Nội đã khuyến cáo một số giải pháp đảm bảo an toàn và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh: Không được để hàng hóa, chất cháy trên lối ra cầu thang bộ hoặc liền kề với lối ra cầu thang thoát nạn; Khi có cháy nhanh chóng thoát ra thang bộ hoặc lối thoát khẩn cấp để ra ngoài;

Khi cháy tại tầng 1 cần thoát ngay qua cửa chính hoặc cửa phụ, cách ngách nếu có. Cửa ra ngoài tại tầng 1 nên dùng cửa bản lề mở theo chiều lối thoát, hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn. Quy định nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra cháy nổ. Trường hợp dùng cửa cuốn thì nên có thêm cửa ngách; Cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.

Khi cháy tại tầng 2 trở lên cần chạy vào thang bộ, nếu thang bộ bị nhiễm khói thì tìm lối thoát khẩn cấp ra ban công, lô gia, cửa sổ hoặc lối sang nhà kế bên. Nếu lô gia, ban công lắp cổng sắt cần có cửa thoát nạn và thang sắt bên ngoài hoặc trang bị ống tụt, thang dây, dây hạ chậm lắp vào thành ban công, lô gia đảm bảo chắc chắn. Nếu cửa ở lồng sắt có khóa cần để chìa khóa nơi quy định.

Khi cháy ở tầng 4 hoặc 5, liền kề tầng mái nếu thang bộ bị nhiễm khói không thể chạy xuống đồng thời không ra được ban công, lô gia thì cần chạy lên mái. Tại tầng mái phải có cửa ra, trường hợp cửa ra có khóa cần phải để khóa nơi dễ thấy và có dụng cụ để cắt, phá khóa khi có cháy, sau đó từ mái thoát sang nhà bên.

Nếu nhà có lối lên mái theo thang bộ thì phải làm thang leo có các bậc thang gắn vào tường nhà và thoát qua cửa nóc. Trên đường di chuyển phải hô hoán báo cháy cho mọi người biết; Dùng khăn ướt hoặc mặt nạ phòng độc che kín miệng, mũi để hạn chế ngạt khói, khí độc. Trên đường di chuyển có nhiều khói hãy hạ thấp người để di chuyển, tranh hít phải khói, khí độc, lần sát theo tường để thoát ra ngoài. Nếu phải băng qua lửa hãy dùng khăn vải ướt trùm lên người.

Tại các lối ra thang bộ hoặc lối ra khẩn cấp cần lắp đặt đèn chỉ dẫn thoát nạn và đèn chiếu sáng sự cố theo quy định. Lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà phải tuân thủ theo quy định về PCCC không được che hết mặt ban công hoặc lôgia.

Trang bị các phương tiện chữa cháy, mỗi tầng cần có 1 đến 2 bình chữa cháy, dụng cụ chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, xô nước, chăn chiên và mặt nạ phòng độc để nơi quy định. Trang bị hệ thống cảnh báo sớm cho các phòng để khi có cháy sẽ phát ra tiếng kêu và đưa tín hiệu về điện thoại cho gia chủ biết. Việc trang bị các phương tiện PCCC sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn. Khi xảy ra cháy phải ngắt điện khu vực cháy, gọi điện báo cháy theo số 114, sử dụng phương tiện chữa cháy để dập tắt đám cháy.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/canh-bao-cong-tac-pccc-loai-hinh-nha-o-hop-doanh-343940.html