Cảnh báo chiêu trò giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo

Dư luận xôn xao do gần đây xuất hiện các đối tượng giả danh công an, gọi điện thoại đe dọa, nói số điện thoại của họ hoặc bản thân họ đang liên quan tới đường dây tội phạm và đề nghị chuyển tiền qua tài khoản mà nhóm người này cung cấp để chứng minh vô tội.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: internet

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: internet

Hành vi này rất nghiêm trọng, không chỉ là việc lừa gạt tiền bạc của người dân nói riêng mà còn gây ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của cán bộ CAND trong mắt quần chúng nói chung. Các đối tượng này thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, thu lợi bất chính, phục vụ lợi ích cá nhân của mình.

Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo giả danh công an rất tinh vi, có sự câu kết giữa đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài theo quy trình: thu thập thông tin về nạn nhân – giả mạo số điện thoại của cơ quan điều tra gọi điện đe dọa nạn nhân – yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” rồi nhanh chóng tẩu tán tiền trong tài khoản và xóa dấu vết.

Những “cú gọi” tiền tỉ…

Trước đó, như báo thanhnien.vn đưa tin: Sau 02 ngày xét xử, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên phạt Zheng Zhu En (37 tuổi, quốc tịch Trung Quốc)14 năm tù giam; Nguyễn Văn Thiên (36 tuổi, quê Đồng Nai) 13 năm tù giam; Zheng Ke Xi (42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) 12 năm tù giam; Đinh Văn Đạt (36 tuổi, ngụ Đồng Nai) 20 tháng 14 ngày tù giam; Nguyễn Văn Trung (44 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Nguyễn Văn Doanh (42 tuổi, quê Thái Nguyên) cùng 2 năm tù giam về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, cuối tháng 12/2014, Nguyễn Văn Thiên, Nguyễn Thị Hằng (Hằng là phiên dịch) đã cấu kết với A Trần (người Trung Quốc) mở lớp đào tạo… lừa đảo qua điện thoại cho các bị cáo Doanh, Đạt, Trung và Hằng, Lê Thị Hương, Trần Văn Lợi. Còn A Trần lập tổng đài ở Phúc Kiến, Trung Quốc.

Đạt, Doanh, Lợi được phân công giả danh công an, điện thoại cho các chủ thuê bao nói số điện thoại của họ đang liên quan tới đường dây tội phạm và đề nghị chuyển tiền qua tài khoản mà nhóm người này cung cấp để chứng minh vô tội. Sau đó, nhóm bị cáo này chuyển điện thoại cho Thiên giả danh là cấp trên để nói chuyện.

Để có tài khoản yêu cầu các bị hại chuyển tiền vào, Thiên thuê nhiều người khác nhau làm thẻ ATM tại Ngân hàng S. với giá 700.000 đồng/thẻ. Tất cả thẻ được gửi ra TP.Móng Cái (Quảng Ninh) cho Lê Thị Ánh.

Cùng với nhóm của Thiên, A Trần phân công Zheng Zhu En, Zheng Ke Xi thuê phòng nghỉ tại TP.Móng Cái làm nhiệm vụ nhận thẻ ATM, đi rút tiền khi đồng bọn lừa đảo được.

Ngay khi bị hại gửi tiền, A Trần điện thoại cho En dùng thẻ ATM đến các cây ATM rút tiền ngay. Rút được tiền En cùng Ánh ra chợ Móng Cái đổi sang Nhân dân tệ để chuyển về Trung Quốc cho A Trần. Với thủ đoạn trên, các bị cáo trên đã lừa của 3 nạn nhân tại TP.Vũng Tàu và 1 người ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) gần 4 tỉ đồng.

Mới gần đây nhất, bao.moi.vn đưa tin, tháng 05/2017, một số người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đến Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn để tố cáo bản thân bị các đối tượng lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi trốn sạch. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ điều tra của Bộ Công an, đang thụ lý những vụ án liên quan đến số người này và đe dọa nếu không chuyển tiền vào tài khoản của chúng thì sẽ gặp phiền phức.

Ngày 5,6/6/2017, lực lượng CSĐT đã triển khai lực lượng mật phục và bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chúng đang tập trung tại một khách sạn ở thành phố Bắc Ninh. Cơ quan điều tra đã làm rõ đối tượng chủ mưu cầm đầu nhóm tội phạm chuyên sử dụng công nghệ cao lừa đảo là người nước ngoài, điều hành hoạt động lừa đảo chủ yếu qua mạng internet, điện thoại di động có đầu số nước ngoài ở CuBa, Philippin.

Cần nâng cao cảnh giác

Để phòng ngừa loại tội phạm trên, tháng 04/2015 thuê bao của mạng Mobifone, Vinaphone đã nhận được tin nhắn: “Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thông báo về hiện tượng gần đây một số đối tượng xấu giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra, sau đó chiếm đoạt. Đề nghị mọi người dân khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để giải quyết”.

Đó là biện pháp phòng chống tội phạm công nghệ cao mà nhà mạng kết hợp với C50 – Bộ Công an thực hiện trước tình trạng sử dụng điện thoại lừa đảo đang có chiều hướng phức tạp. Cục C50 cũng lưu ý, cơ quan công an không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại. Khi cần, cơ quan công an sẽ mời lên làm việc bằng cách gửi giấy mời trực tiếp hoặc thông qua cảnh sát khu vực. Do vậy, người dân không nên tin vào những ai gọi điện xưng là cán bộ công an làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu chuyển tiền.

Khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng. Trường hợp có người xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó… Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng, thì cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng. Cần hết sức thận trọng, không nên đưa các thông tin cá nhân của thân nhân, bạn bè như họ tên, chức vụ, nghề nghiệp, đơn vị công tác… lên mạng xã hội.

Theo Anh Nga/Kiemsat.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/phap-luat-kinh-doanh/canh-bao-chieu-tro-gia-danh-cong-an-goi-dien-thoai-lua-dao-122448.html